Site icon KVBro

KHI NÀO THÌ MỞ CỬA NỀN KINH TẾ?

Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

Bài viết của bà Anne Osborn Krueger, cựu kinh tế gia trưởng của WB, cựu Phó GĐ điều hành IMF, hiện là giáo sư tại ĐH nghiên cứu quốc tế cấp cao thuộc ĐHTH Johns Hopkins (Paul H. Nitze School of Advanced International Studies).

*********

Tương lai của kinh tế thế giới trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Tại thời điểm bắt đầu của đại dịch thì còn có nhiều bất đồng về liệu biện pháp đóng cửa (lockdown) cùng các biện pháp khác nên được áp dụng hay là những giải pháp này sẽ mang đến chi phí quá lớn cho nền kinh tế? Nhưng bây giờ, mọi thứ ngày càng trở nên rõ ràng hơn rằng các hoạt động kinh tế chỉ có thể được tái lập hoàn toàn sau khi việc đóng cửa đã có một khoảng thời gian áp dụng để phát huy hiệu quả. Nếu không, dịch bệnh vẫn tiếp tục phát tán, mục tiêu phục hồi nền kinh tế một cách nhanh chóng và bền vững gần như là bất khả cho đến khi ta có vắc-xin hữu dụng và đủ dùng.

Khi con vi-rút Corona bắt đầu phát tán ra ngoài biên giới Trung Quốc, khi mà các quốc gia bắt đầu áp dụng các biện pháp đóng cửa từ đó kích hoạt việc suy giảm tức thì với quy mô lớn các hoạt động kinh tế và công ăn việc làm, các nhà bệnh dịch học đã cố gắng nói với công chúng (và trong nhiều trường hợp là cả chính phủ) về những gì sẽ xảy ra kế tiếp. Họ khuyến cáo rằng con vi-rút sẽ không bị kiềm chế hiệu quả cho đến khi chỉ số lây nhiễm (R number) – là chỉ số trung bình số người bị lây nhiễm bởi một bệnh nhân – là thấp hơn 1. Với con số 1, tức là một người bệnh lây có thể lây cho một người. Như vậy, số ca lây nhiễm sẽ ổn định. Các nhà khoa học giải thích thêm rằng chỉ số R thấp hơn 1 sẽ nhanh đạt được hơn nếu các biên pháp giãn cách được áp dụng chặt chẽ hơn và số lượng xét nghiệm cũng như truy vết để cách ly người bệnh được thực hiện trên quy mô lớn.

Tại các địa phương đã áp dụng lệnh cách ly tại nhà (shelter-in-place) cũng như các biện pháp chặt chẽ khác, đợt dịch trở nên ổn định và chỉ số R đã sút giảm chỉ trong vòng 2 – 3 tuần. Tại một số nơi mà khởi đầu số ca Covid-19 tăng theo cấp số nhân, việc áp dụng biện pháp tự cách ly gần như là tự nhiên. Cộng với tỷ lệ số người tại những điểm nóng này tuân thủ các quy định về đóng cửa, xét nghiệm và truy vết (cũng là vì nỗi sợ), đường cong dịch bệnh đã đi xuống một cách nhanh chóng.

Ngược lại tại những nơi mà các biện pháp đóng cửa lúc đầu là hời hợt hoặc không áp dụng, có rất ít người áp dụng các biện pháp để tránh tiếp xúc hay hạn chế vi-rút lây lan hay tại những nơi mà mọi người trở nên nhờn với những khuyến cáo, số lượng ca lây nhiễm cứ thế mà tăng lên. Nói cho công bằng, các yếu tố mang tính đặc thù địa phương cũng ảnh hưởng đến việc lây lan vi-rút. Nhưng có một điều rõ ràng có thể rút ra từ mọi nơi trên thế giới là phạm vi áp dụng các hạn chế và mức độ tuân thủ của dân chúng là những yếu tố quan trọng nhất để phòng chống và từ đó là phục hồi từ đại dịch.

Nhưng mà rất tiếc là tại Hoa Kỳ, việc phản kháng đối với các biện pháp hạn chế đã gia tăng chính vào lúc cần sự tuân thủ của dân chúng. Một số chính trị gia và nhà bình luận cho rằng chi phí để cứu một mạng sống là quá cao nếu so với chi phí hay tổn thất đối với những người mất việc làm hay bảo hiểm y tế. Áp lực của dân chúng cuối cùng đã chiến thắng. Bất chấp khuyến cáo của các nhà bệnh dịch học, các biện pháp đóng cửa ban đầu đã được nới lỏng quá sớm tại rất nhiều tiểu bang.

