NGƯỜI TÂY VIẾT KHỔNG TỬ

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Đến năm thứ năm sống ở Bắc Kinh, tôi chuyển đến sống tại một ngôi nhà gạch một tầng nằm sát Miếu Khổng Tử (Khổng Miếu), ngôi miếu 700 năm tuổi thờ triết gia quan trọng nhất của Trung Quốc. Bếp nhà tôi nằm giáp với miếu. Ngôi miếu đã từng có thời gian rất im lìm. Trong miếu có hàng cây bách sần sùi và ngôi điện bằng gỗ, như mối lương tri, nó phủ bóng lên mái nhà tôi. Sớm mai, tôi thường bước ra ngoài với cốc cà-phê trên tay, lắng nghe các thanh âm đánh thức quanh nhà. Đó là tiếng chổi quét trên thềm đá, tiếng vặn vòi nước cót két hay tiếng huyên náo của lũ ác là trên không.
Việc ngôi miếu này vẫn còn tồn tại là điều kỳ diệu nho nhỏ. Trong truyền thống Trung Hoa, Khổng Tử, người sinh vào thế kỷ 6 trước Công Nguyên, mang tầm cỡ như Socrates tại phương Tây. Ông đề cao nhân lễ nghĩa. Với ông: “Một nước thịnh trị khi vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha và con ra con.” Chủ tịch Mao thì tin vào “cách mạng trường kỳ”. Vào năm 1966, khi Cách mạng văn hóa nổ ra, ông Mao hô hào hồng vệ binh “đập tan tứ hủ” gồm: phong tục, văn hóa, tập quán và tư tưởng hủ lậu. Những người nhiệt thành theo ông Mao lên án Khổng Tử chỉ nuôi dưỡng “các phần tử xấu, bè lũ cánh hữu, yêu tinh, yêu quái.” Trợ lý của ông Mao cho phép quật mộ Khổng Tử. Hàng trăm ngôi miếu đã bị phá. Đến những năm 80 thế kỷ trước, Khổng giáo bị miệt thị đến mức sử gia Yu Ying-shih gọi nó là “một linh hồn vất vưởng!”
Nhưng đến tháng 9 năm 2010, tức là 9 tháng sau khi tôi dọn đến nơi ở mới, vào một buổi sáng, khi đang ngồi ở bàn thì tôi nghe tiếng loa gắt gỏng từ bên miếu vọng sang. Bắt đầu là giọng nói oang oang. Sau đó là tiếng chuông, tiếng trống, tiếng sáo và cuối cùng là giọng ngâm các đoạn trích từ kinh sách Khổng Tử và các bậc thánh hiền khác. Nghi lễ này kéo dài 20 phút. Sau một tiếng, nó lại lặp lại. Ngày này qua ngày khác.
Cái “linh hồn vất vưởng” đó bỗng trở về. Lúc mà Trung Quốc ở giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế với tốc độ nhanh hơn 10 lần so với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, người Trung Quốc giở lại các tư tưởng xa xưa để tìm sự kết nối với quá khứ. Kinh sách cổ trở nên các đầu mục bán chạy đến mức vào năm 2009, công ty sở hữu trang web National Studies, trang web bán kinh sách Khổng Tử được số hóa đã niêm yết trên sàn chứng khoán Thâm Quyến. Để lôi cuốn doanh nhân, ĐHTH Bắc Kinh cùng các trường danh tiếng khác mở khóa học cho các nhà quản lý, hứa hẹn sẽ mang cho họ những lời khuyên uyên áo từ kinh sách cổ áp dụng cho công việc kinh doanh.
Khổng giáo hay đạo Khổng không có tăng ni, lễ nhập đạo và nhìn chung không được coi là một tôn giáo. Tuy nhiên, tầng lớp trung lưu Trung Quốc xem việc chú tâm đến triết học và lịch sử là biểu hiện của việc bồi đắp văn hóa và chủ nghĩa quốc gia. Các bậc cha mẹ đăng ký cho con cái mình học tại các trung tâm nghiên cứu Khổng học tư nhân. Một ngày cuối tuần, tôi ghé qua một trung tâm và thấy lũ trẻ từ 3 – 13 tuổi đang ê a đọc kinh sách, mỗi đoạn được nhắc lại 600 lần. Trên toàn quốc, du khách đổ xô đến các miếu Khổng Tử chưa bị phá hủy để viết sớ cầu nguyện. Anna Sun, nhà xã hội học tại Kenyon College, nghiên cứu về các tờ sớ nói với tôi rằng: “Đa phần là cầu xin thi cử. Cơ bản là kỳ thi đại học nhưng cũng có cả thi TOEFL, G.R.E. hay trường luật!”
Những điều đang xảy ra trên ắt là thứ mà chủ tịch Mao căm ghét. Nhưng hậu duệ của ông đã thay đổi cách nhìn về cuộc cách mạng. Trong những năm 80, khi Trung Quốc đặt mục tiêu phát triển kinh tế, ĐCS TQ đã nghiên cứu xem làm sao các giá trị Khổng giáo lại giúp các quốc gia Đông Á khác giữ ổn định. Nhiều thế hệ các nhà tư tưởng Trung Hoa đã luôn mong tìm được một công thức tối ưu cho quốc học của đất nước. Tức là làm sao trộn lẫn giữa triết học và lịch sử để có thể giúp Trung Quốc miễn nhiễm khỏi các áp lực phương Tây hóa. Sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, lãnh đạo TQ thấy cần có một hệ tư tưởng thuần nội – thứ giúp họ lấy lại được niềm tin luân lý. Lãnh đạo TQ bắt đầu phát biểu tại các hội thảo về Khổng giáo. Đài truyền hình quốc gia khởi chiếu một chuỗi các chương trình về văn hóa truyền thống nhằm “tăng cường sự tự tin, tự tôn và tinh thần yêu nước của người dân.” Từ năm 2002, ĐCS TQ không còn gọi mình là “đảng cách mạng” mà thay vào đó là “đảng lãnh đạo.” Thủ tướng thời đó là ông Ôn Gia Bảo tuyên bố rằng: “Đoàn kết và ổn định thực sự quan trọng hơn bất kỳ vấn đề nào khác.” Vào tháng 2 năm 2005, chủ tịch Hồ Cẩm Đào phát biểu, trích một câu nói của Khổng Tử rằng: “Hòa hợp cần được biểu dương.”
Sớm sau đó, từ “hòa hợp” xuất hiện tại các bản tin, quảng cáo truyền hình và được ngâm nga bởi các quan chức. Vào năm 2006, một nhóm các sử gia được chính quyền hậu thuẫn đã đánh dấu sinh nhật lần thứ 2.557 của Khổng Tử bằng việc công bố bức chân dung “chuẩn” của ông: hình ảnh một ông già hiền từ với bộ râu rậm, đôi tay để chéo trước ngực. Hiệp hội Khổng học Trung Quốc (Chinese Association for the Study of Confucius) dưới sự hậu thuẫn của Bộ dân vụ đã giới thiệu truyền thống của thời đại mới. Đó là cho phép các cặp đôi làm lễ tái hôn trước bức tượng của nhà hiền triết.
Như một biểu tượng thay thế ông Mao tinh tế hơn, Khổng Tử đã trở thành biểu trưng mới [của Trung Quốc] trên trường quốc tế. Lễ khai mạc Thế vận hội Olymic năm 2008 không hề nhắc đến ông Mao nhưng lại nhấn mạnh về sự hòa hợp và các đoạn nhắc lặp lại về cổ thư Trung Quốc. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã mở hơn 400 Viện Khổng Tử trên toàn thế giới để dạy ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử Trung Quốc.
Sự tái sinh của đạo Khổng đặc biệt dễ nhìn thấy tại Khúc Phụ, quê hương của nhà hiền triết vào những ngày này tại tỉnh Sơn Đông. Năm 2007, Lễ hội Khổng Tử quốc tế đã được đồng tài trợ bởi Công ty rượu Khổng Tử. Hàng ngàn người đã lấp đầy sân vận động địa phương. Đống bóng bay khổng lồ viết tên các nhà hiền triết xa xưa lắc lư trên đầu mọi người còn bên dưới thì ngôi sao nhạc pop Hàn Quốc đang biểu diễn trong trang phục cũn cỡn. Cạnh cái hang nơi được cho là Khổng Tử ra đời, một quần thể bảo tàng và công viên giá trị 500 triệu USD đang xây dở. Trong quần thể này có bức tượng Khổng Tử cao xấp xỉ nữ thần tự do. Trong phần quảng cáo của mình, Khúc Phụ tự sánh mình với Jerusalem và Mecca và nhận mình là “thành phố thiêng phương Đông.” Năm ngoái (2013 – ND), Khúc Phụ đón 4,4 triệu du khách, vượt quá con số du khách đến thăm Israel.
Không ai khai thác mối quan tâm đến Khổng Tử tốt bằng Vu Đan, giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học sư phạm Bắc Kinh. Cô ấy đã có loạt bài giảng cho bình dân trên truyền hình và là tác giả của cuốn “Khổng Tử Tâm Đắc” năm 2006. Cuốn sách nghe nói bán được hàng chục triệu ấn phẩm. Hiện, trong văn hóa đại chúng Trung Quốc, cô ở khoảng giữa Bernard-Henri Lévy và Dr. Phil. Cô lờ tịt các quan điểm [Khổng giáo] có thể khiến độc giả hiện đại thấy khó chịu như câu nói rằng: “Đàn bà và tiểu nhân là thứ khó dạy!” Thay vào đó, cô viết chắc nịch rằng: “Chân lý mà đức thánh Khổng viết ra là những chân lý giản dị nhất!” Các học giả giễu cợt cô. Tại một buổi ký bán sách, một người chỉ trích mặc chiếc áo phông trên có dòng chữ “Khổng Tử rất lo âu”. Nhưng rồi vỏn vẹn chỉ trong một năm, cô Vu đã trở thành tác giả có thu nhập cao thứ hai tại Trung Quốc, sau Quách Kính Minh, tác giả của những câu truyện giả tưởng tuổi học trò – người thậm chí đi ra ngoài phải có bảo vệ để dẹp đi đám đông hâm mộ.
Tại trụ sở của Vu Đan ở Bắc Kinh là một dãy phòng tại tầng cao của tòa nhà nằm rìa trường, trợ lý của cô đưa tôi vào một phòng họp hiện đại. Rồi cô đến với nụ cười rộng mở, bảo trợ lý pha trà. Vu Đan trạc gần 50 có gò má cao và mái tóc cắt tém. Tôi hỏi cô rằng vì sao cô lại chọn chủ đề cổ thư. Cô trả lời rằng như những người khác thuộc tuổi mình, cô lớn lên trong sự chối bỏ thư tịch cổ. Cô nói: “Khi tôi bắt đầu viết Khổng Tử Tâm Đắc, rất nhiều người hỏi tôi ‘sao lại viết’? Tôi trả lời rằng mình muốn chuộc tội lỗi của thế hệ. Lúc đó, chúng tôi còn trẻ và đã chỉ trích ông một cách tàn nhẫn!”
Cô ngừng một chút rồi quay sang phía người trợ tá, một sinh viên cao học, rồi nói: “Con, sao mày ngu quá vậy? Trà để quá lâu rồi!” Rồi cô quay sang tôi, nụ cười trở lại. “Lũ trẻ bây giờ không biết tiếp khách,” cô bình phẩm. Sau khi trở nên nổi tiếng, lãnh đạo TQ mời cô Đan đến diễn thuyết tại các buổi hội thảo. Ở đó cô trình bày cách hiểu của mình về kinh thư cổ trong bối cảnh chính trị. Cô nói với tôi: “Vô hạn sẽ dẫn đến hỗn loạn bởi như thế bạn không biết mình đang đi đến đâu hay đang làm gì. Chúng ta phải dựa vào một hệ thống nghiêm khắc để giải quyết các vấn đề này. Là công dân, bổn phận của chúng ta không phải là người quân tử hoàn hảo. Bổn phận của chúng ta là tuân thủ pháp luật!”
Khổng Tử, hay đầy đủ là Khổng Phu tử, có nghĩa là sư phụ Khổng, không phải sinh ra trong gia đình quền thế nhưng tư tưởng và việc làm của mình khiến ông hiện hữu trong mọi thư tịch cổ Trung Hoa. Các câu chuyện về ông trải đều trong các thư tịch cổ như Luận Ngữ, Tả Truyện, Mạnh Tử hay Sử Ký (Tư Mã Thiên) với những chi tiết có trong lịch sử hay huyền thoại. Cha ông, ông Thúc Lương Ngột, một người lính già to cao, xấu xí đã rất khó khăn để kiếm một đứa con trai. Cho đến tuổi 70, ông có người thiếp trẻ và họ có con vào năm 551 trước Công Nguyên. Đứa trẻ giống cha, xấu xí với cái mũi khoằm và trán rồ ra. Cái trán đặc biệt đến nỗi mà được đặt tên là Qiu (nghĩa là gò). Người ái mộ Khổng Tử thì lại cho rằng đầu của ông mang hình vương miện.
Khi Khổng Tử lên ba, cha ông qua đời. Mẹ ông rời quê mang theo ông đi mưu sinh. Lúc còn bé, Khổng Tử lao động và đắm chìm trong thi ca cùng suy tưởng. Ông lấy vợ lúc 18 hay 19 tuổi nhưng rồi thấy tẻ nhạt và bức bối vì cuộc sống này thiếu vắng những mối liên hệ để thực hiện hoài bão quan trường. Thay vào đó, ông dạy học trò thuộc mọi giai tầng xã hội Trung Quốc. Đó là thời kỳ chiến tranh và nhũng nhiễu. Khổng Tử cho rằng “lễ” có thể răn người ta mà hài hòa dục vọng của con người với bổn phận của người đó với gia đình cũng như xã hội. Ông là người lạc quan. Ông nói: “Đức hạnh người quân tử (người ở trên) như gió, đức hạnh của người tiểu nhân (bách tính) như cỏ. Cỏ trước gió thì ắt rạp theo gió.”
Cuối cùng, ông cũng được bổ nhiệm làm quan. Thế nhưng, những đề xuất cải cách của ông đã đe dọa đến các các vị quan lại khác. Như truyền thuyết nói lại thì họ đã lập mưu buộc ông phải từ quan bằng cách tiến lên 80 hầu nữ xinh đẹp. Những người hầu nữ này đã khiến vua mê đắm mà bỏ bê công việc trong 3 ngày liền – khiến chàng quân tử Khổng Phu Tử phải dứt áo ra đi.
Khổng Tử đi khắp Trung Hoa trong tủi hờn, lên án những điều bất lương. Khi ông gặp góa phụ có chồng và con chết vì lũ cọp, ông nói với các đệ tử đi cùng mình rằng: “Một triều đình áp chế còn xấu hơn lũ hổ!” Khổng Tử cực đoan đến độ mà bậc hiền triết cùng thời là Lão Tử (được cho là cha đẻ của đạo Lão) phải cảnh báo ông rằng làm việc đó nực cười “như đánh trống đi tìm con dê lạc!” Theo quan điểm của Khổng Tử, hài hòa mang tính đồng thuận, không phải phục tùng. Việc này cần có lời can gián của bầy tôi trung. Ông nói: “Quốc gia lâm nguy khi quốc vương thấy niềm vui của việc làm vua là khi không thấy những lời can gián.” Các chư hầu thì hoặc phớt lờ lời Khổng Tử hoặc cố giết ông.
Khổng Tử chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một biểu tượng huyền thoại. Sử gia Annping Chin trong cuốn sách “Khổng Tử Đích Thực: Một Cuộc Đời Vì Tư Tưởng và Chính Trị” (The Authentic Confucius: A Life of Thought and Politics) nhận xét rằng: “Khổng Tử thích các buổi đàm đạo vì chúng giúp ông tư duy. Ông không hy vọng rằng ai đó sẽ ghi lại những suy nghĩ của mình. Ông không muốn lời nói của mình cuối cùng lại trở thành quy tắc [giáo điều] bởi ông thích suy nghĩ rằng mình là một con người. Ông yêu thích hành trình cá nhân của mình đi tìm điều gì đúng đắn và khả dĩ trong rất nhiều biến thể của cuộc sống!”
Sau 13 năm phiêu bạt, Khổng Tử trở về cố hương, bắt tay vào việc soạn sách. Ông qua đời ở tuổi thất thập, hiểu rằng đời mình là nỗi thất bại. Trong 3.000 đồ đệ, ông có 72 truyền nhân, những người được xem là hiểu rõ giáo huấn của thầy. Họ lấy giáo huấn của ông mà soạn bộ Luận Ngữ. Phép tắc của ông khiến người ta mệt mỏi. Đồ đệ ông thuật lại rằng: “Thịt thái không vuông, thầy không ăn. Món ăn không có nước chấm đúng vị thầy cũng không ăn.” Nhưng nếu vào thời chiến tranh hay loạn lạc, những lời giáo huấn của ông về phục trang, phép cai trị và ứng xử lại là một lời hứa hẹn hấp dẫn về trật tự. Sau này, đã có tể tướng bình rằng: “Ta có thể cai trị thiên hạ chỉ bằng nửa bộ Luận Ngữ!”
Trong những thế kỷ sau, Khổng giáo bị chính trị thao túng và đày đọa. Vào năm 213 trước công nguyên, vị hoàng đế đầu tiên Trung Hoa vì muốn kiểm soát tri thức nên đã hạ lệnh đốt sách, kể cả kinh sách Khổng Tử. Người nào viện dẫn kinh sách sẽ bị xử giảo hay lưu đày biệt xứ. Tiếp đó, đến thời nhà Hán thì Khổng giáo được hồi sinh, trở thành hệ tư tưởng chính thống cho hầu hết khoảng thời gian 2.000 năm sau đó. Ngôi miếu sát nhà tôi được xây năm 1306. Nó nằm ngay cạnh Văn Miếu, vốn là ngôi trường đào tạo các vị quan lại mang phẩm hàm cao nhất của đế quốc Trung Hoa cho đến khi vị hoàng đế cuối cùng bị phế vào năm 1911.
Ít ngày sau khi có tiếng loa, ngôi miếu cạnh nhà được chăng biểu ngữ lớn, ghi nhận nó là “Thánh Địa Quốc Học.” Lần đầu tiên kể từ khi ĐCS TQ lên nắm quyền năm 1949, ngôi miếu tổ chức lễ sinh nhật cho Khổng Tử. Buổi lễ mang điểm nhấn là các bài phát biểu của quan chức chính quyền, các vị giáo sư và tiếng ngâm ngợi ê a của lũ trẻ. Tôi từng nghĩ rằng buổi lễ này sẽ giúp chấm dứt các màn trình diễn ca múa nhạc diễn ra hàng ngày. Nhưng trong những tuần tiếp theo, các buổi diễn vẫn cứ tiếp tục theo lịch trình đều đặn mỗi giờ, từ 10h sáng đến 6h chiều, 7 ngày trong tuần, bất kể nắng mưa. Âm thanh dội đi dội lại quanh quẩn trong tường các nhà hàng xóm. Cái tưởng như mới mẻ ban đầu dần len lỏi vào trong tâm trí xóm giềng. Ông hàng xóm công nhân xưởng tái chế là Huang Wenyi nói với tôi: “Thứ âm thanh đó cứ luẩn quẩn trong tâm trí tôi ngay cả trong đêm, như thể do mình đi thuyền cả ngày nên đến giờ vẫn còn cảm giác tròng trành!”
Rồi mặt ông ấy bỗng sáng lên với một ý tưởng: “Hay là ông nói với họ vặn nhỏ tiếng thử xem!”
“Sao lại là tôi?” Tôi hỏi.
“Vì ông là người nước ngoài. Họ sẽ lưu ý hơn!”
Tôi không chắc rằng mình có thực sự muốn gây chú ý qua việc phàn nàn nhà triết học lừng danh nhất đất nước hay không nhưng vì tò mò về các buổi diễn nên đã thu xếp đến gặp ông Wu Zhiyou phụ trách miếu. Ông Wu có vẻ bề ngoài giống diễn viên đóng vai người cha hiền lành trong một bộ phim truyền hình dài tập Trung Quốc hơn là một nhà nghiên cứu thần học. Ông trạc ngũ tuần, khuôn mặt đẹp và to điểm thêm cặp lúm đồng tiền hoàn hảo trên má cùng giọng nói vang vang nghe quen quen. Trước khi được phân công phụ trách miếu, ông làm nhiệm vụ nghiên cứu tại Phòng tuyên huấn thành phố. Nhưng ông lại là người có đầu óc tiếp thị tốt. Về các buổi diễn, ông nói với tôi: “Màn diễn này thu hút mọi tầng lớp xã hội, trong hay ngoài nước, đàn ông hay đàn bà, có học hay thất học, chuyên gia hay thứ dân!” Tôi hỏi liệu ông có tham gia vào quá trình thiết kế nên buổi diễn thì được trả lời là: “Tôi là đạo diễn chính”, mắt ông sáng lên. “Tôi giám sát mọi chi tiết. Lời bình trong buối diễn chính là tôi đọc đấy!”
Buổi diễn được ra đời trong hoàn cảnh cấp bách. Ông Wu nhận được chỉ thị phải làm trước lễ sinh nhật vỏn vẹn có một tháng. Ông bèn thuê người soạn nhạc, lựa dàn vũ công tại trường nghệ thuật địa phương và lựa chọn các câu phù hợp trong kinh sách để xây dựng lên kịch bản. Ông kể với tôi rằng: “Nó cần phải có đoạn trầm, đoạn bổng và cao trào. Y như một cuốn phim hay vở kịch vậy. Nếu nó quá ôn hòa thì chẳng ai chú ý cả!”
Ông Wu đã thành công trong việc biến ngôi miếu trở thành nhà hát cộng đồng của mình và tự hào với thành quả đó. Ông kể: “Hồi học trung học cơ sở, tôi luôn giữ chức trưởng hội học sinh ban tuyên truyền. Tôi thích hô khẩu hiệu, âm nhạc, nghệ thuật!” Khi rảnh, ông vẫn đi diễn hài xuyên âm, một loại hài kịch sân khấu của người Trung Quốc. Còn về ngôi miếu, ông cũng có kế hoạch tương lai cho nó. “Chúng tôi đang xây dựng khu mới trong đó sẽ đặt tượng 72 vị thánh hiền đồ đệ. Chúng tôi sẽ cần thêm đèn chiếu. Đến chừng đó tôi nghĩ là đã hòm hòm!”
Rồi ông nhìn đồng hồ và nói tôi nên xem xuất diễn lúc 3 giờ. Ông đưa tôi cuốn sách về lịch sử ngôi miếu rồi nói: “Sau khi đọc xong, mọi câu hỏi của anh sẽ có câu trả lời!”
Sân khấu được dựng trước ngôi đình nằm phía Bắc của quần thể khu miếu và đã được lắp dàn đèn. Dàn diễn viên gồm 16 nam nữ thanh niên trong trang phục học giả. Mỗi bài hát và điệu múa được đặt tên theo một câu trong các sách Luận Ngữ, Kinh Thi, Lễ Ký v.v. Tổng thể mang thông điệp lạc quan là chữ “Phúc” lấy từ câu “họa trung hữu phúc, phúc trung hữu họa – trong họa có phúc, trong phúc có họa.” Nhưng khi diễn trên sân khấu thì cái vế mang điềm gở sau được bỏ đi. Hồi kết có tên “hòa hợp” liên tưởng ĐCS TQ với Khổng Tử. Tờ rơi phát cho khán giả giải thích là hồi này muốn chuyển tải “ý thức hệ và xã hội hòa hợp của người xưa mang ảnh hưởng tích cực trong việc xây dựng một xã hội hòa hợp hiện đại.”
Tôi đọc cuốn sách mà ông Wu cho mình và ấn tượng về độ sâu sắc của nó khi kể về những chuyện xa xưa. Nó kể rằng ai đã trồng cây nào trong ngôi miếu vào hồi 700 năm trước. Nhưng điều dễ thấy là cuốn sách lờ đi những chủ đề khác. Ví dụ như những chuyện xảy ra trong giai đoạn 1905 – 1981. Phần lịch sử chính thống của ngôi miếu giai đoạn thế kỷ 20 hầu hết là bỏ trống.
Trong thời gian ở Trung Quốc, tôi học được một điều là việc diễn giải lịch sử sẽ có những lỗ hổng, như những đoạn vấp trong một đĩa nhạc vậy – âm thanh bỗng dưng câm nín rồi thình lình chơi tiếp như chẳng hề có chuyện gì xảy ra. Một số diễn giải thì được hiệu đính theo lệnh từ trên. Trong nhiều năm, mọi người bị cấm không được nói gì về sự kiện Thiên An Môn hay nạn đói từ chính sách Đại Nhảy Vọt khiến 30 – 45 triệu người chết. Lãnh đạo TQ không chối bó cũng chẳng thừa nhận trách nhiệm của mình với những sự kiện này. Dân chúng chỉ có một số ít các lựa chọn. Một số vì nghèo khổ mà chấp nhận quên đi để sống tiếp. Số khác thì tức giận nhưng thiếu các phương tiện chính trị phản kháng.
Cũng có những cuốn sách khác về Khổng miếu chứa thông tin giúp lấp đầy các khoảng trống, đặc biệt về khoảng trống của sự kiện đêm 23 tháng 8 năm 1966 – một đêm trong những tuần đầu cách mạng văn hóa. Mệnh lệnh “đập tan tứ hủ” đã dẫn đến các cuộc tấn công bát nháo vào mọi cơ quan hay nhân vật quyền lực. Buổi chiều hôm đó, một nhóm hồng vệ binh đã áp giải nhà văn nổi tiếng nhất Trung Quốc lúc đó là Lão Xá đến cửa trước ngôi miếu.
Khi đó Lão Xá đã 67 và là một trong những nhà văn Trung Quốc được kỳ vọng sẽ dành giải Nobel. Ông lớn lên trong nghèo khó ở nơi không xa ngôi miếu. Lão Xá là con của một người lính hộ thành, người sau đó đã hy sinh trong một trận chiến chống ngoại bang. Năm 1924 ông đến Luân-đôn, sống gần Bloomsbury, đọc Conrad và Joyce và ở đó cho khoảng thời gian khoảng 5 năm. Năm 1936, ông viết tiểu thuyết “Rickshaw Boy” (Lạc Đà Tường Tử – Cậu Bé Kéo Xe) kể về một cậu thanh niên kéo xe, bất công trong xã hội khiến cậu trở thành “sản phẩm không may, ích kỷ và hư hỏng của một xã hội suy đồi.” Lão Xá cũng có thời gian hơn 3 năm sống tại Mỹ, tại khu Upper West Side của Manhattan. Nhưng rồi ông trở về Trung Quốc và trở thành nhân vật giống như Victor Hugo của Paris tức là một tác gia tinh hoa. ĐCS trao ông danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân.” Ông không thích thú gì khi phải cho ra đời những sáng tác thuần túy tuyên truyền. Nhưng như nhiều người khác, ông là viên chức trung thành, sẵn sàng chỉ trích các văn hữu khi họ đi lệch đường rầy.
Nhưng bây giờ, đến lượt ông trở thành mục tiêu. Một nhóm hồng vệ binh – hầu hết là các nữ sinh tuổi 15, 16 – áp giải ông vào trong miếu, buộc ông quỳ trên thềm đá cùng các văn nghệ sĩ đồng nghiệp khác bên cạnh đống lửa. Họ tố cáo ông liên hệ với Mỹ và tích trữ tiền đô, các cáo buộc quen thuộc thời đó.
Nhóm hồng vệ binh hô vang: “Đả đảo các phần tử phản đảng” rồi dùng thắt lưng da có khóa đồng lớn quất vào đám các lão ông lão bà. Lão Xá bị thương, đầu chảy máu nhưng vẫn tỉnh táo. Sau 3 giờ, ông bị áp giải lên đồn rồi được vợ bảo lãnh về nhà.
Hôm sau, Lão Xá dậy từ sớm đi theo hướng Tây Bắc đến Hồ Thái Bình. Ông ngâm thơ và sáng tác đến chiều tà rồi cởi áo treo lên cây, lận đầy đá vào người rồi trầm mình xuống hồ.
Khi thi thể ông được tìm thấy vào sáng hôm sau, con ông là Shu Yi được gọi lên để nhận xác cha. Bên công an tìm thấy áo quần, cây gậy chống, kính, bút và tập di cảo ông để lại. Chính quyền nhìn nhận về cái chết của ông là vì ông đã “tự rời xa quần chúng.” Ông là một phần tử “phản cách mạng” nên không được chôn cất tử tế. Thi thể ông được hỏa thiêu mà không có nghi lễ. Vợ và con ông bỏ kính và bút của ông vào một cái hộp rồi chôn nó đi.
Tôi tự hỏi về người con trưởng của ông là ông Shu Yi. Hẳn ông đã ở tuổi thất tuần, tuổi còn cao hơn người cha khi Lão Xá qua đời. Tôi hỏi quanh rồi biết rằng ông Shu sống chỉ cách nhà tôi ít phút đi bộ. Ông mời tôi đến chơi nhà. Ông có mái tóc bạc và khuôn mặt hiền nhưng phảng phất buồn. Căn hộ ông ở lộn xộn với đống sách báo và thư họa treo tường. Khi chúng tôi bắt đầu câu chuyện, một làn gió nhẹ từ con kênh cạnh nhà thổi qua khung cửa sổ. Tôi hỏi xem liệu ông có biết thêm gì về chuyện cha mình tự vẫn.
Ông trả lời tôi rằng: “Thật là khó mà biết được chính xác nhưng tôi nghĩ rằng cái chết của ông là chương cuối của việc đấu tranh. Nhiều năm sau, tôi đọc bài viết ‘Thi Nhân’ của cha mình viết năm 1941. Trong bài này, ông viết rằng ‘Nhà thơ là đám đông xa lạ. Khi mọi người hân hoan, họ lại có thể viết những điều u buồn. Khi mọi người u buồn, họ lại có thể ca vang. Nhưng khi quốc gia lâm nguy, họ phải hy sinh, để cái chết của mình trở thành lời cảnh báo của sự thật.’ ”
Trẫm mình là một truyền thống có từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên tại Trung Quốc, khi Khuất Nguyên trầm mình để phản kháng lại thói nhũng nhiễu. Ông Shu nói với tôi rằng: “Cách này là cách để họ phản kháng lại, để nói với người khác rằng sự thật là gì!” Cha ông, ông nói: “Thà chết vinh còn hơn sống nhục!”
Sau cuộc chuyện trò với ông Shu, tôi quay lại gặp ông Wu Zhiyou, vị phụ trách miếu để hỏi xem chuyện gì xảy ra với Lão Xá đêm đó. Ông Wu thở dài rồi nói: “Đúng thế. Trong thời cách mạng văn hóa đã có những phiên đấu tố ở đây. Sau đó, Lão Xá về nhà rồi trầm mình xuống hồ. Đây có thể xem là một sự thật lịch sử.”
Vì sao lịch sử của ngôi miếu không viết gì về chuyện này?
Ông Wu lúng túng còn tôi thì chuẩn bị cho việc sẽ phải tiếp nhận một tràng tuyên truyền. Nhưng rồi ông trả lời rằng: “Nó quá buồn. Nó làm mọi người quá buồn. Tôi nghĩ tốt hơn cả là không để nó trong sách. Nhưng nó là thực tế, là lịch sử. Nhưng đó không phải là lỗi của ngôi miếu. Nó bởi vì thời cuộc. Nó không thuộc về câu chuyện của ngôi miếu!”
Tôi hiểu ý ông nhưng tôi cảm thấy lời giải thích của ông không đủ. Lão Xá bị tra tấn tại ngôi miếu vì nó là địa điểm của học tập, tư tưởng và lịch sử. Rất giống cuộc cách mạng văn hóa, việc cho phép tấn công một trong những nhà văn nổi tiếng nhất Trung Quốc là cho phép tấn công những cái gì được coi là thuộc về Trung Hoa. Trong nhiều thập kỷ sau đó, lãnh đạo và dân chúng TQ chưa bao giờ thừa nhận những gì mình đã đánh mất từ những khoảnh khắc đó. Thậm chí kể cả khi có người muốn ghi dấu cái địa danh mà nhà chép sử Bắc Kinh lớn nhất chấm dứt cuộc đời mình thì việc này vẫn là khó khăn. Để phục vụ cho việc mở rộng hệ thống tàu điện ngầm, hồ Thái Bình đã bị lấp từ mấy thập kỷ trước. Tôi thường rất ngạc nhiên làm sao mà người Trung Quốc lại có thể để mọi thứ lại phía sau như các cuộc cách mạng, chiến tranh, nghèo khó và những biến đổi lớn của thời hiện tại? Hàng xóm của tôi là cô Huang – người sống cùng với mẹ nay đã 88 tuổi. Một lần, khi tôi hỏi cô rằng cô có ảnh gia đình không thì được trả lời rằng: “Chúng bị đốt trong cuộc cách mạng văn hóa,” rồi cười. Nụ cười trống rỗng mà người Trung Quốc thường dành cho những điều khổ tâm.
Cuộc cách mạng văn hóa đã dỡ bỏ các kết cấu đức tin cổ xưa Trung Quốc mà cuộc cách mạng kinh tế sau đó đã không thể giúp tái dựng lại. Thịnh vượng vẫn chưa thể giúp xác định mục tiêu cuối cùng của quốc gia và quốc dân. Trong cuộc đời của người Trung Quốc, có một lỗ trống gọi là khoảng trống tinh thần (jingshen kongxu).
Đều đặn mỗi ngày, tôi thấy hàng đoàn công chức từ các khu nội địa Trung Quốc và sinh viên từ các trường trong thành phố đến thăm ngôi miếu. Một hướng dẫn viên trẻ tuổi với mái tóc đuôi ngựa giơ tay về phía trước rồi nói với đoàn phụ nữ trung niên rằng: “Động tác này biểu hiện tôn kính Khổng Tử.” Đoàn du khách cố gắng làm sao bắt chước cô giống nhất. Tôi nhận thấy rằng, với nhiều người Trung Quốc, các khoảng trống lịch sử đã khiến Khổng Tử trở thành một người xa lạ. Họ không biết nơi nào là nơi ông qua đời hay nơi mà thần thoại hay chính trị [về ông] bắt đầu. Sử gia Annping Chin viết rằng: “Chúng tôi gán cho ông mọi điều đúng hay sai xảy ra tại Trung Quốc vì chúng tôi thực sự không hiểu ông!”
Trong khoảng trống đó, một số người rất thích sử dụng nhà triết học cho các mục tiêu chính trị có lợi cho mình. Tháng 10 năm 2010, nhà văn phản kháng Lưu Hiểu Ba, người đang thụ án 11 năm tù vì tội lật đổ chính quyền đã được trao giải Nobel hòa bình. Chuyện này làm chính quyền TQ nổi giận. Để đáp lại, một nhóm những người theo chủ nghĩa quốc gia lập nên “Giải hòa bình Khổng Tử.” Năm tiếp theo, giải được trao cho ông Putin vì đã mang lại “an ninh và ổn định cho nước Nga.” Có nhiều lần, việc suy tôn Khổng Tử trở nên quá khích. Tháng 12 năm 2010, nhóm 10 học giả cổ thư nổi tiếng phản đối kế hoạch xây một nhà thờ công giáo lớn ở Khúc Phụ, quê hương của ông. Họ viết rằng: “Chúng tôi xin các bạn hãy tôn trọng miền đất thiêng văn hóa Trung Quốc và đình chỉ việc xây dựng nhà thờ ngay lập tức!” Chính quyền cố giải thích rằng thực ra đã có tiền lệ là một nhà thờ khác ở thành phố. Nhưng rồi việc phản đối dành được sự ủng hộ của các hội Khổng Tử địa phương và các trang web về Khổng Tử để cuối cùng việc xây dựng bị đình lại.
