Site icon KVBro

ĐỒNG HÀNH CÙNG CON HỌC TIẾNG ANH TẠI NHÀ TỪ 9-10 TUỔI ĐẠT TRÌNH ĐỘ B2

Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

Sau các bài viết Hướng dẫn bé học tiếng Anh tại nhà từ 0-3 tuổiHướng dẫn bé học tiếng Anh tại nhà từ 3-5 tuổi, sau đó là ĐỒNG HÀNH CÙNG CON HỌC TIẾNG ANH TẠI NHÀ TỪ 6-8 TUỔI ĐẠT TRÌNH ĐỘ B1 – KVBro-Nhịp sống Nhật BảnĐỒNG HÀNH CÙNG CON 6-8 TUỔI THI EIKEN 2 KYU – KVBro – Nhịp Sống Nhật Bản được sự quan tâm của các bạn, hôm nay mình xin chia sẻ kinh nghiệm đồng hành cùng con trong giai đoạn tiếp theo từ 9-10 tuổi với mục tiêu hỗ trợ bé đạt được trình độ B2.

Trước khi đọc bài viết này, các bạn đọc giúp các bài viết trước để hiểu được tiêu chí, quan điểm và quá trình xuyên suốt của mình nhé. Trong quá trình áp dụng phương pháp này, các bạn cần cân nhắc thật kỹ khả năng đồng hành cùng con, thời gian cũng như đặc điểm riêng của bé để có những thay đổi linh hoạt phù hợp.

Trong giai đoạn này, mình vẫn tiếp tục áp dụng học tiếng Anh kiểu homeschooling. Bản thân mình thấy bộ SPECTRUM, WONDERS hoặc TREASURE dành cho cấp tiểu học của Mỹ đáp ứng được tiêu chuẩn Common Core khá ổn. Bộ SPECTRUM nhẹ nhàng và dễ hơn bộ WONDERS và TREASURE, hàm lượng kiến thức ít hơn một xíu phù hợp với các bạn học nhẹ nhàng, chương trình học chính khóa nặng; bộ WONDERS, TREASURE thì phải cày nhiều hơn. Hoặc theo hệ Anh-Anh mình thấy các bạn hay dùng bộ Cambridge Global English. Bên cạnh đó, để làm bài tập bộ BrainQuest từ lớp 1-6 được các bạn bản xứ đánh giá rất cao.

Giai đoạn này có 1 số biến chuyển là bé nhà mình thích vào lớp Toán cao cấp ở trường, thì buộc phải chuyển sang hệ Nhật 100%, không được học lớp có hỗ trợ tiếng Anh nữa. Bản thân mình thấy lớp học hỗ trợ tiếng Anh tốt cho con về môi trường giao tiếp, nhưng nội dung học dễ, bé đã vượt qua trình độ đó quá xa. Nên mình đồng ý xin cho bé chuyển sang lớp Nhật 100% bình thường.

Contents

SẮP XẾP LỊCH HỌC THẾ NÀO?

Có một số mẹ nhắn tin cho KVBro hỏi thăm làm sao mình có thể sắp xếp lịch học tiếng Anh nặng khi đã học cả ngày ở trường như thế. Mình thì thấy rằng chương trình học trường công của Nhật nhẹ, và quan điểm của mình cấp tiểu học là giai đoạn trải nghiệm về âm nhạc, thể thao và ngôn ngữ. Mình mong muốn con nắm chắc tiếng Anh ở cấp 1 để vào cấp 2 có thể học tập, nghiên cứu ở góc độ học thuật “academic” nhẹ nhàng ở cả 2 ngôn ngữ.

Nghe rất hoành tráng nhưng thực sự bé nhà mình học nhẹ nhàng, rất ít thời gian mỗi ngày, tầm 30-60 phút mỗi ngày mà thôi, lúc nhỏ tầm 15-30p, tăng dần theo độ tuổi. Lúc lớp 3-4 thì học đến 8:30, tầm 9:30 đã đi ngủ, lên lớp 5 thì học đến 9 giờ, 10 giờ đi ngủ. Khoảng 1 tiếng trước khi ngủ là giờ chơi tự do và đọc sách. Tùy giai đoạn, có lúc thích chơi cờ, có lúc đọc sách. Và có lẽ nhờ đọc sách nên đọc viết của con khá hơn chăng?

Trong quá trình học homeschooling mình không mất thời gian cho bé học toán, vì toán học ở trường theo kiểu Nhật là đủ. Mình chỉ tập trung và môn Ngữ văn (Language Arts), môn Khoa học (Science) và môn Khoa học Xã hội (Social Studies). Việc phân chia lịch thì cũng rất tùy hứng của con và mẹ, chỉ có lên kế hoạch là trong khoảng thời gian này phải xong cấp độ grade này chứ không rõ ràng cụ thể lắm. Đây cũng là điểm mình thấy chưa được, cần học hỏi thêm ở nhiều mẹ khác.

Chẳng hạn bạn của mình thì phân chia lịch như sau, các bạn có thể tham khảo thêm:
+ Dành ít nhất 2 buổi một tuần, chẳng hạn thứ 2-4 là dành cho môn Ngữ văn (LA), một buổi một tuần chẳng hạn thứ 3 dành cho môn Khoa học (Science), một buổi một tuần chẳng hạn thứ 5 dành cho môn Khoa học xã hội (Social Studies).

+ Một buổi 1 tuần chẳng hạn Thứ 6 có thể dành cho môn nói và xem phim để tăng kỹ năng nghe. Phim thì có thể là phim tài liệu, phim giải trí, phim khoa học… tương quan với những kiến thức bé đang học.

+ Cuối tuần có các hoạt động ngoại khóa tiếng Anh và học thêm nói, cho đi các lớp giao lưu tiếng Anh cuối tuần.

Mình thì không theo lịch cố định như thế, mà hay theo hứng thú của con. Chẳng hạn đợt này đang học 1 chủ đề khoa học mà bé thích thì có khi cả vài tuần chỉ tập trung học khoa học mà thôi; cứ học theo hết chủ đề thì được cái bé nhớ bài và khá tập trung vào lúc đó. Sau khi học hết chủ đề thì lại chuyển sang chủ đề khác. Và cuối tuần thì chủ yếu là các hoạt động âm nhạc, thể thao. Chính vì thế, nếu bạn có một lịch học sát sao hơn thì mình nghĩ bé nhà bạn có thể tiến bộ nhanh hơn tiến độ mình miêu tả ở đây. Mình có quen biết nhiều gia đình tự đồng hành cùng con, và trình độ các bạn nhỏ vượt xa trình độ bé nhà mình, thật sự rất đáng nể. Đó cũng là một động lực cho mình duy trì mỗi khi gặp khó khăn. Đến giai đoạn này thì mình nhận thức được rằng không cần gấp gáp, con sẽ tăng tốc khi đã hấp thụ đủ, điều quan trọng để thành công chính là sự kiên trì mỗi ngày. Ngoài ra, bé còn học nhiều môn khác và các hoạt động câu lạc bộ, thời gian chơi nữa… mình cũng cần cân đối, không chỉ tập trung cho tiếng Anh.

Môn Ngữ Văn/ Tiếng Anh (Language Arts)

Tùy chương trình bạn chọn mà môn ngữ văn sẽ theo trình độ cấp lớp mà độ khó cũng tăng dần.

