KHÔNG CÓ GÌ ĐỂ LÀM TRỪ ĐÁNH BẠC

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Bài của Max Read, biên tập viên của NYT và NY Magazine. Lược dịch bởi Luật sư Nguyễn Quốc Vinh. Bỏ qua một vài đoạn không dịch cho nội dung cố kết hơn.

====

Khốn khổ cho những người có hiểu biết về tài chính. Tưởng tượng là trong mấy tháng qua, hộp thư, tin nhắn của họ chắc đầy những câu hỏi của bạn bè hay bà con xa hỏi về những thuật ngữ hay cụm từ viết tắt của nền kinh tế Covid. Bố hỏi: “Tao mua một cái NFT được không?” NFT viết tắt của cụm từ “non-fungible token” – về cơ bản là một dạng tài sản điện tử mà chứng thực về tính duy nhất của nó đại diện cho giá trị và được lưu dưới dạng mã hóa trong sổ cái của blockchain. Bà cô hỏi: “Liệu cô có nên đầu tư vào GME hay AMC không?” Đây là các mã cổ phiếu của công ty GameStop và công ty AMC sở hữu chuỗi nhà hát. Cổ phiếu của hai công ty này được gọi là cổ phiếu “meme” hay còn gọi là “stonks” có giá tăng không tưởng hồi đầu năm bởi đám nhà đầu tư cuồng nhiệt bất chấp trên Reddit. Một người bạn hỏi: “SPAC là cái quái gì vậy và vì sao nó sáp nhập với công ty tao?” SPAC (special-purpose acquisition company) là công ty bình phong đặc biệt được thành lập để mua lại một công ty chưa niêm yết khiến công ty được mua lại có thể lên sàn mà không phải qua quy trình giám sát chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông thường. Ông chú hỏi: “Liệu tao có thể SPAC GameStop với NFT?” Tốt nhất là lờ đi, đừng trả lời câu hỏi này.
Mỗi ngày bảng tin trên điện thoại của chúng ta lại xuất hiện vài tin về sự điên rồ của đồng tiền. Ngôi sao tuổi teen trên TikTok xin lỗi vì đã giới thiệu một đồng tiền số mang chủ đề bộ phim Star Wars nhưng sau té ra là lừa đảo. Anh bạn tóc dài DeepF-ckingValue hay còn gọi là Roaring Kitty ra đối chất trước quốc hội. Ca sĩ nhạc R&B Akon tuyên bố rằng mình sẽ xây một thành phố mới được vận hành bởi đồng tiền số riêng của mình ở Xê-nê-gan. Elon Musk, người có khả năng chỉ đăng vài từ trên Twitter, chẳng hạn như “sử dụng Signal” cũng khiến một cổ phiếu rác tăng lên 6.000%. Đương nhiên, những nhân vật nói trên không phải là những ngôi sao duy nhất. Còn có Beeple, nghệ sĩ thiên niên kỷ đã bán các NFT hay ảnh động GIF của mình với giá nhiều chục triệu đô-la.
Lịch sử thị trường cảm nhận về một tương lai kỳ dị – đồng đô-la máy tính dùng để mua nghệ thuật kỹ thuật số. Sự năng động cơ bản ở đây dễ nhận ra. Đó là có rất nhiều người tham lam muốn làm giàu nhanh chóng mà không cần làm việc nhiều. Cũng đúng thôi, nền kinh tế luôn kỳ quặc. Nó là tổng hòa của các hành vi của con người và con người thì vốn kỳ quặc.
Nhưng vấn đề nằm dưới bề mặt tưởng như quen thuộc nói trên phản ánh một sự thay đổi cơ bản, lớn hơn nhiều. Đó là sự thay đổi về cách chúng ta nghĩ về đồng tiền. Có lẽ câu hỏi mà chúng ta cần hỏi người bạn thông thái thay vì là “NFT là gì” thì nó phải là: “Vậy bây giờ tiền là cái gì?”
Đối với hầu hết chúng ta cho đến gần đây, đồng tiền là cách phân loại cuộc sống. Bạn sống ở đâu, ăn gì, có thời gian rảnh không? Đây là các chức năng phản ánh bạn có bao nhiêu tiền? Tiền là tài nguyên quý và hiếm. Để tích lũy được nhiều hơn, bạn được răn dạy rằng mình cần phải có trách nhiệm. Sự rung lắc của nền kinh tế là khó mà dự đoán. Để giới hạn thiệt hại cho nền kinh tế, tiền cần được quản lý bởi các chuyên gia không bị chi phối bởi chính trị và dựa trên các nguyên lý khoa học. Nó giống như việc người gác rừng đối xử với động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Nếu không, như những kẻ dọa dẫm nói, bạn sẽ bị lạm phát. Bạn sẽ đẩy cái xe cút kít đầy tiền từ cửa hàng này sang cửa hàng khác tìm mua cháo cho lũ trẻ chết đói ở nhà.
