LÀM SAO ĐỂ TRẺ MÊ ĐỌC SÁCH?

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (8 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Lợi ích của việc đọc sách thì không cần phải nhắc lại nữa, nhưng làm sao để khuyến khích trẻ đọc sách được, nhất là khi bé học nhiều ngôn ngữ một lúc, thời gian học và các hoạt động vui chơi, ngoại khóa cũng chiếm nhiều thời gian.

Đối với nhiều bố mẹ, việc này quá đơn giản mà, tuy nhiên, mỗi đứa trẻ một khác và có nhiều bé sẽ chậm hơn trong việc đam mê sách vở. Bài viết này KVBro xin chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ, khuyến khích bé đọc sách đối với bé không ham mê viết và đọc cho lắm nhưng đã thay đổi ham mê đọc sách, tìm thấy niềm vui trong sách vở (mà vẫn giữ được những sở thích khác).

Ở giai đoạn 6-7 tuổi bé nhà mình đọc cả tiếng Anh, tiếng Nhật theo đúng trình độ của bản xứ (các bạn hiểu theo trình độ trung bình, cơ bản) ở góc độ học hành, tuy nhiên, các loại sách bé tự nguyện mượn ở thư viện về (mình để bé tự chọn) hầu hết là sách tranh, sách chơi mê cung…, thi thoảng mượn truyện tranh, sách nhiều chữ chút về đọc xíu, có khi mượn về không đọc đến ngày đem trả. Thực sự mình cảm thấy không hài lòng chút nào với việc đọc sách của bé dù ở ngôn ngữ Anh hay Nhật; tiếng Việt thì bé chỉ đọc bập bõm nên càng không thích đọc truyện. Nhưng đến tuổi lên 8, có sự thay đổi rõ rệt, bé bắt đầu thích đọc truyện chương hồi đúng theo lứa tuổi dành cho các bạn bản xứ như tiếng Anh đọc The magic tree house, the weird school, Harry Potter…, tương tự với tiếng Nhật; được thầy ở trường khen ngợi về sự tiến bộ trong đọc sách, tự hào kể với ba mẹ là mình đọc nhiều sách nhất lớp và thầy khen “I am proud of you”; tiếng Việt thì vẫn phải đọc cùng mẹ (kiểu bắt học). Thế nhưng với quỹ thời gian cũng hạn chế mà bé có được sự thay đổi và tìm được niềm yêu thích với sách như vậy đối với mình là một tiến bộ đáng mừng rồi. Vậy mình xin chia sẻ quá trình “chuyển biến” tích cực nhé!

>>> Chia sẻ kinh nghiệm đọc sách cùng con từ 0-3 tuổi

TẬP ĐỌC THEO APPS HOẶC TRANG ĐỌC SÁCH ONLINE

Đọc theo apps cũng tốt, nhưng đọc sách mới là thứ mình hướng đến. thứ nhất là đọc tự động nên nhiều chỗ luyến láy đọc không chính xác, và hơi vô cảm. Đối các bé lười cầm cuốn sách dày thì đọc theo apps Raz-Kids và Epics thường nhàn, các bé có cảm giác chơi hơn. Khi bé nhà mình 6 tuổi, mình vẫn cho bé đọc theo apps để nâng cao vốn từ vựng và học kỹ năng làm bài đọc hiểu (raz-kids). Lên 7 tuổi thì hầu như ít đọc, và lên 8 tuổi thì ngưng hẳn.

Thứ 2, Riêng bản thân mình thì thấy việc sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử khiến bé thiếu tập trung, lười cầm sách đọc. Với cách sách trên các apps nói trên cũng không nhiều sách hay.  Đối với một số sách hay được post online trên một số website thì mình cũng không thích bé sử dụng phương tiện điện tử đọc khi còn quá nhỏ, mình chỉ cho bé đọc nếu truyện đó mình chưa có điều kiện mua sách giấy và không tìm thấy trong thư viện. Trong khi sách giấy có nhiều truyện thú vị hơn, và khi bé đọc sách giấy mình thấy tập trung hơn, tăng trí tưởng tượng và chìm đắm vào câu chuyện hơn. Mình rất yêu thích cảm giác ngày xưa khi đọc truyện chìm đắm trong câu chuyện và mong ước mình biến thành nhân vật nào đó trong truyện; nên thực sự mình mong rằng bé nhà mình sẽ có được cảm giác này khi còn nhỏ, “daydreaming” là đặc quyền của tuổi thơ mà.

Thực sự áp dụng các apps đọc online hay trang sách online đặc biệt là raz-kids mình thấy có điểm tốt là như cho bé học, sau mỗi bài đọc ngắn sẽ có câu hỏi hướng đến giúp bé nắm được nội dung, ý nghĩa của bài đọc đó; bố mẹ nhàn hơn trong việc theo dõi việc học của con. Tuy nhiên, việc này có thể thay thế bằng cách cho bé làm bài tập đọc hiểu bằng giấy theo trình độ.

Theo mình biết nhiều bố mẹ vẫn cho con đọc đến hết cấp 1, cả 1 số bé cấp 2 thì bé thích và tiện. Mình nghĩ cái này có thể tùy quan điểm của bố mẹ, và sở thích của con, miễn sao là bố mẹ thấy hiệu quả.

ĐỌC SÁCH LÀ HOẠT ĐỘNG THU HÚT

Trong giai đoạn bé còn nhỏ từ 3-6 tuổi thì thường bố mẹ đọc sách cùng con, theo cấp độ từ (i) ba mẹ đọc cho con nghe, (ii) ba mẹ cùng đọc với con, mỗi người một đoạn, (iii) con tự đọc ba mẹ ngồi đọc sách của ba mẹ, có trao đổi hỏi han tại sao con lại thích sách đấy, sách đấy có hay không… Về sau lên 7 tuổi trở đi thì nhà mình bé tự đọc hẳn, chỉ có tiếng Việt là vẫn kém nên vẫn cần đồng hành. Một số cách mà mình áp dụng như sau:

(1) Đi thư viện, hiệu sách hàng tuần: Dù có đợt bé rất lười, mượn về cũng không chịu đọc; mình vẫn kiên nhẫn dẫn đi thư viện và cà phê sách hàng tuần. Thật may gần nhà mình có một tiệm cà phê sách cực đẹp là phối hợp của cafe Starbucks và hiệu sách Tsutaya nên nếu có thời gian đến đây, ba mẹ uống cà phê trò chuyện còn con đọc sách.

TOP 5 TIỆM CÀ PHÊ CHO NHỮNG NGƯỜI YÊU SÁCH Ở TOKYO

(2) Mua sách để khắp nhà: Vì nhà bên Nhật nhỏ nên giai đoạn đầu mình cũng rất ngại mua sách, nhất là những cuốn mình thấy thư viện có rồi. Nhưng sau một thời gian mình quyết định nếu là sách hay có thể bé thích mình sẽ mua để sẵn ở nhà. Mình thấy đây là quyết định đúng đắn nhất bởi nhiều khi có thời gian rảnh những ngày trong tuần thì lại không có sách mà bé yêu thích sẵn, đi thư viện có khi sách đó bị bạn khác mượn mất cũng làm mất hứng thú của trẻ. Có sẵn sách ở nhà nên bé chăm chỉ đọc hơn hẳn và một khi đã lạc vào thế giới muôn màu của sách, bé sẽ say mê thôi.

(3) Sắp xếp thời gian hợp lý để dành đọc sách: Khi mình thấy bé thích một bộ truyện nào đó, mình sẽ khuyến khích bé đọc hàng ngày. Gợi ý làm bài tập về nhà nhanh để được đọc sách như một phần thưởng. Và sau một thời gian việc thu xếp thời gian hàng ngày để tự đọc sách trở thành một thói quen.

(4) Lựa chọn sách phù hợp: Điều này cực kỳ quan trọng. Thường bố mẹ sẽ có khuynh hướng gợi ý những sách mà mình cho là hay; nhưng có thể vào thời điểm đó chưa phù hợp nên bé không thích hoặc đó không phải là gu của bé. Đặc biệt với các bé chưa mê đọc sách thì tạo dựng thói quen rất quan trọng. Sau một thời gian loay hoay và quan sát con, mình cũng dần hiểu sở thích và bắt nhịp được với trình của con, từ đó mình chọn được những bộ sách hay (theo quan điểm của mình) mà vẫn hợp gu của con. Việc tham khảo những cuốn sách gợi ý cho độ tuổi và giới tính của các bạn bản xứ cũng như nắm bắt tâm lý, gu của bé sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc chọn sách cho con.

(5) Cùng đọc book review: Sau khi tra cứu thì bạn hãy giới thiệu sách cho con, cả nhà cùng xem những hình ảnh và book review của cuốn sách đó. Điều này cho con cảm giác mình tự lựa chọn, tạo sự hứng khởi cho con trước khi xem sách.

(6) Tạo không khí hứng khởi: Bạn có thể tạo ra sự hứng khởi khi đọc sách, chẳng hạn sẽ có cuộc đua đọc sách trong gia đình. Bạn sẽ chọn 1 cuốn sách của riêng mình, bé cũng chọn 1 cuốn của bé; và thi đua xem trong 1 tuần ai sẽ đọc xong sớm. Hoặc nếu có bộ truyện nào của bé hấp dẫn, cả gia đình cùng nhau thi đua đọc xem ai sẽ hoàn thành bộ đó trước, và cùng trò chuyện về nội dung của cuốn sách đó. Thỉnh thoảng vào cuối tuần sẽ cho bé đi ăn quán bé thích và lý do là dạo này bé tự giác trong việc học và chăm đọc sách; những lời khen ngợi và động viên đúng lúc của bố mẹ sẽ làm con cảm thấy ba mẹ luôn đồng hành với mình.

(7) Có nên yêu cầu bé tổng hợp sách, viết book review? Bản thân mình thấy nếu được như vậy thì rất tốt, nhưng với các bé nhỏ đôi khi là gánh nặng, bé vì không thích viết có thể lười đọc vì biết đọc xong bị bắt viết hoặc bị hỏi những câu tư duy tổng hợp mà tư duy của bé chưa đáp ứng được. Thế nên hầu như giai đoạn đầu chỉ nên đọc thôi, mình có đọc lướt sơ qua sách và hỏi vào những tình tiết vui mà mình nghĩ bé thích, hoặc hỏi những câu như đoạn nào vui nhất… để bé chia sẻ cảm xúc của mình.

(8) Tạo điều kiện mang theo sách mọi nơi: Chẳng hạn thời gian đi tàu, xe sẽ vô cùng rảnh rỗi, thế nên kể cả khi đi chơi vẫn khuyến khích bé mang sách theo đọc trong thời gian đi tàu, chờ đợi; kể cả trong những chuyến du lịch dài ngày cũng mang sách theo nhé, bé có thể đọc trên xe hơi, hoặc là vào buổi tối sau một ngày vui chơi… Như vậy, bạn sẽ tận dụng được thời gian chết của bé, trong khi nếu ở nhà bé sẽ bị chi phối bởi việc học hoặc những trò chơi khác. Chẳng hạn khi đi du lịch Canada, trong khi di chuyển từ tiểu bang này sang tiểu bang khác bằng xe, thời gian ngồi trên xe rất chán thế là bạn ấy xử lý được nguyên cả một bộ truyện dài. Mẹ cũng nhàn mà bạn ấy cũng đỡ bí bách khi phải ngồi nhiều tiếng trên xe.

(9) Giao lưu và trao đổi sách với các bạn: Chắc chắn bé sẽ có một số bạn bè thân thiết, vậy tại sao không giới thiệu sách hay mà bé đọc cho các bạn và ngược lại? Các bé sẽ tự hào vì mình đọc được nhiều và chia sẻ niềm vui, sự thú vị trong các trang sách với bạn đồng trang lứa (thích hơn nói với ba mẹ nhiều). Ngoài ra nếu có điều kiện thì tham gia các câu lạc bộ sách, tham gia các buổi giao lưu tác giả – tác phẩm.

PHÂN CHIA THỜI GIAN CHO CÁC NGÔN NGỮ NHƯ THẾ NÀO?

Mình nhận được rất nhiều câu hỏi là phân chia thời gian học, đọc sách với các ngôn ngữ như thế nào? Trường hợp bé nhà mình đang học 3 ngôn ngữ Nhật, Anh và Việt. Thật sự bé có khuynh hướng thích đọc tiếng Anh nhất, tiếng Nhật vì kanji khó và tiếng Việt vì chưa giỏi (chủ yếu là thời gian để học tiếng Việt rất ít). Thế nên, như có đề cập ở trên, tiếng Nhật và Anh bé tự lựa sách đọc, còn tiếng Việt vẫn là mẹ chọn và đọc cùng.

Hiện nay, thời gian đọc sách tiếng Anh của bé vẫn là nhiều nhất, có lẽ vì tiếng Anh bé tốt và cũng có nhiều đầu sách thú vị hợp với sở thích của bé. Tiếng Nhật bé cũng đã đọc những truyện dài dạng sách chương hồi mấy trăm trang. Thời gian đầu khi tiến vào thế giới sách chương hồi (đọc truyện tranh thì không sao) thì bé than là nhìn vô mệt, kanji nhiều (chắc nhìn cuốn chữ không mấy trăm trang là ngán); nhưng tự dưng đến một lúc bé tự lựa chọn đọc và không than thở nữa (chắc trình tiếng Nhật tăng nhỉ?); tuy thời gian vẫn ít hơn đọc sách tiếng Anh nhưng vẫn giữ tốc độ mỗi tuần ít nhất 1 cuốn truyện dài. Tiếng Việt thì chỉ khi mẹ rỗi rủ đọc chung mới đọc chút thôi, chưa tự nguyện; phần này mẹ cần phải cố gắng trau dồi trình độ cho con hơn.

Mình nghĩ là tùy vào độ ưu tiên ngôn ngữ chính trong gia đình, vào từng giai đoạn bố mẹ muốn con dành thời gian nâng cao ngôn ngữ nào hơn thì sắp xếp thời gian khuyến khích bé đọc sách từ ngôn ngữ đó hơn. Giai đoạn đầu khi luyện tập thói quen thì nên ưu tiên cho bé đọc bằng thứ ngôn ngữ bé thoải mái nhất. Sau khi đã có thói quen rồi thì lựa chọn sách phù hợp từng trình độ của từng ngôn ngữ cho bé.

Lưu ý: Thời điểm KVBro viết bài viết này bé nhà mình 8 tuổi 10 tháng. Có thể khi bé lớn hơn thì yêu cầu cũng phải khác đi.

>>> 10 cuốn sách bằng tiếng Anh về Nhật Bản mà trẻ nên đọc
>>> Truyện tranh tiếng Anh hay cho trẻ 4-7 tuổi
>>> 10 bộ truyện tiếng Anh và Nhật dành cho bé 3-5 tuổi

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (8 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản