SỰ MƠ HỒ VỀ CHIẾN LƯỢC CỦA MỸ ĐỐI VỚI ĐÀI LOAN PHẢI CHẤM DỨT

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Vụ ám sát Abe Shinzō đã tước đi nhà lãnh đạo vĩ đại nhất sau chiến tranh của Nhật Bản, và châu Á – một người có tầm nhìn xa trông rộng, người đang lãnh đạo việc xây dựng một khuôn khổ khả thi cho hòa bình khu vực.

Nhưng không có viên đạn nào có thể làm giảm tác động của Abe đối với đất nước và thế giới của ông, như lời kêu gọi gần đây của ông về sự rõ ràng hơn của Hoa Kỳ đối với Đài Loan, các bài bình luận khác của ông cho Project Syndicate, và các cuộc thảo luận với Minxin Pei và Bill Emmott đã cho thấy ảnh hưởng quan trọng của ông đối với châu Á.

*********
Hành vi xâm lấn Ukraine của nước Nga đã khiến nhiều người phải nghĩ về mối quan hệ đầy căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan. Nhưng bên cạnh những điểm tương đồng, trường hợp của Ukraina và Đài Loan còn có những điểm khác biệt lớn.
Điểm tương đồng đầu tiên là khoảng cách lớn về năng lực quân sự, giữa TQ và Đài Loan tương đồng như giữa Nga và Ukrania. Khoảng cách cứ lớn dần qua mỗi năm.
Điểm tương đồng thứ hai là cả Ukraina và Đài Loan đều không có đồng minh quân sự. Cả hai phải tự đối diện với các mối đe dọa hay tấn công.
Thứ ba, vì cả Nga và TQ đều là những thành viên có quyền phủ quyết trong Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, chức năng hòa giải của cơ quan này không còn nếu một trong những nước nói trên là một bên trong xung đột. Đây là chuyện đã xảy ra với Nga và Ukraina và sẽ xảy đến nếu đó là TQ và Đài Loan.
Nhưng Đài Loan ở hoàn cảnh khó khăn hơn Ukraina. Đài Loan không có đồng minh nhưng nước này lại là đối tượng của Đạo luật về quan hệ với Đài Loan năm 1979 (Taiwan Relations Act) của Hoa Kỳ. Đạo luật này yêu cầu Hoa Kỳ phải cung cấp thiết bị và hậu cần cần thiết để “Đài Loan duy trì đủ năng lực tự vệ.” Đạo luật này về bản chất giống như khoản bồi thường cho Đài Loan trong bối cảnh nước Mỹ không sẵn sàng nói thẳng rằng mình sẽ “bảo vệ Đài Loan” khi bị tấn công. Bản chất này giờ cần được sửa đổi.
Trong cuộc chiến Nga – Ukraina, ngay từ đầu Hoa Kỳ nêu lập trường rằng mình sẽ không đưa quân giúp Ukraina tự vệ. Với trường hợp Đài Loan, Hoa Kỳ xưa nay áp dụng một chính sách gọi là nhập nhằng chiến lược. Đây chính là điểm khác biệt thứ hai: Không rõ rằng liệu Hoa Kỳ có hay không sẽ can thiệp quân sự khi Đài Loan có khủng hoảng.
Vì lý do lập trường nhập nhằng của Hoa Kỳ, ít nhất cho đến giờ, TQ đã chùn chân trong cuộc phiêu lưu quân sự vì các nhà cầm quyền nước này sẽ phải chịu trách nhiệm khi Hoa Kỳ can thiệp quân sự. Về phần mình, lập trường không rõ ràng của Hoa Kỳ buộc Đài Loan phải tính đến khả năng Hoa Kỳ không can thiệp. Suy tính này cản bước các nhóm quyết liệt ủng hộ Đài Loan độc lập.
Chính sách nhập nhằng hai mặt (Janus-faced) của Hoa Kỳ đã được duy trì trong nhiều thập kỷ. Nhưng đến nay, với cuộc chiến tại Ukraina, sự khác biệt thứ ba lớn nhất giữa Ukraina và Đài Loan cho Hoa Kỳ thấy rõ rằng giờ là lúc nước này phải xem lại chính sách của mình. Nói đơn giản, sự khác biệt này là trong khi Ukraina là một quốc gia độc lập không phải bàn cãi thì Đài Loan không được như vậy.
Hành vi đưa quân vào Ukraina khiến cộng đồng quốc tế không có bàn cãi gì về vấn đề diễn giải pháp luật quốc tế và Hiến chương LHQ. Dù mức độ tham gia trừng phạt nước Nga có khác nhau, không quốc gia nào đã cho rằng nước Nga không vi phạm pháp luật quốc tế.
Ngược lại, TQ luôn tuyên bố rằng Đài Loan “là một phần của TQ” còn lập trường của Hoa Kỳ và Nhật trong vấn đề này thì tôn trọng tuyên bố trên. [Thực tế là] cả Nhật và Hoa Kỳ đều không có mối quan hệ ngoại giao chính thức còn hầu hết các quốc gia trên thế giới không thừa nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập. Không như Ukraina, lãnh đạo TQ có thể cho rằng hành vi xâm lấn Đài Loan của mình là cần thiết để trấn áp hành vi chống đối chính quyền tại một địa phương trong nước. Như vậy, hành vi trấn áp là không vi phạm pháp luật quốc tế.
Khi nước Nga thôn tính Crưm, cộng đồng quốc tế cuối cùng cũng đồng ý dù hành vi này đã xâm phạm chủ quyền Ukraina. Với tiền lệ này, không có gì là ngạc nhiên nếu các nhà lãnh đạo TQ cũng sẽ rất kỳ vọng rằng thế giới sẽ còn chấp nhận hơn nữa với lô-gic rằng đây là câu chuyện “nội bộ” chứ không phải chuyện giữa hai quốc gia.
Lô-gic nói trên khiến chiến lược nhập nhằng không thể tiếp tục duy trì. Chiến lược nhập nhằng sẽ vận hành tốt một khi Hoa Kỳ vẫn còn mạnh đủ để duy trì chính sách này và một khi mà thực lực quân sự TQ còn ở dưới xa Hoa Kỳ. Nhưng những tiền đề trên đã không còn tồn tại. Chính sách nhập nhằng hiện đang làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương vì nó khích lệ TQ đánh giá thấp quyết tâm của Hoa Kỳ song song với việc khiến chính phủ Đài Loan phải lo lắng không cần thiết.
Trong bối cảnh mà hoàn cảnh đã thay đổi, Hoa Kỳ giờ cần có tuyên bố rằng nước này không cho phép diễn giải sai hoặc theo nhiều cách và mình sẽ bảo vệ Đài Loan đối với bất kỳ hành vi xâm lấn nào.
Trong mọi lần hội kiến khi còn giữ chức thủ tướng, tôi luôn nói rõ với chủ tịch Tập Cận Bình rằng ông đừng bao giờ đánh giá sai hay nhầm lẫn về ý chí bảo vệ quần đảo Senkaku và rằng ý chí này của Nhật Bản là không dao động. Thảm họa nhân đạo xảy ra tại Ukraina cho chúng ta một bài học lớn. Giờ là lúc không nên còn bất kỳ những nghi ngờ nào về quyết tâm của chúng ta trong vấn đề Đài Loan…
Lược dịch: Luật sư Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vinh. Cảm ơn anh Vinh đã cung cấp cho KVBro bài viết này.

Hy vọng rằng bài viết này củaKVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

 

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

CAPTCHA