SAU 1,4 TỶ LIỀU, TRUNG QUỐC NHẬN RA MÌNH CÓ THỂ CẦN mRNA VACCINE

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5.00 out of 5)
Loading...

Có lẽ bài báo dưới đây của Tạp chí Fortune (ngày 17/7/2021) là bài cập nhật và toàn diện nhất về bức tranh vắc-xin Trung Quốc. Mình dịch cho các bạn đọc cho vui! Có cắt đi một số từ thừa trong bài gốc (không cắt ý) cho rõ nghĩa và câu văn mượt mà hơn.

*********

Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đã không phê duyệt hay phân phối vắc-xin phòng chống Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA – công nghệ đã được chứng minh là một trong những công cụ hiệu quả nhất ngăn ngừa sự lây lan của vi-rút. Nhưng lập trường này có lẽ đang thay đổi.

Thứ Năm rồi, hãng tin Caixin (Tài Tân) Trung Quốc có đăng bài rằng cơ quan quản lý nước này đã hoàn tất việc xem xét phê duyệt vắc-xin sử dụng công nghệ mRNA được phát triển bởi nhà sản xuất BioNTech của Đức. Hãng dược Fosun Pharma tại Trung Quốc hiện đang đợi phê duyệt cuối cùng từ cơ quan quản lý [y tế] Trung Quốc và nếu được phê duyệt, đến cuối năm nay Fosun có thể phân phối khoảng 100 triệu liều mình mua được từ BioNTech hồi tháng 12 năm ngoái.

Việc phê duyệt của cơ quan quản lý y tế Trung Quốc cũng khiến Fosun có thể sản xuất khoảng 1 tỉ liều vắc-xin BioNTech mỗi năm. Đây vốn là một phần trong thỏa thuận giữa Fosun và BioNTech vào tháng Năm năm nay khi cả hai nhất trí sẽ lập một doanh nghiệp liên doanh tại Trung Quốc.

Phê duyệt của cơ quan quản lý Trung Quốc là cả một câu chuyện dài! Fosun đã làm đơn xin phê duyệt vắc-xin BioNTech để sử dụng cho thị trường Trung Quốc ít nhất từ tháng 11 năm ngoái – thời điểm mà BioNTech và nhà phân phối toàn cầu của nó là Pfizer – lần đầu công bố dữ liệu lâm sàng chứng minh rằng vắc-xin mRNA có hiệu quả đối với vi-rút Sar-Cov-2. Vắc-xin này của Pfizer và BioNTech sau được Tổ chức y tế thế giới (WHO) phê duyệt và chứng minh rằng nó có hiệu quả cao, kể cả đối với biến chủng Delta, trong việc kiềm chế bùng phát dịch cũng như phòng ngừa tử vong trong hoàn cảnh thế giới hiện tại.

Việc lần lữa phê duyệt vắc-xin BioNTech nói trên chắc có phần là vì lý do chính phủ Trung Quốc hồi đầu năm gieo mối nghi ngờ về tính hiệu quả của vắc-xin mRNA song song với việc quảng bá vắc-xin nhà làm. Nhưng sự bùng nổ của biến thể Delta gần đây đã có thể khiến Bắc Kinh phải thay đổi lập trường. Vì những đợt bùng phát do biến thể này, các chính phủ nước ngoài dường như đã mất đi sự tin tưởng vào độ hiệu dụng của vắc-xin Trung Quốc khi đem so sánh với vắc-xin mRNA của các hãng như BioNTech hay Moderna. Hiện Bắc Kinh dường như cũng đang quẩn quanh với suy nghĩ rằng vắc-xin mRNA có thể giúp họ đối phó với đại dịch và mở lại biên giới vốn được mong đợi từ lâu.

TRUNG QUỐC VÀ VÀ CÔNG NGHỆ MRNA

Lập trường phản đối công nghệ mRNA của Trung Quốc trở nên rõ nét hồi đầu năm. Lúc đó, các hãng tin nhà nước cố reo giắc sự nghi ngờ đối với [tính hiệu quả của] vắc-xin mRNA nhằm tăng cường [tuyên truyền cho] vắc-xin nhà làm.

Ngày 15/01/2021, tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) – tờ báo lá cải chủ trương kích động chủ nghĩa dân tộc – đã bài bác các bài báo của hãng tin phương Tây liên quan đến vắc-xin Trung Quốc và cho rằng việc dựa dẫm vào vắc-xin mang công nghệ mới mRNA là nguy hiểm. Tờ này viết: “Việc lăng-xê quy mô lớn vắc-xin của Pfizer chính là quá trình thử nghiệm liên tục trên diện rộng đối với con người!” Ít ngày sau, tờ Nhân Dân Nhật Báo tiếp lời với việc đưa câu chuyện về mối liên hệ mà không được chứng minh giữa con số tử vong tại các trại dưỡng lão Na Uy với vắc-xin Pfizer.

Giáo sư về an toàn sức khỏe Nicholas Thomas tại ĐHTH City University of Hong Kong nhận xét rằng mối nghi ngại về vắc-xin Pfizer cũng như quan điểm “tiêu cực nhất quán” về vắc-xin mRNA lan truyền trong dân và tại các mạng xã hội vốn được kiểm soát chặt tại nước này. GS Thomas nói: “Câu chuyện về vắc-xin tại Trung Quốc tuyệt đối hướng về vi-rút bất hoạt” như là cách để lăng-xê cho vắc-xin nhà làm.

Thực tế, thay vì công nghệ mRNA, các nhà sản xuất vắc-xin hàng đầu của Trung Quốc như Sinopharm, vốn là doanh nghiệp nhà nước, hay Sinovac, vốn là doanh nghiệp tư nhân, dựa vào công nghệ vắc-xin bất hoạt (inactivated vaccine). Loại vắc-xin này cấy vào cơ thể người vi-rút Covid-19 ở dạng đã chết hoặc bị vô hiệu hóa để cơ thể sinh ra kháng thể. Trung Quốc đặt cược vào việc sử dụng công nghệ đã có tuổi đời hàng thế kỷ này với suy nghĩ rằng với công nghệ này, những khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng và quy mô sản xuất sẽ ít hơn so với các phương pháp mới.

Nhưng đường lối chính thống của Trung Quốc về vắc-xin mRNA cũng đã mềm mỏng dần từ tháng Một năm nay. Trong một bài phát biểu vào tháng Tư, ông Cao Phúc – Tổng giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC) – nói: “Bất kỳ ai cũng cần cân nhắc đến những lợi ích mà vắc-xin mRNA mang đến cho nhân loại!”

Nhưng phát biểu trên của ông Cao không phải đánh dấu một bước ngoặt hoàn toàn mới trong lập trường của Trung Quốc đối với vắc-xin mRNA. Ông Yanzhong Huang, thành viên cấp cao (senior fellow) của Hội đồng quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ (Council on Foreign Relations) nhận xét rằng: “Chúng tôi chưa thấy được những nỗ lực mạnh mẽ trong việc khuyến khích vắc-xin mRNA. [Bởi việc này] có thể gửi tín hiệu đến người dân câu hỏi về tính hữu hiệu của các vắc-xin hiện thời của Trung Quốc!”

Có lẽ Trung Quốc đang cố tìm một giải pháp dung hòa cho những vấn đề nói trên. Bài báo của tờ Tài Tân viết rằng cơ quan chức năng của nước này có kế hoạch sử dụng vắc-xin BioNTech không phải là để thay thế vắc-xin nhà làm mà là liều tiêm kích thích/nhắc lại (booster) sau khi dân Trung Quốc đã tiêm đủ hai liều vắc-xin nội. GS Thomas nói cách này có thể là cách tốt nhất giúp Trung Quốc tránh bị xói mòn niềm tin đối với chiến dịch vắc-xin hiện thời của mình trong khi vẫn có thể nâng cao hệ miễn dịch cho người dân. Ông phát biểu: “Mũi tiêm kích thích sẽ được kết hợp với [vắc-xin nội địa] và như vậy sẽ giúp khiến cho chương trình tiêm vắc-xin hiện tại của Trung Quốc trở nên hợp lý!”

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có thể muốn bổ sung nguồn vắc-xin mRNA từ những nhà sản xuất trong nước. Hãng sản xuất vắc-xin tư nhân có trụ sở tại miền Tây Nam tỉnh Vân Nam là Walvax Biotechnology là ứng cử viên hàng đầu trong việc sản xuất vắc-xin mRNA tại Trung Quốc. Hãng này đang chờ phê duyệt của cơ quan quản lý Trung Quốc để có thể bắt đầu đợt thử nghiệm thứ III. Giám đốc phát triển của Walvax là TS. Tong Xin nói rằng: “Công nghệ sản xuất vắc-xin này đã được chứng minh là hữu hiệu. Tôi thực sự hy vọng rằng nó sẽ được triển khai tại Trung Quốc!”

NIỀM TIN CUỐI NGÀY

Trong các loại vắc-xin hiện thời của mình, Trung Quốc dựa phần lớn vào vắc-xin của Sinopharm hay Sinovac. Cả hai loại vắc-xin này đều được WHO gần đây phê duyệt cho phép sử dụng trong tình huống khẩn cấp.

Thế nhưng, kể cả khi đã được WHO hậu thuẫn, chính phủ các nước bắt đầu mất dần niềm tin đối với hai loại vắc-xin trên khi họ phải đối diện với câu hỏi nảy sinh về tính hiệu dụng của chúng, đặc biệt đối với biến thể Delta.

Tại Thái Lan, thứ Hai rồi chính phủ nước này tuyên bố rằng những ai đã được tiêm mũi đầu với Sinovac sẽ được tiêm mũi thứ hai là vắc-xin AstraZeneca. Còn đối với đội ngũ nhân viên y tế đã được tiêm đủ vắc-xin [Sinovac] sẽ được tiêm mũi kích thích thứ ba là vắc-xin Pfizer hay AstraZeneca. Động thái này diễn ra sau khi 618 trong số 677.000 nhân viên y tế bị dương tính và 1 trong số đó đã tử vong sau khi tiêm đủ hai liều Sinovac.

Tại Indonesia, Bộ trưởng y tế nước này gần đây nói rằng Indonesia sẽ giảm việc lệ thuộc vào vắc-xin Sinovac vì các báo cáo cho thấy hàng trăm nhân viên y tế đã bị dương tính và 10 trong số họ đã tử vong sau khi tiêm vắc-xin Sinovac.

Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) khuyến nghị rằng với những người đã tiêm đủ hai liều Sinopharm thì 6 tháng sau tiêm cần có mũi tiêm kích thích sử dụng vắc-xin Pfizer.

Còn nhà miễn dịch học tại Trường y khoa Duke-NUS Medical School là cô Ashley St. John thì cho rằng mọi bằng chứng đều cho thấy vắc-xin Sinovac và Sinopharm giúp ngăn ngừa lây nhiễm và hạn chế tử vong, kể cả đối với các biến thể mới.

Nhưng các công ty Sinovac và Sinopharm đều chưa công bố số liệu chứng minh rằng vắc-xin của mình tác dụng thế nào đối với các biến thể mới? Các công trình nghiên cứu được làm trước khi có biến thể Delta cho thấy vắc-xin của Sinovac và Sinopharm mang hiệu quả chừng 50% và 79% trong việc phòng ngừa lây nhiễm [đối với chủng vi-rút đời đầu] cho mỗi loại vắc-xin. Trong khi đó, trong thử nghiệm lâm sàng, vắc-xin BioNTech-Pfizer có độ hữu hiệu chừng 95% đối với chủng đời đầu và ít nhất chừng 64% đối với biến thể Delta.

Cô Ashley phát biểu thêm rằng không có lý do gì để các nước ngưng sử dụng Sinovac hay Sinopharm trừ khi các nước này có lựa chọn tốt hơn. “Sẽ có người sống sót sau Covid vì họ đã tiêm [Sinovac và Sinopharm] vắc-xin. Nhưng nếu quốc gia nào có lựa chọn mà họ cho rằng tốt hơn… Vắc-xin mRNA tốt hơn. Vì thế, [lựa chọn này] có nghĩa và được ủng hộ!”

MỞ BIÊN

Trung Quốc cũng có thể cần chấp nhận vắc-xin mRNA để có thể mở cửa biên giới nước mình.

Với phần lớn là vắc-xin Sinovac và Sinopharm, Trung Quốc đã thực hiện tiêm khoảng 1,4 tỷ liều cho công dân. Như vậy là phủ đủ liều cho khoảng nửa tổng số dân của mình. Nhưng theo tờ the Wall Street Journal, kể cả với tốc độ tiêm chủng khủng vậy, nước này có lẽ không thể mở cửa nền kinh tế cho đến giữa năm 2022, một phần vì mối quan ngại rằng dù vắc-xin Sinovac hay Sinopharm có thể có tác dụng ngăn ngừa tử vong thì nó lại chỉ có khả năng hữu hạn trong việc ngăn ngừa lây nhiễm.

Biên giới Trung Quốc hiện vẫn đóng cửa với hầu hết các quốc gia khác. Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi chiến lược “Covid zero” nghiêm ngặt để dập tắt mọi đợt bùng phát, kể cả ở quy mô nhỏ. Ví dụ như sau đợt bùng phát với vài chục người bị lây nhiễm tại thành phố miền nam Quảng Châu hồi tháng Sáu này, chính quyền đã phong tỏa phần lớn thành phố, đưa hàng ngàn người đi cách ly và tổ chức xét nghiệm cho hàng triệu người. Ông Huang phát biểu rằng: “Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận theo hướng phong tỏa dập dịch, có nghĩa ưu tiên là ngăn ngừa lây nhiễm, thì đây là tín hiệu rằng các vắc-xin bất hoạt của Sinovac và Sinopharm là không hiệu quả để có thể đạt được mục đích nói trên! Nếu Trung Quốc không ủng hộ vắc-xin mRNA, nước này có thể bị bỏ lại phía sau so với các nước theo đuổi công nghệ này. Điều rõ ràng là công nghệ mRNA chứng minh được tính hữu hiệu của nó và ưu việt hơn vắc-xin bất hoạt của Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc cần từ bỏ lập trường của mình về vắc-xin mRNA nếu họ muốn bảo vệ cộng đồng mình tốt hơn khi nước này mở cửa!”

Nguồn: https://fortune.com/2021/07/16/china-mrna-vaccine-pfizer-biontech-fosun-doses/

 

Lược dịch: Luật sư Nguyễn Quốc Vinh