Site icon KVBro

THIẾT BỊ ĐO NHỊP TIM VÀ NỒNG ĐỘ Ô-XI TRONG MÁU SPO2 VÀ BỆNH VIÊM PHỔI COVID

Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

Bài dưới đây của bác sĩ Richard Levitan và là chủ đề rất hot tại tờ The New York Times mấy ngày qua. Bài này giúp giải thích một phần vì sao mà bệnh tình có thể thay đổi nhanh chóng và làm sập hệ thống y tế tại nhiều nước phát triển đến vậy!

Những bạn có con hoặc người thân đang ở nước ngoài, nên lưu ý bài này. Bài này cũng có thể cần thiết với giới y khoa nước nhà trong việc phát hiện sớm triệu chứng viêm phổi do Covid để điều trị kịp thời (nếu mọi người chưa biết).

Mình không có chuyên môn y tế, dịch giới thiệu cho các bạn. Việc dịch có thể không chính xác, những nghiên cứu về vi-rút Corona thay đổi liên tục và chưa có một kết quả cụ thể chắc chắn nào cả. Các bạn cần có mức độ cẩn trọng cần thiết khi đọc, kể cả những bài viết tầm cỡ trên NYT.

Nếu các bạn có mua thiết bị đo SPO2, mua đủ dùng. Tránh đầu cơ, tích trữ!

*********

Tôi hành nghề trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu 30 năm qua. Vào năm 1994, tôi phát minh ra hệ thống ghi hình cho việc dạy thủ thuật đặt ống khí quản (intubation). Lý do này khiến tôi thực hiện việc nghiên cứu về thủ thuật nói trên. Sau đó tôi đào tạo về thủ thuật trợ thở cho các y bác sĩ trên toàn thế giới trong thời gian hai thập kỷ qua.

Vì thế mà vào cuối tháng Ba, rồi, khi số bệnh nhân Covid-19 bắt đầu ngập tràn các bệnh viện ở TP. New York, tôi tình nguyện dành 10 ngày tại Bệnh viện Bellevue, giúp đỡ nơi mà tôi đã thực hiện công việc đào tạo của mình. Trong những ngày đó, tôi nhận ra rằng chúng ta đã không phát hiện đủ sớm về căn bệnh viêm phối chết người do con vi-rút gây ra và rằng chúng ta có thể làm tốt hơn nữa để giúp các bệnh nhân không phải lệ thuộc vào máy thở – và sống sót.

Trong chuyến đi dài từ nhà của mình tại New Hamsphire tới New York, tôi gọi bạn mình là Nick Caputo, bác sĩ khoa hồi sức cấp cứu tại Bronx, người lúc đó đã trực tiếp tham gia điều trị nhiều ca Covid-19. Tôi muốn biết những gì tôi sẽ đối diện, làm thế nào để giữ an toàn và những lời tư vấn của Nick về việc xử lý hệ thống cấp ô-xi đối với căn bệnh này. Nick trả lời tôi: “Bạn à, nó [con vi-rút] không như những gì tôi biết trước đây!”

Nick đã đúng, Bệnh viêm phổi do vi-rút Corona tác động ghê gớm lên hệ thống bệnh viện của thành phố. Thông thường thì một khoa cấp cứu có đa dạng các bệnh nhân với tình trạng khác nhau, từ nghiêm trọng như đột quỵ, suy tim, chấn thương nặng cho đến các bệnh không nguy hiểm như ngộc độc, đau nửa đầu hay chấn thương nhẹ. Nhưng trong thời gian tôi ở BV Bellevue, hầu hết tất cả các bệnh nhân đều bị viêm phổi. Trong giờ đầu của ca trực đầu tiên, tôi đã phải đặt ống thở cho hai bệnh nhân. Kể cả các bệnh nhân không phàn nàn gì về hệ thống hô hấp của mình cũng mắc viêm phổi do Covid. Bệnh nhân bị đâm ở vai mà chúng tôi phải chụp X-quang vì e rằng anh ấy bị tràn khí màng phổi cũng dính viêm phổi. Trong những bệnh nhân chúng tôi chụp CT vì chấn thương do rơi ngã, ngẫu nhiên cũng mắc viêm phổi do Covid. Các bệnh nhân cao tuổi qua đời vì những lý do không được biết đến hay những bệnh nhân tiểu đường sau đó cũng được phát hiện do bị viêm phổi do Covid.

Điều mà thực sự khiến chúng tôi ngạc nhiên là: Những bệnh nhân đó không hề thông báo rằng mình có bất kỳ vấn đề gì trong quá trình hô hấp mặc dù sau khi được chụp X-quang thì thấy họ bị viêm phổi rõ ràng với lượng ô-xi thấp hơn mức bình thường. Sao lại có chuyện này xảy ra?

Chúng ta hiện mới ở giai đoạn sơ khai trong quá trình nhận ra rằng bệnh viêm phổi do Covid lúc đầu gây ra tình trạng mất đi ô-xi mà chúng tôi gọi là “hiện tượng mất/giảm ô-xi thầm lặng” (silent hypoxia). “Thầm lặng” bởi vì hiện tượng này âm thầm, khó mà phát hiện được.

Viêm phổi là chứng nhiễm trùng phổi mà khi đó các túi phế nang (air sacs) bị lấp đầy bởi dịch hay mủ. Khi bị viêm phổi thông thường, bệnh nhân cảm thấy tức ngực, đau khi thở và các triệu chứng hô hấp bất thường khác. Tuy nhiên, tại thời điểm đầu nhiễm viêm phổi do Covid, bệnh nhân không cảm thấy khó thở, thở dốc, thậm chí kể cả khi mà lượng ô-xi trong máu của bệnh nhân giảm. Đến khi mà họ có các triệu chứng hô hấp trên thì mức ô-xi trong máu đã ở mức thấp báo động và đã bị viêm phổi ở cấp độ trung bình hoặc nghiêm trọng (như chúng tôi thấy trong phim X-quang). Độ bão hòa ô-xi trong máu (oxygen saturation) đối với người bình thường là từ 94% – 100%. Với bệnh nhân viêm phổi Covid, tôi nhận thấy độ bão hòa ô-xi ở mức thấp đến khoảng 50%.

Trong sự sửng sốt của mình, tôi nhận thấy rằng những bệnh nhân nói trên trước đó đã có các triệu chứng bệnh như sốt, ho, dạ dày khó chịu (upset stomach) và mệt mỏi nhưng họ chỉ nhập viện sau khi có triệu chứng khó thở. Bệnh viêm phổi của họ thực sự đã diễn ra nhiều ngày. Khi họ cảm thấy cần phải đến bệnh viện, tình trạng của họ đã trở nên nghiêm trọng (critical).

Ở khoa hồi sức cấp cứu, chúng tôi đặt ống thở cho các bệnh nhân nguy kịch vì nhiều lý do. Trong 30 năm hành nghề của mình, hầu hết các bệnh nhân cần phải đặt nội khí quản khi họ đang bị choáng, thần kinh trở nên bất thường hay đã bắt đầu thở khò khè. Còn bệnh nhân cần đặt nội khí quản bởi chứng thiếu ô-xi cấp tính thì thường đã ở tình trạng bất tỉnh hay phải sử dụng mọi cơ của cơ thể để thở. Họ ở tình trạng cực kỳ chịu đựng. Nhưng bệnh viêm phổi do Covid lại rất khác.

Đa phần các bệnh nhân viêm phổi do Covid mà tôi tiếp xúc có độ bão hòa ô-xi thấp đáng kể tại giai đoạn chúng tôi phân cấp bệnh – thấp ở mức dường như là không thể sống sót – nhưng họ lại vẫn có thể sử dụng điện thoại di động khi chúng tôi bắt đầu thực hiện việc theo dõi. Mặc dù thở gấp, mức độ chịu đựng của họ chỉ ở mức tối thiểu đáng kể, bất chấp lượng ô-xi ở mức thấp nguy hiểm cũng như tình trạng viêm phổi tệ hại khi được chụp X-quang.

Chúng ta mới ở giai đoạn bắt đầu quá trình hiểu vì sao lại xảy ra như thế! Vi-rút Corona tấn công các tế bào phổi sản xuất chất hoạt diện phổi (surfactant). Chất này giúp các túi phế nang trong phổi giữ khoảng cách giữa các nhịp thở và giúp cho phổi hoạt động bình thường. Khi bệnh viêm phổi Covid bắt đầu hình thành, con vi-rút khiến cho các túi phế nang bị xẹp xuống, lượng ô-xi mất đi. Dù vậy, lúc đó hai lá phổi lại ở tình trạng “phục tùng cơ thể” (compliant), chưa trở nên xơ cứng hay bị dịch chiếm. Điều này có nghĩa là bệnh nhân vẫn có thể đào thải ô-xít các-bon. Khi ô-xít các-bon chưa đầy, bệnh nhân không cảm thấy khó thở.

Để bù lại việc thiếu ô-xi trong máu, bệnh nhân phải thở gấp và sâu hơn. Họ không nhận ra điều này. Hiện tượng mất ô-xi thầm lặng này và phản ứng sinh lý học của cơ thể nói trên càng khiến tình trạng viêm nhiễm trở nên trầm trọng, các túi phế nang càng xẹp nhiều hơn, còn bệnh viêm phổi ngày càng trở nên trầm trọng cho đến khi lượng ô-xi trong máu rơi tự do. Hậu quả là bệnh nhân tự làm tổn thương phổi của mình vì họ thở càng lúc càng mạnh. 20% số bệnh nhân trong số này sẽ bắt đầu vào giai đoạn hai và chết chóc hơn của chứng tổn thương phổi. Dịch xâm nhập và phổi trở nên xơ cứng, lượng ô-xít các-bon tăng và bệnh nhân bắt đầu với hiện tượng suy hô hấp. Tại thời điểm mà bệnh nhân nhận thấy mình có vấn đề với hệ hô hấp và nhập viện với mức ô-xi thấp nguy hiểm, rất nhiều trong số họ cuối cùng sẽ cần phải dùng đến máy thở (ventilator).

Hiện tượng mất ô-xi thầm lặng nhanh chóng diễn tiến đến giai đoạn suy hô hấp giải thích vì sao các bệnh nhân Covid-19 chết bất ngờ ngay cả sau khi không có hiện tượng khó thở. (Chúng tôi thấy rằng hầu hết các bệnh nhân Covid-19 đã có những triệu chứng tương đối nhẹ và khỏi bệnh sau một đến hai tuần mà không cần phải điều trị.)

Một nguyên nhân cơ bản khiến đại dịch này gây căng thẳng cho hệ thống y tế của chúng ta là mức độ nghiêm trọng đáng báo động của các bệnh nhân bị tổn thương phổi khi họ được đưa đến phòng cấp cứu. Vi-rút Corona gây tử vong đa phần từ bệnh viêm phổi. Và bởi vì rất nhiều bệnh nhân đã không nhập viện cho đến khi bệnh viêm phổi đã tiến triển trầm trọng, nhiều người trong số họ phải dùng đến máy thở, gây tình trạng thiếu hụt. Khi phải sử dụng đến máy thở, nhiều người sẽ chết.

Việc tránh không phải sử dụng đến máy thở là một chiến thắng lớn cho cả bệnh nhân và hệ thống y tế. Vật tư y tế cho các bệnh nhân máy thở đang lao đao. Các bệnh nhân được đặt ống thở phải sử dụng nhiều thuốc an thần để không khó chịu mà gỡ ống. Họ cũng cần phải đặt các dây truyền động, tĩnh mạch, sử dụng thuốc và thiết bị bơm truyền. Ngoài việc đặt ống vào khí quản, bệnh nhân còn cần phải được đặt ống vào dạ dày và bàng quang. Một đội ngũ nhân viên được cử để xoay chuyển vị trí nằm bệnh nhân, ngày hai lần để cải thiện chức năng của phổi.

Tôi thấy có một cách mà chúng ta có thể xác định số bệnh nhân viêm phổi vì Covid sớm hơn cũng như có thể điều trị họ hiệu quả hơn. Cách này cũng không yêu cầu một người phải được kiểm tra xem có nhiễm vi-rút tại bệnh viện. Đó là cách chúng ta cần phát hiện hiện tượng mất ô-xi thầm lặng thông qua một thiết bị y tế phổ thông mà có thể tìm mua tại hầu hết các hiệu thuốc mà không cần đơn của bác sĩ. Đó là thiết bị đo nhịp tim và nồng độ ô-xi trong máu (pulse oximeter hay PSO2).

Việc đo nồng độ ô-xi trong máu không phức tạp hơn việc dùng nhiệt kế. Thiết bị nhỏ bé này được bật với việc nhấn nút và đặt nó vào đầu một ngón tay. Sau ít giây, hai chỉ số sẽ hiện ra trên màn hình. Đó là chỉ số về độ bão hòa ô-xi trong máu và nhịp tim. Thiết bị đo PSO2 này cực đáng tin cậy trong việc phát hiện các vấn đề về lượng ô xi cũng như đối với nhịp tim.

PSO2 đã cứu mạng hai bác sĩ phòng cấp cứu mà tôi biết vì chúng cảnh báo sớm cho họ rằng họ cần phải được điều trị. Khi cả hai nhận ra rằng mức ô-xi trong máu mình suy giảm, họ đã nhập viện và phục hồi sau đó (mặc dù một người phải chờ lâu hơn và vì vậy phải điều trị nhiều hơn). Việc phát hiện hiện tượng mất ô-xi trong máu, việc điều trị sớm và giám sát chặt rõ ràng đã cứu ông Boris Johnson, thủ tướng Anh.

Việc triển khai thực hiện đo nồng độ ô-xi để phát hiện viêm phổi do Covid – dù do mọi người tự thực hiện tại nhà hay tại phòng khám – có thể giúp thiết lập hệ thống cảnh báo cho các vấn đề về hô hấp đi kèm với bệnh viêm phổi do Covid. Những người sử dụng thiết bị tại nhà cũng cần tham vấn với bác sĩ để có thể giảm số bệnh nhân đến phòng cấp cứu một cách không cần thiết do họ hiểu sai các chỉ số từ thiết bị. Bởi vì cũng có thể có một số bệnh nhân đã không biết rằng mình có các vấn đề về hô hấp kinh niên hay có lượng ô-xi bão hòa thấp hơn bình thường vì một nguyên nhân không liên quan đến Covid-19.

Đối với mỗi bệnh nhân được xét nghiệm dương tính với vỉ-rút Corona cần thực hiện việc giám sát qua đo nồng độ ô-xi trong máu cho khoảng thời gian hai tuần – khoảng thời gian mà bệnh viêm phổi do Covid thông thường phát tác. Những người khác có triệu chứng ho, mệt và sốt cũng cần được đo nồng độ ô-xi, kể cả khi họ chưa được kiểm tra Covid hay thậm chí kể cả khi đã có kết quả xét nghiệm mẫu phẩm âm tính. Bởi vì kết quả xét nghiệm thường chỉ đúng khoảng 70%. Hầu hết người Mỹ phơi nhiễm với con vi-rút đều không biết đến những điều này.

Cũng có những giải pháp khác mà chúng ta có thể làm để tránh việc phải nhờ đến việc đặt ống khí quản và máy thở. Việc thay đổi vị trí của bệnh nhân như nằm sấp hay nằm nghiêng sẽ giúp giải phóng phần phổi dưới hay phía sau, những phần bị viêm nhiễm Covid nhiều nhất. Trong nhiều trường hợp, việc bổ sung ô-xi và thay đổi vị trí giúp bệnh nhân thở dễ hơn và dường như giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển. Một công trình nghiên cứu ban đầu của bác sĩ Caputo chỉ ra rằng chiến thuật này đã giúp 3 trên 4 bệnh nhân với tình trạng viêm phổi nặng do Covid không phải dùng đến máy thở trong 24 giờ đầu.

Cho đến lúc này, Covid-19 đã khiến hơn 40.000 người Mỹ, trong số đó hơn 10.000 tại New York tử vong. Việc đo nồng độ ô-xi trong máu không phải là 100% chính xác và đây không phải là cây đũa thần. Sẽ còn có những người chết và các hậu quả tệ hại không thể ngăn ngừa khác. Chúng ta chưa hoàn toàn tường tận vì sao một số bệnh nhân lại bị nặng hơn bệnh nhân khác hay thậm chí còn có thể bị suy đa tạng?! Rất nhiều bệnh nhân cao tuổi, vốn ốm yếu vì các bệnh kinh niên và những bệnh nhân có bệnh nền phổi khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi viêm phổi do Covid bất kể những phương pháp điều trị tích cực được áp dụng. Nhưng chúng ta có thể làm tốt hơn. Ngay lúc này, nhiều phòng cấp cứu hiện đang bị tấn công bởi bệnh viêm phổi do Covid hoặc sẽ bị. Chúng ta phải hướng nỗ lực, tài nguyên của mình vào công tác phát hiện và điều trị bệnh nhân từ giai đoạn sớm thông qua việc giám sát hiện tượng sụt giảm lượng ô-xi trong máu.

Đây là thời điểm chúng ta cần đi trước con vi-rút chứ không phải lẽo đẽo chạy theo đuôi nó!

Nguồn: https://www.nytimes.com/2020/04/20/opinion/coronavirus-testing-pneumonia.html

Lược dịch: Tiến sĩ Luật sư Nguyễn Quốc Vinh

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

 

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản

 

 

 

Exit mobile version