VACCINE CORONAVAC VÀ SINOPHARM CÓ HIỆU QUẢ NHƯ THẾ NÀO?

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5.00 out of 5)
Loading...

Trung Quốc phát triển nhiều loại vaccine trong cuộc đua với Âu Mỹ, trong đó nổi bật phải kể đến 2 loại là Sinopharm và CoronaVac.
2 loại vaccine này sử dụng công nghệ rất truyền thống là dùng virus bất hoạt, tức virus đã bị làm mất khả năng lây nhiễm và sẽ tiêm vào cơ thể người để làm hoạt hoá hệ miễn dịch. Công nghệ này được dùng chế tạo vaccine như vaccine bại liệt. Điểm mạnh là ta có thể trữ vaccine ở nhiệt độ lạnh khoảng 4 độ. Điểm yếu của công nghệ này là có thể làm cho hiệu lực của vaccine bị giảm nếu so với các công nghệ hiện đại như mRNA hay viral vector.

Contents

1. Hiệu lực thay đổi lớn giữa các quốc gia

CoronaVac được sử dụng ở 1 số quốc gia theo lệnh chấp thuận khẩn và cho thấy hiệu quả rất khác nhau:
Brazil 51%, Indonesia 65%, Thổ Nhĩ Kỳ 83%, tỉ lệ giảm tử vong sau khi tiêm vaccine được báo cáo trên dưới 100%!
(Số lượng thử nghiệm là khoảng 1000 – 12000 người tuỳ nơi)

Lý do được nghĩ tới là vào lúc được thử nghiệm pha 3, ở các quốc gia có các biến thể virus khác nhau, như Brazil có biến thể Gamma, còn Thổ Nhĩ Kỳ thì bị biến thể Alpha.
Sau đó người ta tiến hành 1 nghiên cứu thời gian thực (‘real-world’) ở Chile trên 10.2 triệu người thì cho thấy vaccine có hiệu lực 66% giảm triệu chứng bệnh và giảm nhập viện do Covid đến 88%

2. Sinh kháng thể từ người tiêm vaccine CoronaVac và Sinopharm có đủ mạnh?

Một nhóm nghiên cứu lấy máu của 8 người được tiêm vaccine CoronaVac, trích kháng thể của họ và thấy kháng thể đó không trung hoà được biến thể Brazil (2).
Một nghiên cứu khác tại Hungary: các nhà nghiên cứu lấy mẫu máu của 450 người 2 tuần sau khi tiêm liều thứ 2 của vaccine Sinopharm và thấy rằng 90% những người dưới 50 tuổi có kháng thể bảo vệ, nhưng lượng kháng thể giảm ở nhóm đối tượng cao tuổi hơn. Ở người trên 80 tuổi, 50% số họ không có lượng kháng thể nào.

3. Nhiều quốc gia không ‘thoả mãn’ với các sản phẩm trên

Chile, Mông Cổ, Indonesia, Thái Lan, Seychelles, Bahrain là 6 trong số nhiều quốc gia đã và đang có dịch bùng phát mạnh đặc biệt là Indo có tới hơn 10000 ca nhiễm mỗi ngày dù trước đây gần 12.3 triệu người đã được tiêm vaccine Trung Quốc.

Cho dù những số liệu ở mục 1 được công bố về vaccine CoronaVac là thực, dữ kiện thực tế từ các nước có vẻ đang chống lại sự hữu dụng của vaccine này. Cả những vaccine tốt nhất hiện nay là Pfizer, Moderna, AZ vẫn có hạn chế khi đối đầu với chủng Delta.
Chủng Delta có tính lây lan cực kỳ cao, ngườii bị mắc chủng Delta có tải lượng virus hơn 1000 lần người mắc biến chủng thông thường. Mới đây nhất có 469 trường hợp (là người dân cư trú ở Massachusetts) bị mắc COVID-19, trong đó 346 người (tức khoảng 74%) được tiêm chủng đầy đủ bằng vaccine Pfizer/moderna (nhờ vậy mà họ bị nhẹ và không có ca tử vong).

Với dữ kiện trên mình rất nghi ngờ liệu vaccine CoronaVac (hay kể cả Sinopharm) có thể chống lại được biến chủng Delta.

Với vaccine CoronaVac hay Sinopharm hiện tại chúng ta có thể sử dụng như 1 liều tiêm đầu tiên, sau đó có thể đẩy mạnh liều thứ 2 hoặc kể cả thứ 3 (nếu có) với vaccine AZ, Pfizer, hay Moderna. Vaccine Trung Quốc sản xuất theo công nghệ bất hoạt, trừ khi có thành phần nào đặc biệt, nếu không thì đây là công nghệ đã được làm chủ, các tác dụng phụ và biến đổi được nắm bắt tốt hơn công nghệ mới. Với người lớn tuổi, có vẻ không nên tiêm vaccine này. Trong trường hợp vaccine không làm gì được virus thì coi như tiêm ít ‘nước muối sinh lý’ vô người vậy.

(1) https://theconversation.com/coronavac-vaccine-its-results-are-patchy-but-the-world-cant-ignore-its-usefulness-164577
(2) https://www.reuters.com/article/us-health-coronavirus-vaccine-sinovac/sinovac-vaccine-may-not-trigger-sufficient-antibody-response-to-brazil-variant-study-idUSKBN2AX0KK
(3) https://www.cdc.gov/mmwr/volumes/70/wr/mm7031e2.htm?fbclid=IwAR284c8eP5PN1TzGy7mjE3v25mGGPsCxfK2YXFxzFuw4dxfXG3T-IyEtsr0

Tổng hợp: Tiến sĩ Dược sĩ Phạm Hùng – Hiện đang công tác tại Bệnh viện Trường đại học Cincinnati – Hoa Kỳ