Với một số người, việc suy tôn Khổng Tử của quan chức là ở mức nghẹt thở. Một mặt nhà kiểm duyệt xóa đi những chỉ trích tại phần bình luận ở các trang web Trung Quốc dưới danh nghĩa là bảo vệ ổn định chính trị còn những người bình luận hiểu biết thì nói rằng câu từ của mình đã bị “hài hòa hóa.” Cách hiểu của lãnh đạo TQ về sự hài hòa của Khổng Tử không dành nhiều chỗ cho việc thảo luận chính trị hay cho sự cọ sát trung thực của tư tưởng. Sau trường hợp gây xôn xao của học giả đại chúng Vu Đan, giáo sư ĐHTH Bắc Kinh là ông Li Ling xuất bản cuốn sách “Stray Dog: My Reading of the Analects” (Con Chó Lạc: Lý Giải Của Tôi Về Luận Ngữ) trong đó ông chỉ trích hiện tượng “xào nấu Khổng Tử.” Ông viết rằng: “Khổng Tử đích thực không phải là nhà hiền triết hay là một vị vua… Ông không có quyền lực hay địa vị mà chỉ là người hiểu biết và có luân lý, dám chỉ trích những kẻ quyền thế ở thời mình. Ông đi lại đó đây, cố thuyết phục người ta sử dụng các quy tắc của mình, nặn óc ra để giúp những kẻ cai trị thời mình giải quyết những vấn đề của họ, luôn cố mà thuyết phục họ từ bỏ những điều xấu xa để trở thành bậc chính nhân quân tử. Ông bị dằn vặt, ám ảnh, buộc phải lang thang, nài xin áp dụng tư tưởng của mình. Vì vậy, ông giống một con chó lạc hơn là một nhà hiền triết!”
Khi cuốn sách của GS Li được xuất bản vào tháng 5 năm 2007, ông bị các học giả khác như Jiang Qing, một nhà nghiên cứu chính trị Khổng giáo nổi tiếng lên án. Ông Qing gọi ông Li là “nhà tiên tri ngày tận thế khuyển nho, không đáng nhắc tới!” Một trong những người bảo vệ GS Li là ông Lưu Hiểu Ba. Trước khi bị bắt, ông Lưu đã cảnh báo một tình trạng mà ở đó “Khổng giáo thì được sùng kính còn các trường phái khác bị cấm kị.” Ông còn viết rằng thay vì kê cứu Khổng Tử, các nhà tri thức cần đề cao “sự độc lập của tư tưởng và tính tự chủ của mỗi người!”
Càng sống lâu cạnh ngôi miếu tôi càng cảm nhận khoảng trống giữa điều mà mọi người đòi hỏi nó với cái mà nó có thể gửi đến cho họ. Người ta đến ngôi miếu, thánh địa quốc học, để tìm kiếm một sự kế tục về luân lý. Nhưng [tiếc là] nó hầu như nó không giúp họ được gì nhiều. Để duy trì việc nắm quyền của mình trong lịch sử, lãnh đạo TQ đã tạo ra Khổng Tử dưới nét biếm họa. Nhiều thế hệ người Trung Quốc đã lớn lên cùng với việc lên án đạo đức và triết học truyền thống nay bổng nhiên lại thấy lãnh đạo phục sinh lại những giá trị này. Mặt khác lại không cho họ thảo luận về chủ đề chuyện gì đã xảy ra ở khoảng giữa đó! Một biên tập viên cấp tiến miêu tả rằng đã có một “cơn hôn mê tập thể” xoay quanh cuộc cách mạng văn hóa. Cô ấy viết: “Hồ sơ về giai đoạn lịch sử đó của chúng tôi vẫn là ‘bí mật’. Các thế hệ trước đây không dám giở lại trong khi đó thế hệ trẻ hơn chúng tôi thậm chí còn không có mối liên hệ dù xa xôi nhất về cuộc cách mạng đó!”
[Tuy nhiên] có những chỉ dấu cho thấy rằng không chỉ những học giả có tư tưởng tự do đã mất kiên nhẫn với cách diễn giải chính thống về Khổng Tử. Vào tháng 11 năm 2012, tại ĐHTH Bắc Kinh và sau màn kinh kịch, khi cô Vu Đan xuất hiện trước cử tọa thì bị đám sinh viên la ó. Họ la lên rằng cô không đủ tư cách đứng trên sân khấu cùng các học giả nghiêm túc. Ai đó hét lên: “Cút ra khỏi đây!” và rồi cô Vu vội vã rời đi. Mùa đông năm ngoái, bên quảng trường Thiên An Môn người ta đặt một bức tượng Khổng Tử lớn. Đây là biểu tượng đầu tiên được đặt tại nơi nhạy cảm này kể từ thời điểm xây lăng ông Mao cách đó cả thế hệ. Các triết gia và khoa học chính trị băn khoăn liệu đây có phải là tín hiệu về một sự thay đổi chính thống về đường lối của ĐCS. Nhưng rồi 4 tháng sau khi ở đó, bức tượng bỗng dưng biến mất. Nó được dời đi trong đêm và đặt tại một địa danh ít nổi tiếng hơn là tại khu vườn của một bảo tảng. Lý do di dời bức tượng vẫn là một điều bí ẩn vì Ban tuyên huấn TW cấm báo chí viết về chuyện này. Dân chúng rốt cục cũng chỉ biết đùa với nhau rằng Khổng Tử, vốn là một thầy giáo tự do đến từ tỉnh Sơn Đông, đã bị bắt vì sinh sống tại Bắc Kinh mà không có giấy tờ hợp lệ.
Nguồn: NEWYORKER
Lược dịch: Luật sư Nguyễn Quốc Vinh

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản