Site icon KVBro

VIỆT NAM CHỐNG DỊCH QUA MẮT NƯỚC NGOÀI – VẤP NGÃ TRONG CHÍNH SÁCH CHỐNG COVID ĐE DỌA SỰ BÙNG NỔ KINH TẾ

Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

Các rủi ro hiện tại của Việt Nam khiến cho câu ngạn ngữ của giới đầu tư chứng khoán là “mua vào khi có tin đồn và bán đi khi có tin trên báo” (buy the rumor, sell the fact) trở nên không đúng khi biến thể Delta đảo ngược câu chuyện về nền kinh tế được rỉ tai nhau là đã đánh bại đại dịch.

Cho đến tháng Bảy, ngôi sao tăng trưởng Đông Nam Á vẫn trên đà tăng trưởng nhiều năm bất chấp nền kinh tế khu vực thực sự bị “đánh tơi bời.” Chính phủ [VN] đã nhanh nhạy trong việc quyến rũ các công xưởng đi theo mình khi họ tìm đường từ bỏ nước Trung Quốc vốn bị bầm dập bởi cuộc thương chiến. Lời đồn trên thị trường là Hà Nội có công thức đặc trị Covid-19. Tức là, vẫn duy trì hoạt động kinh tế bình thường trong bối cảnh số lây nhiễm và tử vong thấp khó tưởng.

Vì vậy, Việt Nam được ca ngợi nhiều trên cả thực tế cùng dẫn chứng rằng chính sách Đổi Mới từ 1986 của mình không những vẫn sống, sống tốt mà còn là công cụ bảo hộ tốt hơn trong giai đoạn chuyển giao nhiệm kỳ. Tinh thần này xuyên suốt trong Báo cáo ngày 3/10 năm nay của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) có tựa đề: “Việt Nam Lèo Lái Thành Công Trong Đại Dịch” (Vietnam: Successfully Navigating the Pandamic).

Nhưng thực ra thì không nhiều [thành công] lắm! Mấy tay buôn hay có kiểu nói như vậy cho đến khi những con cá cuối cùng chui rọ rồi cất mẻ lưới. Trên thực tế, với làn sóng dịch đang bao trùm, tình trạng hiện tại nhắc nhở thế giới rằng VN còn xa mới có thể là điểm sáng toàn cầu như hy vọng.

Nhà kinh tế học Huong Le Thu tại Viện Chính sách chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute) phát biểu rằng: “Với sự bùng nổ của biến thể Delta gần đây và tỷ lệ tiêm chủng thấp kinh ngạc, dư luận chung về năng lực của Việt Nam bắt đầu yếu dần!” Quan điểm của các nhà đầu tư cũng tương tự. Thị trường nhận ra rằng hai điểm yếu trên đã đe dọa đến chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã lung lay. Bà Huong nhận định tiếp rằng các ông lớn trong lĩnh vực may mặc, giày dép và đồ điện tử như Adidas, Nike cho đến Apple hiện ắt đang phải lo lắng về kế hoạch giao hàng cũng như giá cả phát sinh trong bối cảnh biến thể Delta đang tấn công Vietnam Inc. (công xưởng Việt Nam).

Chỉ một tháng trước đây thôi, TP. HCM vẫn còn là một trong những đô thị bùng nổ nhất châu Á, băng khánh thành nhà xưởng cắt liên tục. Hiện giờ, nó là điểm nóng Covid nhất và có thể nói là đang tắt dần cầu dao điện.

CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM

Đối với những nhà quan sát về các nền kinh tế Đông Nam Á, những gì đang xảy ra có lẽ không có gì mới cả. Đó là sự tự mãn, ng-o m-n và thiếu kỷ luật!

Như những gì chúng ta chứng kiến tại Thái Lan, Indonesia và Malaysia, thành công khống chế dịch ban đầu của chính phủ đã khiến họ chậm rãi trong kế hoạch tìm mua vắc-xin. Quyết sách là nếu ca nhiễm gia tăng thì chính quyền sẽ áp dụng các biện pháp tỏ ra hữu hiệu trước đó như giãn cách xã hội hay gia tăng cơ sở thiết bị, vật tư y tế bảo hộ.

Thế rồi biến thể Delta xuất hiện. Nó khiến chính quyền buộc phải hiệu chuẩn lại toàn diện khả năng của mình. Trong đó bao gồm cả công tác đẩy mạnh tiêm chủng. [Tiếc là] Việt Nam lại rơi vào bẫy của chủ nghĩa dân tộc vắc-xin hay đại loại thế. Nói như Barnaby Flower, nghiên cứu viên lâm sàng tại ĐHTH Oxford, thì một trong những vấn đề là “chẳng phải vội gì trong việc mua vắc-xin ngoại đắt tiền cả!” Cũng theo ông Flower thì chính phủ “bị do dự bởi giá cả và hàng dài các nước xếp hàng nên tuyên bố rằng sản xuất vắc-xin trong nước thì tốt hơn.” Giống như nhiều nước khác ở châu Á, tuyên bố này giống như việc phô trương năng lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Ông Flower nói thêm là Việt Nam đã đầu tư vào ít nhất 4 loại vắc-xin nội dù biết rõ rằng khoảng thời gian chờ để có vắc-xin hữu dụng sẽ mất thời gian.

Chiến lược trên đã không thể chín muồi khi biến thể Delta làm đảo lộn kịch bản. Chính phủ trông vào việc nhập khẩu thêm vắc-xin của Oxford-AstraZeneca. Trong hoàn cảnh giữa tháng 8/2021 Việt Nam có lẽ là một câu chuyện cảnh giác hơn là mẫu hình kinh tế thành công.

Đây là thử thách lớn nhất cho nội các mới được thành lập từ tháng Tư. Nội các mới này cần hành động rất cẩn thận để có thể tái tạo niềm tin cho các nhà đầu tư – những người trong những năm gần đây bắt đầu có niềm tin rằng Việt Nam đã vượt ra khỏi “nền kinh tế quả lắc” trong quá khứ.

Khái niệm “nền kinh tế quả lắc” nói trên mang nghĩa rằng trong nhiều thập kỷ, mô hình Việt Nam chứa đựng các cảm xúc thái cực: cực hưng phấn sang thái cực đối diện mà rất ít biên độ ở giữa. Giai đoạn trầm cảm gần nhất là vào năm 2012, sau đó là một chút hỗn loạn vào cuối năm 2013 trong bối cảnh hoảng loạn nhất thời của các nhà đầu tư (taper tantrum) tại các thị trường mới nổi.

Sau thời kỳ trên, nhiệm kỳ trước đã có thành tích ấn tượng trong việc giảm thiểu các thái cực, vượt qua các chu kỳ bùng nổ rồi đổ vỡ bằng những biện pháp như lành mạnh hóa hệ thống tài chính, nâng cao minh bạch, giảm quan liêu và nâng chỉ số thuận tiện kinh doanh cho Việt Nam. Các công ty như Apple, Adidas, LG, Nike, Panasonic, Samsung và một loạt các doanh nghiệp khác hưởng ứng bằng cách dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.

ĐA NHIỆM

Thế nhưng các vấn đề cố hữu [của VN] vẫn còn đó và chúng hiện khiến thị trường đang ngưng lại để suy tính xem liệu Việt Nam có thể bước tiếp bao xa. Đột nhiên, các nhà đầu tư lại được nhắc lại về sự trì trệ và thói quen xây dựng các chính sách sai lầm trong những khoảnh khắc cực căng thẳng.

Nhưng tin tốt lành là mặc dù thế, VN vẫn thể hiện rằng mình có khả năng thực hiện đa nhiệm. Một ví dụ là mối quan hệ tốt đẹp với Nhà trắng của ông Biden.

Tháng trước, Hà Nội và bà Bộ Trưởng tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen thông qua một thỏa thuận rằng Việt Nam sẽ không làm suy yếu đồng tiền của mình để có lợi thế trong thương mại. Trở lại thời điểm mà ông Trump đưa Hà Nội vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, đó là lúc được xem như một cú thụi cho các tin trang nhất rằng Hà Nội là bên thắng cuộc trong cuộc thương chiến. Vị tổng thống mãn nhiệm đã hy vọng rằng việc đánh thuế của mình vào hàng hóa Trung Quốc cùng các hàng rào phi thuế quan sẽ giúp tạo hàng triệu công ăn việc làm ngược về Mỹ. Tiếc là, hàng triệu việc làm lại đổ vào khu vực TP. HCM và các tỉnh lân cận.

Nhưng rồi bà Yellen và bà thống đốc Hồng đã gác lại để bước tới và giữ hòa khí hai bên. Cụ thể hơn chút là áp lực sẽ đặt về phía Hà Nội, liệu mà giảm đi khối lượng thặng dư thương mại đang phùng phình với Washington. Riêng trong năm 2020, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đã tăng từ 25% lên gần 70%.

Hà Nội nói rằng mình sẽ thực hiện cam kết tuân thủ các quy định của IMF “tránh thao túng tỷ giá hối đoái nhằm ngăn ngừa việc điều chỉnh số liệu cán cân thanh toán hay dành lợi thế cạnh tranh không công bằng và không thực hiện hành vi phá giá tiền Đồng.”

Những dấu chỉ trên cho thấy rằng độ nóng giữa Washington và Hà Nội sẽ giảm xuống mức đủ tạo dư địa cho nhiệm kỳ mới tạo lập mục tiêu kinh tế của mình.

CHI PHÍ LƯƠNG THẤP

Bên cạnh những điểm cộng trên, nhà kinh tế Michael Kokalari cho rằng Việt Nam còn có các triển vọng khác. Ông lấy ví dụ như Việt Nam có ít nút thắt cổ chai về logistic nếu so với Indonesia hay chi phí thấp hơn nếu so với Malaysia. Nhà kinh tế Rajiv Biswas thì nhận xét rằng kể cả khi Hà Nội đang cố làm sao mà có thể gia tăng tỷ lệ tiêm chủng trong nước, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục bị thu hút bởi các thế mạnh của nước này. Ông Biswas nhận xét rằng: “Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ chi phí nhân công rẻ nếu so với các tỉnh duyên hải tại Trung Quốc – nơi mà mức lương đã tăng rất nhanh trong thập kỷ qua. Tiếp nữa, Việt Nam có một lực lượng lao động tương đối đông đảo và có học nếu so với nhiều đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực ĐNA. Những điều trên biến nước này trở thành một trung tâm sản xuất cho các công ty đa quốc gia!”

Nhưng ông Biswas cũng bổ sung rằng chừng nào mà Việt Nam chưa thể kiểm soát được dịch bệnh, nước này khó có thể thuyết phục được các công ty đa quốc gia dịch chuyển công xưởng của mình từ Trung Quốc sang các nước châu Á. Cuối cùng, rất nhiều các công ty đa quốc gia đã và đang đa dạng hóa nguồn cung sản xuất của mình trong thập kỷ qua nhằm giảm thiểu rủi ro lệ thuộc vào sự đứt gãy nguồn cung hay các sự kiện địa chính trị. Ông nói: “Xu hướng này đã được gia tăng thêm bởi đại dịch khi mà sự đứt đoạn nguồn cung kéo dài hồi tháng Hai và Ba năm ngoái tại Trung Quốc đã tạo ra sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, kể cả công nghiệp ô tô và điện tử!”

Vậy đó, sự tình sẽ không biết như thế nào nếu Việt Nam không thể kiểm soát được đợt dịch này. Quả lắc nền kinh tế cần tiếp tục đung đưa là điều mà nhiệm kỳ mới cần làm được.

Nguồn: https://asiatimes.com/2021/08/vietnams-covid-stumble-threatens-economic-boom/

Lược dịch: Luật sư Nguyễn Quốc Vinh

 

Exit mobile version