Giai đoạn này về mặt từ vựng, mình thấy nội dung xoay quanh từ đồng nghĩa, trái nghĩa, các sử dụng từ, các thủ pháp văn học so sánh, ẩn dụ, nhân cách hóa…

Về phần đọc hiểu, bắt đầu chuyển sang “chiến thuật đọc hiểu”, phân tích văn học và đọc nhiều sách phi hư cấu non-fiction. Trong phần chiến thuật đọc hiểu, trong sách cũng sẽ có hướng dẫn cụ thể từng phần, nên bạn không phải lo, chỉ cần đọc trước để hướng dẫn con, phần khó nhất vẫn là ẩn ý sau câu chuyện/hành động (không thể hiện trên mặt chữ), mục đích của tác giả là persuade (thuyết phục), inform (cung cấp sự thực) và entertain (giải trí)  và  tìm ý chính/chủ đề chính của câu chuyện. Đọc truyện thêm sẽ hỗ trợ cho phần này rất nhiều. Bản thân mình gặp khó khăn là bé nhà mình rất thích đọc thể loại truyện hư cấu fiction, science-fiction, nhưng không đọc sách non-fiction nên trình độ tiến hơi chậm. Để giỏi nhanh, bạn nên khuyến khích bé nghe tin tức và đọc tạp chí.

Về kỹ năng viết, các yêu cầu giai đoạn này cũng cao hơn, bao gồm cấu trúc câu, một số điểm ngữ pháp khó hơn như thì hiện tại, tương lai… cách sắp xếp ý, chọn từ hay, đẹp… Và bắt đầu học cả về tự truyện (personal narrative), thơ (poem), truyện hư cấu (fiction, story), và cả mảng phi hư cấu như văn thuyết phục, quan điểm, thông tin, bài luận, báo cáo…

Phần dạy viết quả thật mình không giỏi lắm nên sử dụng thêm các sách như Write Right, Composition hay Great Writing để đưa bé tự làm và tự nâng trình theo bài tập. Điểm cộng của bé nhà mình là thích viết linh tinh, sáng tác truyện hư cấu và thơ nên mình cũng khuyến khích bé viết để tăng cường trí tưởng tượng và sử dụng từ. Mình không góp ý gì về mặt ngữ pháp, câu chữ tránh làm bé mất hứng. Nhưng vào phần bài tập thì mình sẽ sửa, từ từ rồi con cũng tiến bộ. Về viết luận thì ngoài nắm vững cấu trúc và một số từ nối, kiến thức tổng hợp cũng rất quan trọng, bé có thể hấp thụ qua các môn khoa học và khoa học xã hội, ngoài ra, bố mẹ có thể khuyến khích đọc sách non-fiction và xem phim tài liệu. Phần này quả thực mình không có nhiều tip để chia sẻ, ngoại trừ khuyến khích bé đọc nhiều sách thì tự động khả năng viết sẽ tăng theo.

LÀM SAO ĐỂ TRẺ MÊ ĐỌC SÁCH? – KVBro – Nhịp Sống Nhật Bản

NHỮNG BỘ PHIM TÀI LIỆU CHỦ ĐỀ VỀ KHỦNG BỐ CHẤT LƯỢNG – KVBro

NHỮNG PHIM TÀI LIỆU HAY TRÊN NETFLIX CHO CÁC BẠN 10-12 TUỔI – PHẦN 1 – KVBro – Nhịp Sống Nhật Bản

NHỮNG BỘ PHIM TÀI LIỆU HAY TRÊN NETFLIX DÀNH CHO TRẺ 10-12 TUỔI – PHẦN 2 – KVBro – Nhịp Sống Nhật Bản

Môn Khoa học

Trong các bộ sách dành cho lớp 4-5 bao giờ cũng có sách Khoa học. Về cơ bản, trong độ tuổi này sẽ được học về Khoa học Trái đất như hệ mặt trời, Khoa học về sự sống như hệ sinh thái, sinh học, và một chút về Khoa học Vật lý như âm thanh, ánh sáng, điện năng, vật chất… Các bài học khoa học theo mình là rất bổ ích cho các bé để nâng cao vốn từ vựng mà môn LA ít đề cập tới, và vừa ít chán hơn nhiều. Dựa trên những bài học trong sách, bạn có thể tự tìm thêm các bài giảng hoặc các video liên quan trên youtube để xem cùng bé cho dễ hiểu hơn và mở rộng kiến thức.

Quá trình đồng hành đến đây mình có gặp khó khăn, có những vấn đề mình hiểu nhưng để giải thích cho bé hiểu là một chuyện khác. Mình thuộc dạng không giỏi khoa học, nên khả năng diễn giải của mình cũng kém. Chính vì vậy, mình phải tìm rất nhiều video có liên quan để bé tự nghe, tự hiểu. Cũng may giai đoạn này các kiến thức chưa quá khó nên mình thấy bé cũng lĩnh hội được phần cơ bản. Lên cấp 2 chắc chắn mình phải tìm hướng đi khác cho môn học này.

Môn Khoa học xã hội

Đây là môn học mà bé nhà mình rất thích vì thật ra rất dễ mà lại có nhiều kiến thức gần gũi. Bé đặc biệt thích môn lịch sử học thế chiến tranh thế giới 1 -2, cuộc cách mạng công nghiệp… Các bạn có thể khuyến khích bé đọc các câu truyện được sáng tác miêu tả thời kỳ lịch sử đó phù hợp với lứa tuổi cho thêm phần thú vị. Chẳng hạn như nếu học về thời Victoria (UK) thì bạn có thể giới thiệu cuốn truyện Oliver Twist, hay học về Chế độ Nô lệ thì mình giới thiệu cuốn Chú lều của bác Tom, hay cuốn The boys in Striped Pijama cho giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ 2…

Các bộ phim tài liệu cũng hỗ trợ rất nhiều cho bé hiểu được 1 số vấn đề về lịch sử, xã hội, chẳng hạn như những bộ phim nói về bình đẳng giới, chống phân biệt chủng tộc, khủng bố 9/11… Tùy nội dung bé đang học giai đoạn đó mà bạn lựa chọn một bộ phim hay cuốn sách phù hợp cho bé đọc thêm nhé.

Kỹ năng nói

Thời gian này bé nhà mình học trường công chương trình Nhật 100% nên mình cũng có lo lắng kỹ năng nói không được rèn luyện, vì vậy, mình có cho bé tham gia 1 câu lạc bộ nói trước công chúng, ngoài ra trong quá trình học ở nhà thì mình giao tiếp tiếng Anh để thảo luận bài học. Tạm thời, với mình giai đoạn này thế cũng ổn; bé vẫn nói khá, tuy không xuất sắc. Nhưng có lẽ giai đoạn sau nếu cần thiết mình sẽ có đầu tư hơn.

Kỹ năng nghe

Được rèn luyện qua các bài học và phim tài liệu, cũng như các phim bé thích xem. Mình thấy thế là ổn và không có ý định rèn luyện thêm cho bé.

 

Mình đồng hành tiếng Anh cùng con cũng khá đơn giản, và không mất nhiều thời gian; trên cơ sở cân nhắc thời gian chơi, bài tập ở trường, giữ tiếng Nhật tốt. Tiến độ như trên mình thấy khá bình thường so với nhiều bé mà mình biết, chủ yếu là trong thời gian này bạn muốn cân đối để tập trung vào kỹ năng nào, môn học nào mà thôi. Giai đoạn này của nhà mình kéo dài hơn mình dự kiến chủ yếu là do mình quá bận, và để bé tự học nhiều, bé tự học cũng có những điểm tốt, nhưng sẽ chậm hơn có mẹ đồng hành. Giai đoạn cuối của thời gian này bé muốn học juku và xin ba mẹ cho đi học nên cũng mất khá nhiều thời gian cho ba mẹ tìm hiểu và con trải nghiệm. Chúc ba mẹ đồng hành cùng con vui vẻ và con có trải nghiệm học thật thú vị nha.

 

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết:  (1 votes, average: 5.00 out of 5, rated)

 

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản

 

 

 

 

 

Exit mobile version