Site icon KVBro

VẤY BẨN ĐỊA CẦU VÀ GIẤU TIỀN KHÔNG PHẢI LÀ HÀNH VI ĐỒI BẠI CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN. ĐÓ LÀ CHỦ NGHĨA TƯ BẢN.

Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

Bài viết của nhà văn và nhà báo George Monbiot (tờ The Guardian).
*********
Mỗi khi có tài liệu được rò rỉ ra từ các hòn đảo xa xôi hay lãnh thổ hải ngoại mù mờ, nơi những người giàu có giấu tiền bạc, ví dụ như vụ Hồ sơ Pandora rò rỉ tuần này, chúng ta lại hỏi nhau sao chuyện đó có thể xảy ra được nhỉ?! Sao rốt cục cái hệ thống toàn cầu khuyến khích các khối tài sản to lớn được chuyển nhượng bên ngoài lãnh thổ, không chịu thuế và công chúng thì hoàn toàn mù tịt cứ tiếp tục tồn tại? Các chính trị gia thường phàn nàn rằng đó là “mặt trái của chủ nghĩa tư bản.” Nhưng không. Nó không phải là mặt trái. Nó là mặt phải của chủ nghĩa tư bản (CNTB).
CNTB có thể được coi có sự khởi đầu từ một hòn đảo xa xôi. Vài chục năm sau khi chiếm quần đảo Madeira vào năm 1420, người Bồ Đào Nha thiết kế lên một hệ thống mà trong một số khía cạnh, nó khác với những gì tồn tại trước đó. Bằng việc chặt hạ các khu rừng trên quần đảo mà họ đặt tên (madeira theo tiếng Bồ Đào Nha là khu rừng), người Bồ xây nên, ngay tại vùng đất không người này một thực tại nguyên sơ (blank slate) – một lãnh thổ vô chủ (terra nullius) – với một nền kinh tế mới. Được cấp vốn bởi các ngân hàng tại Genoa và Flanders, người Bồ Đào Nha chở nô lệ châu Phi đến đây để trồng mía và sản xuất đường. Họ thiết kế nên một nền kinh tế mà đất đai, sức lao động cũng như tiền bạc mất đi các ý nghĩa xã hội trước đó của nó mà trở thành một loại hàng hóa có thể trao đổi.
Như nhà địa lý Jason Moore viết trên tờ Tạp chí Review, trong những hoàn cảnh trên, chỉ một khoản vốn nhỏ cũng có thể mang đến một lượng lớn của cải có nguồn gốc từ tự nhiên. Ở vùng đất trù phú Madeira, với số gỗ đầy rẫy ngoài tự nhiên được sử dụng làm nhiên liệu cùng sức lao động của nô lệ đã mang đến năng suất lao động cao không tưởng trước đó. Vào những năm 1470, quần đảo nhỏ bé này trở thành địa phương sản xuất đường lớn nhất thế giới.
Nền kinh tế Madeira cũng mang một đặc điểm khác biệt khác so với những nền kinh tế trước nó. Đó là tốc độ tiêu thụ kinh hoàng tài nguyên thiên nhiên. Sản lượng đường đạt đỉnh vào năm 1506. Nhưng chỉ vào năm 1525, nó đã mất đi chừng 80% sản lượng. Theo ông Moore, lý do chính là vì người ta không còn nguồn cung gỗ nữa. Madeira đã hết madeira.
Để tinh luyện 1kg đường sẽ mất chừng 60kg củi. Khi mà lượng củi chỉ có thể kiếm được ở các vùng xa xôi và hiểm trở hơn trên quần đảo, số nô lệ sẽ phải tăng thêm để đảm bảo sản xuất đủ sản lượng đường. Nói cách khác, năng suất lao động lúc này bị giảm nhanh chóng. Trong khoảng 20 năm, năng suất đã giảm 4 lần. Cùng thời gian này, việc phá rừng cũng khiến một số loài sinh vật đặc hữu bị tuyệt chủng.
Trong cái về sau này được gọi là vòng xoay bơm thổi-bùng nổ-bỏ chạy (boom-bust-quit cycle) kinh điển của CNTB, người Bồ Đào Nha đã chuyển dòng vốn của mình đến các vùng đất mới. Đó là các đồn điền mía đường mới tại São Tomé, sau đó là Bra-xin, rồi sau nữa là khu vực Ca-ri-bê. Từng nơi, từng nơi một cho đến khi tài nguyên thiên nhiên của nơi đó cạn kiệt. Như ông Moore nhận xét, hành vi cưỡng đoạt, làm cạn kiệt rồi bỏ rơi một phần những miền đất mới là những giá trị trung tâm của mẫu hình tích lũy của cải mà chúng ta gọi là CNTB. Các cuộc khủng hoảng về sinh thái cũng như năng suất lao động như trường hợp Madeira không phải là hậu quả ngoài ý muốn của hệ thống này. Ngược lại, chúng chính là hệ thống.
Còn về Madeira, sớm sau đó, quần đảo chuyển sang sản xuất các loại hàng hóa khác, phần nhiều trong số đó là rượu vang. Chúng ta không nên ngạc nhiên khi quần đảo này giờ bị cáo buộc là một thiên đường thuế như Hồ sơ Pandora nêu ra. Một quần đảo cạn kiệt về sinh thái với nền kinh tế dựa trên bóc lột, thâm dụng thì có thể làm những gì khác nào?!
Trong cuốn tiểu thuyết Jane Eyre (Jên Erơ) xuất bản năm 1847, nhà văn Charlotte Brontë đã cố gắng tẩy trắng cho khối tài sản mà Jane bất ngờ được hưởng. Jane hưởng di sản từ ông chú, “ông chú John Eyre ở Madeira”. Nhưng mục sư John Rivers cũng đồng thời thông báo cho cô biết rằng di sản của ông chú hiện đang nằm tại “các quỹ ở Anh.” Như thế này cũng giúp tách biệt phần vốn được thừa kế của cô Jane với vốn của ông chủ Rochester – vốn cũng chẳng sạch sẽ gì bởi nó cũng dính líu với hòn đảo sản xuất đường cạn kiệt tài nguyên khác là Jamaica.
Nhưng “các quỹ tại Anh” là cái thứ gì? Vào năm 1847, nước Anh đã là đế quốc trung tâm mà bản chất tư bản của nó từ lâu đã vượt qua cái bóng Bồ Đào Nha. Trong suốt 3 thế kỷ, đế quốc này đã thực hiện cướp bóc một cách có hệ thống các quốc gia khác. Nó bắt nô lệ ở châu Phi sang làm việc tại các khu vực Bắc Mỹ và Ca-ri-bê, bòn rút số của cải khổng lồ của Ấn Độ, khai thác các nguồn tài nguyên, tư liệu mà đế quốc này cần để triển khai cuộc Cách Mạnh Công Nghiệp thông qua chế độ học việc không khác gì mấy với chế độ nô lệ. Khi cuốn tiểu thuyết Jane Eyre được xuất bản, nước Anh vừa kết thúc cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ nhất.
Việc cấp vốn cho hệ thống trộm cướp toàn cầu này cần có các hệ thống ngân hàng kiểu mới. Từ nhu cầu này, các nền tảng của hệ thống tài chính hải ngoại với những thực tại ghê gớm của nó lại lần nữa được lộ ra từ Hồ sơ Pandora tuần này. “Các quỹ tại Anh” đơn thuần chỉ là điểm đến của đồng tiền được dựng lên bởi nền kinh tế tiêu thụ thực dân có quy mô toàn cầu gọi là CNTB.
Để mang tiền về cho Jane, chúng ta chứng kiến cái hố sâu giữa bản chất của hệ thống và cách mà nó lý giải về mình. Ở thời đầu của CNTB, người ta đã cố gắng mà tẩy trắng nó. Những kẻ thực dân đời đầu tại Madeira dựng lên một câu chuyện thần thoại gốc kể rằng các khu rừng tại quần đảo bị cháy, kéo dài tới 7 năm, thiêu rụi hầu hết các cánh rừng. Nhưng thực ra không có thiên tai nào như thế. Lửa cháy do người. Cái riềm lửa mà chúng ta gọi là CNTB đã đốt trụi Madeira trước khi các tia lửa nhảy ra rồi bùng cháy tại các khu vực khác trên thế giới.
Cái lịch sử ngụy tạo của CNTB được chính thức dựng lên vào năm 1689 bởi triết gia John Locke, trong cuốn Khảo luận thứ hai về chính quyền (“Second Treatise of Government”), triết gia này nói với chúng ta rằng: “Tại thuở hồng hoang, toàn bộ thế giới [của chúng ta] là châu Mỹ…” Tức là cả thế giới ở tình trạng vô chủ. Của cải nằm sẵn ở đó, chờ người đến thu lượm. Nhưng không giống như Madeira, châu Mỹ không phải vô chủ. Ngược lại, nó có người ở và những người thổ dân tại đó bị sát hại hoặc bắt làm nô lệ để tạo ra cái “lãnh thổ vô chủ” của ông Locke. Quyền [sở hữu] đối với thế giới, theo ông Locke, được thiết lập thông qua lao động cần cù. Khi mà một người trộn sức lao động của mình với của cải tự nhiên, người đó “đã biến của cải tự nhiên thành tài sản mình sở hữu.” Nhưng [trên thực tế] những người chiếm đoạt phần lớn số của cải tự nhiên đã không hề trộn sức lao động của mình với số của cải này. Nô lệ của họ làm. Cái câu chuyện thần tiên biện minh cho CNTB rằng một người trở nên giàu có nhờ lao động chăm chỉ và tinh thần dấn thân (enterprise), tạo nên giá trị gia tăng cho của cải tự nhiên chính là câu chuyện tuyên giáo vĩ đại nhất trong lịch sử loài người.
Như GS Laleh Khalili giải thích trong bài viết của mình đăng tại Tạp chí London Review of Books, nền kinh tế thực dân bóc lột chưa bao giờ chấm dứt. Ngược lại, nó cứ tiếp diễn thông qua việc các tay buôn móc nối với chính trị gia, quan chức tham nhũng mà cướp đoạt đi tài nguyên của các nước nghèo mà không phải đóng nộp gì, thông qua sự trợ giúp của các công cụ tinh vi ví dụ như chuyển giá. Hệ thống này cứ tiếp tục tồn tại thông qua việc các chính trị gia, những người làm cạn kiệt tài nguyên của nước mình, sử dụng các thiên đường thuế và hệ thống bảo mật riêng tư, sử dụng số tiền nhận được rót vào “các quỹ tại Anh”, nơi mà chủ sở hữu đích thực được che chắn bởi các công ty bình phong.
Riềm lửa vẫn cháy dữ dội khắp thế giới, thiêu rụi con người và các hệ sinh thái. Mặc dù số tiền được kiếm từ các vụ hỏa hoạn này có thể được giấu kín, bạn có thể nhìn thấy chúng đang dần đốt trụi các vùng đất mà còn chứa của cải tự nhiên chưa khai thác. Đó là rừng già Amazon, miền Tây Phi hay Tây Papua. Khi mà tư bản đốt hết trái đất, chúng sẽ chuyển mối quan tâm đến đáy sâu đại dương, còn hiện đã bắt đầu canh bạc vào không gian vũ trụ.
Các thảm họa sinh thái, khởi đầu từ Madeira, đã kết nối với nhau trở thành vấn đề toàn cầu. Chúng ta trở thành vừa là người tiêu dùng vừa là kẻ bị tiêu thụ, đốt cháy hệ thống sinh quyển vì lợi ích của những kẻ đầu sỏ – những người để của cải và đạo đức của mình ở những lãnh thổ hải ngoại.
Khi chứng kiến những gì tương tự nhau xảy ra tại nhiều nơi dù cách xa nhau ngàn dặm, chúng ta không nên xem những vấn đề này là những vấn đề riêng lẻ mà cần nhận ra bản chất của chúng. Mọi lời nói về “cải tạo” hay “thuần hóa” CNTB cứ luôn loay hoay với suy nghĩ sai lầm về bản chất của nó. CNTB chính là thứ mà chúng ta nhìn thấy ở Hồ sơ Pandora.
Nguồn: Trashing the planet and hiding the money isn’t a perversion of capitalism. It is capitalism | George Monbiot | The Guardian
Lược dịch: Luật sư Nguyễn Quốc Vinh
Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.


KVBro-Nhịp sống Nhật Bản

Exit mobile version