Đáng tiếc hơn, ngay sau khi mở cửa lại, rất nhiều người lập tức trở lại thói quen cũ của mình mà phớt lờ mọi khuyến nghị về giữ khoảng cách trong giao tiếp (social distancing), tránh chỗ đông người (đặc biệt là phòng đông người), đeo khẩu trang, rửa tay cũng như các biện pháp bảo vệ khác. Công xưởng, cửa hàng và các dịch vụ đã mở cửa trở lại dù ở mức độ thấp hơn. Sớm ngay sau đó, năng lực sản xuất và tiêu dùng đã gia tăng nhanh chóng, tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu bị chặn lại (dù vẫn ở mức cao). Nhưng tiếc là trong hầu hết các trường hợp, việc mở cửa trở lại bắt đầu với chỉ số R đang ở mức tiệm cận hay cao hơn 1. Điều này có nghĩa là, khi người ta nới lỏng các biện pháp hạn chế, số lây nhiễm sẽ gia tăng trở lại.

Kết cục cuối cùng là tất cả cùng thua (lose-lose scenario). Tình trạng hiện tại là việc tăng trưởng kinh tế bền vững hay ngăn chặn dịch bệnh đều không đạt được. Nếu số nhân viên y tế, trang thiết bị và năng lực xét nghiệm đã được bố trí đủ, cơ quan y tế đã có thể thực hiện việc truy vết và cách ly ở mức đủ kiểm soát việc vi-rút lây lan. Đây là điều đã xảy ra tại các quốc gia như Đức, New Zealand và Hàn Quốc cũng như tại các thành phố như New York – thành phố bị tàn phá mạnh nhất bởi con vi-rút nay đã trở thành nơi có chỉ số R chỉ là 0,4 đến 0,5.

Để việc xét nghiệm có tác dụng, kết quả phải có sớm. Như vậy có thể khuyến cáo người bệnh tránh tiếp xúc với người khác. Vấn đề của Hoa Kỳ là ở chỗ phương tiện và thiết bị xét nghiệm thiếu thốn, đặc biệt tại những điểm nóng. Khi mà chỉ số R đang gia tăng với tốc độ đáng báo động, một số bệnh viện đã trở nên quá tải. Khi mà số công nhân bị ốm gia tăng, một số công xưởng đã phải tái đóng cửa, Cơ quan chính quyền tại các tiểu bang miền Nam và Tây Nam bị ảnh hưởng nặng nề nay đã thu hồi lại lệnh nới lỏng của mình mà áp đặt các hạn chế.

Nhưng thậm chí kể cả tại các nơi mà dân chúng tuân thủ các khuyến cáo và chỉ số R không gia tăng đáng kể, tỷ lệ tăng trưởng trong tiêu dùng lại bắt đầu đi xuống. Đơn giản là người tiêu dùng không thể tự tin rằng việc tái mở cửa là bền vững. Doanh nghiệp thì thấy quá nhiều điều không chắc chắn cho những khoản đầu tư dài hạn. Bi kịch là ở chỗ nếu việc đóng cửa đã được thực thi hiệu quả tại mọi nơi, sự phục hồi nhanh chóng hình chữ V là điều có thể. Nhưng chuyện trên đã không xảy ra. Bây giờ, sự phục hồi gần đây lại bắt đầu thấy có vấn đề.

Hy vọng lớn nhất cho nền kinh tế toàn cầu là ở chỗ mọi người sẽ nhận ra rằng các nhà bệnh dịch học là đúng đắn. Việc nới lỏng hấp tấp đã mang lại những chi phí bổ sung không cần thiết về mặt y tế cũng như kinh tế. Sự tuân thủ của công chúng đối với các hạn chế ở chừng mực đủ để khiến chỉ số R trở nên thấp hơn 1 sẽ là biện pháp kích thích kinh tế tốt nhất có thể tưởng tượng.

Chỉ số R thấp hơn 1 có nghĩa là khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ, người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể có niềm tin rằng xu hướng phục hồi của nền kinh tế (và y tế) sẽ tiếp tục. Sự trở lại của các hoạt động kinh tế và xã hội bình thường sẽ diễn ra nhanh thôi.

Mục tiêu kép vừa khống chế được con vi-rút vừa phục hưng nền kinh tế không phải là mâu thuẫn mà chỉ là một mục tiêu. Chính con vi-rút sẽ nói cho chúng ta về tốc độ mà chúng ta có thể phục hồi nền kinh tế một cách an toàn. Còn sự tuân thủ các biện pháp phòng ngừa bởi công chúng sẽ quyết định tốc độ mà con vi-rút bị khống chế.

Lược dịch: Luật sư Nguyễn Quốc Vinh

Nguồn: The Open Secret to the Reopening the Economy

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản

Exit mobile version