DOANH NGHIỆP 1.000 NĂM

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (3 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Ảnh của NYT cửa Đông đền Imamya, nơi cửa hàng Ichiwa tọa lạc cách đó vài mét.
*********
Gia đình bà Naomi Hasegawa bán bánh gạo nướng trong cửa hàng dựng bằng gỗ tuyết tùng bên cạnh một ngôi đền cổ nhiều cổng vào ở Kyoto. Từ những năm 1.0000, gia đình bà đã bán món ăn nhẹ này cho những du khách mỏi mệt từ các miền đất nước tới đền để cầu xin tai qua nạn khỏi.
Sau hơn 1.000 năm, bệnh dịch mới đang tàn phá cố đô. Lượng khách ổn định trước đây biến mất. Nhưng điều này cũng không làm bà Hasegawa quá lo lắng vì mối lo tiền bạc.
Giống như nhiều doanh nghiệp khác tại Nhật, cửa hàng có tên Ichiwa của gia đình bà Hasegawa nhìn về lâu về dài – khéo còn là dài nhất. Bằng việc đặt mục tiêu giữ gìn truyền thống và tính ổn định lên trên lợi nhuận và tăng trưởng, Ichiwa đã vượt qua mọi cuộc chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hay triều đại. Qua thời gian, cái bánh gạo nướng mochi của gia đình vẫn luôn thuộc về gia đình.
Các doanh nghiệp Nhật kể trên có lẽ ít năng động hơn nhiều nếu so với các quốc gia khác. Nhưng khả năng trường tồn của họ có lẽ sẽ mang đến bài học cho các doanh nghiệp ví dụ như tại Hoa Kỳ – nơi dịch Covid-19 đã buộc hàng ngàn doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.
Giáo sư kinh tế danh dự Kenji Matsuoka của trường ĐHTH Ryukoku tại Tokyo nói rằng: “Nếu bạn đọc các giáo trình kinh tế học, [nó sẽ nói rằng] doanh nghiệp phải tối đa hóa lợi nhuận, tăng quy mô, thị phần, tốc độ phát triển. Nhưng với các doanh nghiệp Nhật bạn kể trên, nguyên tắc hoạt động của họ rất khác. Ưu tiên số một của họ là tiếp tục duy trì công việc. Mỗi thế hệ như một vận động viên chạy tiếp sức. Điều quan trọng là phải trao được cái gậy cho người chạy sau!”
Nhật Bản là siêu quốc gia của các doanh nghiệp lâu năm. Quốc gia này có hơn 33.000 doanh nghiệp có tuổi đời ít nhất 100 năm. Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu quản lý thiên niên kỷ (Research Institute of Centennial Management) tại Tokyo, số doanh nghiệp trên chiếm hơn 40% tổng số doanh nghiệp [có trên 100 năm tuổi] toàn cầu. Ít nhất 19 doanh nghiệp trong số này cho rằng mình đã hoạt động liên tục từ thiên niên kỷ thứ nhất. Với một số doanh nghiệp lâu đời nhất, trong đó có Ichiwa, họ không thể xác định chính xác về lịch sử bắt đầu của mình nhưng tuổi đời của họ được chính phủ, học giả và trong trường hợp của Ichiwa là cửa hàng cạnh tranh cùng con phố thừa nhận.
Các doanh nghiệp này, còn được gọi là “lão phổ” (shi-nise), là cả niềm tự hào và mê hoặc. Chính quyền địa phương ra sức quảng bá sản phẩm của họ. Giáo trình quản trị kinh doanh giải thích bí mật của sự thành công còn sách hướng dẫn du lịch thì không ngừng ca ngợi họ.
Hầu hết các doanh nghiệp này, như Ichiwa, là các doanh nghiệp nhỏ và mang tính gia đình, bán các sản phẩm hay dịch vụ truyền thống. Một số ít trong họ là những công ty lớn như Nintendo, công ty bắt đầu từ việc sản xuất quân bài 131 năm trước đây hay công ty sản xuất nước tương dưới tên gọi Kikkoman bắt đầu khởi nghiệp vào khoảng năm 1917.
Bà Hasegawa nói, để có thể tồn tại qua nghìn năm, một doanh nghiệp không thể chỉ chạy theo lợi nhuận. Nó phải có một mục tiêu lớn hơn. Đối với Ichiwa, đó là sứ mệnh thiêng liêng: sứ mệnh phục vụ khách hành hương thăm viếng ngôi đền.
Những giá trị cốt lõi đó, còn gọi là “gia huấn” (kakun) là kim chỉ nam cho các quyết định kinh doanh của nhiều doanh nghiệp qua các thế hệ. Họ phải quan tâm đến người làm, hỗ trợ cộng đồng và nỗ lực làm ra sản phẩm mang đến niềm tự hào.
Đối với Ichiwa, nó có nghĩa là làm một việc và làm tốt việc đó – một phương châm kinh doanh rất Nhật Bản.
Ichiwa đã từ chối rất nhiều cơ hội có thể mở rộng kinh doanh, bao gồm cả cơ hội gần nhất là đề nghị bán qua mạng từ Uber Eats. Bánh gạo mochi là sản phẩm duy nhất của cửa hàng. Nếu bạn muốn uống một chút gì đó, bạn sẽ được nhã nhặn đề nghị là nước trà xanh với lá trà được sấy trước khi pha.
Trong suốt chiều dài lịch sử, những người phụ nữ trong gia đình Hasegawa làm món bánh ngọt của mình cơ bản theo cùng một công thức. Họ nấu gạo với nước từ một con suối nhỏ chảy rầm rì vào bể chứa gia đình, giã thành bột rồi nặn thành viên, xiên vào que gỗ và nướng sơ trên lò than. Chiếc bánh sau nướng mang màu caramen và được phết trên nó lớp mật miso ngọt, rồi bán cho khách hàng khi chúng còn rất nóng trước khi que bột xiên nướng thanh nhã này bị nguội mà trở nên cứng và dai.
Bước vào thời hiện đại, Ichiwa đã phải nhượng bộ đôi chút. Cơ quan y tế địa phương cấm việc sử dụng nước suối. Một cái máy nghiền được để ẩn sau bếp giúp tiết kiệm ít giờ mỗi buổi sáng. Cuối cùng, sau nhiều thế kỷ bán bánh dựa trên số tiền du khách trả tùy hỷ, cửa hàng nay đã bán với giá cố định. Thay đổi này bắt nguồn vào khoảng sau Thế chiến 2, khi mà các doanh nghiệp Nhật lưu tâm hơn đến vấn đề về tài chính.
Các doanh nghiệp Nhật trường tồn nhất thường được biết đến là những doanh nghiệp ghét phiêu lưu – bài học rút ra sau những cuộc khủng hoảng – và có một khoản tiền mặt tích trữ lớn.
Đó là một đặc điểm cơ bản của các doanh nghiệp Nhật và là một phần của lý do vì sao mà nước này lại không có tỷ lệ phá sản cao như Hoa Kỳ trong cơn đại dịch. Tomohiro Ota, nhà nghiên cứu tại Goldman Sachs nói rằng kể cả khi các doanh nghiệp Nhật này “có lợi nhuận, họ vẫn không tăng chi phí vốn.” Ông Ota nói thêm là các doanh nghiệp lớn của Nhật sẽ tích trữ một khoản tiền đủ để bảo đảm rằng họ vẫn có thể trả đủ lương và các nghĩa vụ tài chính khác trong trường hợp kinh tế có bị suy thoái hay khủng hoảng. Doanh nghiệp nhỏ hơn thì cố gắng để nợ của mình ở mức thấp và đủ tiền mặt để trang trải cho 1 – 2 tháng chi phí. Khi cần hỗ trợ, họ luôn có chi phí vay rẻ sẵn sàng. Lãi suất cho vay tại Nhật ở mức thấp trong nhiều thập kỷ. Trong đại dịch này, gói kích thích của chính phủ có cả lãi vay bằng không dành cho hầu hết các doanh nghiệp nhỏ.
Các lão phổ thường sở hữu cửa hàng của mình và sử dụng thành viên gia đình khiến chi phí lương của họ ở mức thấp, cho phép tiết kiệm tiền. Khi giáo sư Toshio Goto thuộc Khoa cao học kinh tế ĐHTH Nhật Bản, đồng thời là một giám đốc của Viện nghiên cứu quản lý thiên niên kỷ, thực hiện việc khảo sát các doanh nghiệp có tuổi đời ít nhất 100 năm tại Nhật Bản mùa hè này, thì kết quả cho thấy thấy rằng hơn ¼ các doanh nghiệp cho biết họ có đủ tiền mặt để vận hành ít nhất 2 năm.
Chưa hết, câu nói trên không có nghĩa là doanh nghiệp Nhật sẽ đóng băng lúc này lúc kia. Rất nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu từ thế kỷ 17, lúc Nhật Bản về cơ bản là bế quan tỏa cảng với thế giới bên ngoài và tạo một môi trường kinh doanh ổn định cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thế kỷ qua, sự tồn tại của họ ngày càng có nghĩa rằng doanh nghiệp phải tìm cách để cân bằng giữa việc gìn giữ truyền thống và thích nghi theo sự thay đổi nhanh chóng của của thị trường.
Đối với một số doanh nghiệp, nó có nghĩa là họ phải thay đổi sản phẩm kinh doanh cốt lõi của mình. NBK, công ty vật liệu đã bắt đầu việc kinh doanh của mình bằng việc sản xuất ấm đun nước bằng gang vào năm 1560 hiện lại đang sản xuất phụ tùng thiết bị công nghệ cao. Hosoo, doanh nghiệp sản xuất kimono có 322 năm tuổi thì mở rộng lĩnh vực may mặc của mình sang nội thất và thậm chí cả đồ điện tử.
Đối với một số doanh nghiệp khác, thích nghi với thời thế thực sự là khó khăn. Ví dụ như đối với Tanaka Iga Butsugu. Tanaka Iga sản xuất các đồ thờ Phật bằng gỗ từ năm 885 tại Kyoto. Nói theo cách của chủ tịch đời thứ 70 của doanh nghiệp là Masaichi Tanaka đùa rằng doanh nghiệp này nổi tiếng bán bàn thờ loại “Mercedes-Benz” – có nghĩa là bàn thờ gia đình nhưng với giá vài trăm ngàn đô-la
Ông Tanaka nói rằng đại dịch thực sự là khắc nghiệt nhưng thách thức lớn nhất với doanh nghiệp của ông và nhiều doanh nghiệp Nhật khác là tình trạng xã hội già hóa và thị hiếu. Một số doanh nghiệp đã phải đóng cửa vì không có người kế thừa. Đối với ông Tanaka, việc kiếm thợ lành nghề thay thế ngày càng trở nên khó khăn. Công việc kinh doanh của ông hiện bị ảnh hưởng nhiều bởi ngày càng ít người đến viếng thăm đền. Thêm vào đó, các căn nhà mới hiện nay hầu như không có chỗ để ban thờ truyền thống, tức là phải có một góc nhà kiểu Nhật riêng với chiếu tatami và cửa kéo dán giấy.
Ông Tanaka chia sẻ rằng cái gì thuộc về truyền thống gắn với tôn giáo, sẽ có rất ít cơ hội cho sáng chế công nghệ. Rất nhiều thiết kế trong dải sản phẩm của công ty có tuổi đời ngang bằng công ty. Ông đã cân nhắc mua máy in 3D để thử sản xuất nhưng rồi phân vân liệu ai sẽ mua sản phẩm được làm từ cái máy này.
May mắn thay, Ichiwa không có mối lo trên. Gia đình đông nhân khẩu, doanh nghiệp thì nhỏ và kỹ năng đặc biệt duy nhất để nướng bánh gạo mochi là kiên nhẫn với nhiệt độ cao. Nhưng bà Hasegawa, năm nay 60, thừa nhận rằng mình cũng có lúc chịu áp lực từ truyền thống lịch sử của cửa hàng. Mặc dù công việc kinh doanh không mang lời lãi gì nhiều, ngay từ khi còn trẻ, mọi thành viên trong gia đình đã được nghe gia huấn là “kể cả khi gia đình chỉ còn một người, chúng ta vẫn cứ phải tiếp tục công việc!” Bà nói thêm rằng một lý do mà chúng tôi cứ tiếp tục công việc là bởi vì “chúng tôi sợ bị xem như kẻ đã làm sụp đổ truyền thống gia đình!”
Lược dịch: Luật sư Nguyễn Quốc Vinh
Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (3 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

 

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản