Site icon KVBro

UKRAINE BỊ PHẢN BỘI Ở BUDAPEST NHƯ THẾ NÀO?

Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

Lúc này, tại thời điểm người dân Ukraine đối mặt với các cuộc tấn công từ phía Nga, việc nhìn lại câu chuyện làm thế nào mà Hoa Kỳ đã thuyết phục nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân là cần thiết. Chuyện này được ghi lại tại Bản Ghi Nhớ Budapest (Budapest Memorandum) năm 1994 (BGN). Trong BGN này Hoa Kỳ, Anh và Nga đã hứa bảo đảm an ninh cho quốc gia Ukraine vừa giành được độc lập khi Liên-xô tan rã.
Đó là thời kỳ hậu Chiến Tranh Lạnh thanh bình khi mà lịch sử được coi đã đóng lại. (ND: Bạn nào muốn hiểu nghĩa của câu này thì tìm hiểu cuốn sách “The End of History and the Last Man” của học giả Francis Fukuyama.) Lúc này, vẫn còn khoảng 1,800 loại vũ khí hạt nhân còn nằm trên lãnh thổ Ukraine. Trong đó có các vũ khí chiến thuật tầm ngắn và tên lửa hành trình phóng từ trên không. Hoa Kỳ lúc đó mong muốn có thật ít nước sở hữu thật ít vũ khí hạt nhân. Đây cũng là thời điểm mà Hoa Kỳ có tầm ảnh hưởng cao nhất.
Đoạn khởi đầu của BGN nêu rằng các quốc gia Hoa Kỳ, Anh và Nga ghi nhận rằng Ukraine cam kết “loại bỏ toàn bộ vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình trong một khoảng thời gian.” Để đổi lại, ba quốc gia trên “xác nhận” mình sẽ trao cho Ukraine khoảng nửa tá các cam kết.
Cam kết quan trọng nhất là “[các quốc gia] tái xác nhận nghĩa vụ không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập về mặt chính trị của Ukraine.” Ba nước cũng sẽ “không có các hành vi cưỡng ép về mặt kinh tế” đối với Ukraine và sẽ “ngay lập tức yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hỗ trợ Urkaine” khi nước này bị “xâm lược”. Rốt cục, Ukraine đã bàn giao toàn bộ vũ khí hạt nhân của mình lại cho Nga vào năm 1996.
BGN trở thành một tài liệu chết vào năm 2014 khi ông Putin xâm lược Ukraine lần đầu. Nhưng người Ukraine không quên nó. Trong cuộc họp cuối tuần trước tại Munich, ông TT Zelensky đã đắng cay kể lại câu chuyện BGN.
Câu chuyện của BGN cho thấy sự ngu dại khi tin vào những lời hứa ghi trên miếng da dê cổ xưa (parchment promise) trong cái thế giới mà những kẻ chuyên quyền cho rằng lý lẽ thuộc về kẻ mạnh. Nhưng điều tệ hại hơn là thông điệp về kết cục của một quốc gia khi nó từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình. Đây là bài học mà Bắc Triều Tiên đã học được, tiếp theo là Iran với một kịch bản tương tự. Âm thầm phát triển bom hạt nhân nhưng miệng thì hứa sẽ không làm thế!
Sự bất lực và bất tài của Hoa Kỳ trong việc thực thi các cam kết của mình tại BGN cũng sẽ mang hiệu ứng lan tỏa đến các quốc gia đang dựa vào cam kết quân sự của Hoa Kỳ. Chúng ta không nên ngạc nhiên nếu Nhật Bản hay Hàn Quốc sẽ phát triển vũ khí răn đe hạt nhân của riêng họ.
Nếu người Mỹ muốn biết vì sao mình cần quan tâm đến vấn đề Ukraine thì một lý do đó là khả năng về sự phổ biến tràn lan vũ khí hạt nhân.
Sự phản bội có những hậu quả của nó, khi mà thế giới sẽ học theo cách là tránh vết xe đổ của người đi trước.

Lược dịch: Luật sư Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vinh. Cảm ơn anh Vinh đã cung cấp bài viết cho KVBro.

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản

Exit mobile version