Nhưng gần đây, đồng tiền lại đóng một vai khác. Một số người kể cả có rất nhiều (150 tỷ đô-la chẳng hạn) hay số khác có ít hơn đang sử dụng tiền để làm những điều ngu ngốc liên quan đến các mã chứng khoán và ứng dụng di động để gia tăng thêm số tiền mình có. Trong khi câu chuyện của GameStop vẫn còn khiến bạn cảm thấy vừa phấn khích vừa buồn nôn (y như thời Trump tranh cử), nó dường như chẳng mảy may ảnh hưởng gì đến nền kinh tế chung.
Kể từ thời điểm ông Biden nhậm chức, 156 triệu người Mỹ đã nhận một khoản tiền lớn từ Bộ Tài chính. Cộng tất cả lại, các tấm séc (cùng thẻ ghi nợ và tiền mặt) với giá trị 372 tỷ đô-la đã được phát cho gần nửa số người trên toàn nước Mỹ mà không kèm bất kỳ điều kiện nào. Khoảng 22 triệu người Mỹ đã mất việc trong đại dịch. Hàng triệu người khác có đời sống bị ảnh hưởng. Với những người này, cảm giác nhận tiền giống như đang chứng kiến một điều kỳ diệu. Quá tốt và quá lạ lùng. Tiền cho không? Từ chính phủ? Họ có thể làm thế ư? Sao không làm thế từ trước đi? Người ta có thể mua đồ, trả tiền nhà, tiền vay. Đương nhiên, người ta cũng có thể đầu tư chút đỉnh trên thị trường chứng khoán.
Nếu bạn phải chọn giữa khoảnh khắc khi đồng tiền bị thoát khỏi tâm trí – tức là khi nó không còn là vấn đề nghiêm túc mà bắt đầu trở nên, ít nhất là có chút gì đó, vui vẻ – bạn có thể có hành động nào đó tệ hại hơn cuộc phỏng vấn của Ben Bernanke, cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang, dành cho chương trình 60 Minutes vào năm 2009. Khi được hỏi về số tiền mà Cục dự trữ bơm cho các ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính có phải là “tiền thuế của dân”, ông Bernanke lắc đầu với nụ cười gượng gạo. “Để cho ngân hàng vay tiền,” ông nói, “đơn giản chúng tôi chỉ cần sử dụng máy tính mà nới con số trong tài khoản của ngân hàng tại Cục thôi!”
Vậy khi mà đồng tiền không phải là một đơn vị giá trị trung lập, bán tự nhiên, theo cách nào đó phản ánh đời sống thực thì đồng tiền là gì? Trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính, các lý thuyết mới hay lý thuyết được làm sống lại về tiền tệ đã chuyển từ vị trí thảo luận bên lề trở thành chủ đề trọng tâm. Bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác sau nó hứa hẹn về một loại tiền tệ không lệ thuộc vào ngân hàng, chính phủ mà thuộc về các cơ chế tiền tệ tư nhân chồng lấn nhau. Tất cả được hậu thuẫn bởi hệ thống niềm tin mã hóa – một sự trở về thời tiền hiện đại, một quá khứ dựa vào kim loại hiếm trước đây nay thay bằng tương lai của binh đoàn máy chủ thải khí các-bon quy mô lớn.
Đâu đó trong phổ chính trị, một thứ tổng hợp kinh tế mới gọi là Lý Thuyết Tiền Tệ Hiện Đại (Modern Monetary Theory hay MMT) nghe ít nhiều có vẻ như kinh tế học của Keynes và được giải thích bởi nhân vật Morpheus trong bộ phim Ma Trận (The Matrix) rằng: “Giả sử tao nói với mày rằng… các khoản thuế không dùng cho thanh toán?” đã trở nên phổ biến và có ảnh hưởng. Nó hứa hẹn một tương lai tiêu pha thoải mái và toàn dụng lao động, ai cũng có công ăn việc làm. Cả cánh cấp tiến lẫn bảo thủ trở nên si mê với ý tưởng về thu nhập cơ bản phổ quát hay còn gọi là phát tiền tươi trái ngược với hệ thống Byzantine phức tạp cùng các hệ thống phúc lợi độc ác khác. Thậm chí cả các nhà Mác-xít cũng quay lại đọc bộ Tư Bản để hiểu về tiền tệ và giá trị.
Nếu cuộc khủng hoảng mở lối suy nghĩ mới về tiền tệ thì các tờ séc trao tiền tươi đóng lối với những người già. Đã qua rồi cái thời mà tiền tệ được hiểu là tài nguyên hiếm, bán tự nhiên và phải được quản lý bởi các chuyên gia phi chính trị và không tư lợi. Câu hỏi sẽ đến là: Vậy cái gì đang thay thế nó? Liệu quan điểm của những người cổ súy cho lý thuyết tiền tệ hiện đại (chartalist) rằng tiền tệ là một công cụ của quyền lực nhà nước sẽ thắng thế? Hay liệu tầm nhìn về tiền tệ của các bạn thế hệ thiên niên kỷ mã hóa vô chính phủ được hậu thuẫn bởi kim loại số sẽ thắng? Liệu các nhà Mác-xít cuối cùng sẽ tìm ra cách nào đó để xóa bỏ hình thái giá trị của đồng tiền?
Khi mà chúng ta không có câu trả lời đáng kể nào cho câu hỏi vậy rốt cục tiền là gì thì những điều kỳ quặc sẽ ngự trị. Kể cả khi tiền được bơm vào trong sinh khí chính trị mới, đời sống thực tế của nó trở nên kì cục hơn. NFT, cổ phiếu meme và nền văn minh mã hóa không chỉ là những sản phẩm của công nghệ mới vận hành điên loạn hay là khả năng năng động tài chính thông thường dưới tấm áo mới. Nó là triệu chứng không lành mạnh của giai đoạn giao thời không vua – lúc mà vai trò và căn tính của tiền tệ và của chính trị trong cuộc đời của chúng ta đang thay đổi.
Đó là thời điểm mà tấm séc đại dịch đến với thế giới năm ngoái – thế giới được xây bởi các nhà đầu cơ, những nhà tư bản mạo hiểm với độ giàu có đến mức lố bịch, được cấu trúc bởi các thước đo mờ ảo, tùy tiện và chú trọng vào việc tập trung và phần thưởng. Không có gì ngạc nhiên, người ta thấy nó quý giá hơn bao giờ và có phẩn ảo ảo. Một mặt, các khoản trợ cấp đại dịch đang dần hết và tiền thuê nhà của bạn sắp đến hạn. Mặt khác, chính phủ Mỹ đã giúp 13 triệu người khỏi tình trạng nghèo túng chỉ bằng vài triệu lượt ký máy.
Trong thời đại được xác định là tăng trưởng chậm và năng suất đi ngang (nếu không nói thẳng là đình đốn), đánh dấu bởi tình trạng bất bình đẳng và có việc làm tượng trưng ngày càng gia tăng, “đồng tiền” ngay lập tức được cảm thấy cực nghiêm túc và cũng cực ngu ngốc. Nhìn từ quan điểm này, nền kinh tế đại dịch không chỉ dị thường mà còn là bản nhấn mạnh của một tương lai khả dĩ: Một thế giới đầy tiền nhưng các khoản đầu tư dài hạn an toàn là hiếm hoi! Là nơi mà tâm lý “làm giàu nhanh chóng” không phải là một bệnh lý mà lại là khoản đánh cược khá nhất cho một cuộc sống ổn định. Nếu bạn muốn mua cổ phiếu với suy nghĩ rằng đó là khoản cược về tương lai của một doanh nghiệp thì sao bạn có thể mua cổ phiếu của doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ cũ kỹ bán các video trò chơi trừ khi bạn không còn niềm tin gì về tương lai? Cái gì là khác biệt giữa thị trường chứng khoán với nhà cái cá độ bóng đá? Ý nghĩa đầu tư an toàn nào ở đây khi mà Elon Musk có thể thổi lên hay hủy diệt giá trị hàng triệu đô-la chỉ bởi một vài dòng tweet?
Có thể Bernanke đã có khả năng tiên tri hơn là những gì ông ta biết: Cho mọi triết lý bí truyền về lý thuyết tiền tệ mới và tiền mã hóa, cho mọi khoản tiền lớn đổ vào các tài sản tài chính và các hóa đơn chi tiêu [của chính phủ], với rất nhiều người trong chúng ta, tiền giờ chỉ được trải nghiệm qua điện thoại dưới tư cách là một con số trên màn hình. Bạn trả tiền nhà bằng một ứng dụng. Bạn mua các quyền chọn bởi một ứng dụng khác. Con số lớn, tiền của bạn ít đi. Tiền của bạn tồn tại trong cái vật nhỏ bé bạn cầm trên tay!
Nguồn: NYMAG

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản