NHỮNG YẾU TỐ TẠO NÊN MỘT MÔI TRƯỜNG HỌC TẬP TỐT

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (2 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Chắc hẳn khi nhắc đến trường học tốt, nhiều bậc cha mẹ sẽ cân nhắc các yếu tố chất lượng về mặt đào tạo (kết quả đầu ra hay số lượng giải thưởng học sinh giỏi), hoặc chất lượng của giáo viên của trường (số năm kinh nghiệm giảng dạy, điểm số của các cựu học sinh đã từng dạy). Đối với nền giáo dục châu Á (Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam) là một nền giáo dục có định hướng kết quả, thành tích và thi cử, thì việc lựa chọn trường học dựa trên các yếu tố về mặt thành tích là một điều không thể thiếu.
Tuy nhiên, càng lúc chúng ta càng có thể thấy một ngôi trường có chất lượng tốt, cần nhiều hơn những giá trị về điểm số. Bởi bên cạnh việc học, chất lượng đời sống và tâm lý học sinh, thì một vài yếu tố khác như cơ hội tiếp cận những nguồn lực và việc chuẩn bị hành trang cho tương lai cũng rất đáng để cân nhắc. Những yếu tố này không những giúp các em phát triển toàn diện mà còn đóng góp cho xã hội những công dân tích cực và có ích.
Dưới đây là một vài tiêu chí được cho là thể hiện một môi trường học tập chất lượng, quý phụ huynh có thể dựa vào đây để cân nhắc tham khảo chọn môi trường học tập cho con ạ.

Contents

1. Công bằng và bình đẳng

Giáo dục là nền tảng đầu tiên xây dựng nên tính công bằng bình đẳng trong xã hội. Nếu không có giáo dục, con người sẽ không thể phân biệt và định nghĩa đúng 2 yếu tố này, con người cũng sẽ không biết lý do tại sao phải công bằng, tại sao phải bình đẳng, đồng thời không biết cách thức xây dựng và duy trì 2 yếu tố này như thế nào.
Hai từ “công bằng’’ (equity) và “bình đẳng” (equality) nghe qua thì có vẻ tương đồng, tuy nhiên khi tìm hiểu kĩ hơn về hai thuật ngữ này, ta sẽ thấy có đôi chút khác biệt. Sự bình đẳng thể hiện ở sự phân bố đều nguồn lực của nhà trường (giáo viên, chương trình học, công nghệ học tập) cho tất cả các em học sinh. Còn sự công bằng đem lại cho các em những nguồn lực mà các em cần dựa vào hoàn cảnh của từng học sinh. Ví dụ, những học sinh trong trường tiếp thu chậm hơn sẽ nhận được thêm sự giúp đỡ bên cạnh giờ học chính khóa.

2. Một ngôi trường giúp các em trở thành những công dân toàn cầu và công dân tích cực

Tính toàn cầu ngày càng mở rộng, điều này đòi hỏi học sinh phải được trang bị những nền tảng để thích ứng và chung sống với sự thiên chuyển, biến đổi không ngừng. Một công dân toàn cầu là một công dân có thể thích nghi tốt, sống, học tập và làm việc dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, quốc gia nào, lĩnh vực nào,… mà không phải chịu sự rủi ro và ảnh hưởng của các bất định, biến đổi trong cuộc sống.
Không chỉ tập trung vào những hoạt động trong nhà trường, hoạt động xã hội rất cần sự đóng góp của các em học sinh, dù ít hay nhiều. Nhà trường và giáo viên nên đưa vào những bài giảng nâng cao nhận thức của các em về thực trạng vấn đề đang xảy ra đối với đất nước và xã hội của mình để qua đó trở thành những công dân tích cực. Nhà trường khuyến khích các em có trách nhiệm hơn với các vấn đề trong xã hội: tham gia tình nguyện trong các dự án về bất bình đẳng giới, biến đổi khí hậu hay ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các em còn có thể hướng đến những giải pháp trong tương lai để giải quyết những vấn đề đó.

3. Một ngôi trường phát triển những kỹ năng cho tương lai

Một ngôi trường cần đặt ra mục tiêu là phát triển và chuẩn bị cho tương lai của người học. Những nhà lãnh đạo giáo dục nên nhìn xa hơn những bài kiểm tra cuối kì hay kỳ thi đại học. Trên thế giới, có rất nhiều học thuyết và bộ khung cho những định hướng phát triển tương lai, ví dụ như transversal competencies (năng lực chuyển đổi), 21st century skills (kỹ năng thế kỳ 21), hay soft skills (kỹ năng mềm). Nhà trường khuyến khích giáo viên lồng ghép những mục tiêu và kỹ năng cho tương lai vào bài học. Ví dụ, kỹ năng thế kỷ XXI gồm những kỹ năng nhỏ như: kỹ năng học cách học tập, kỹ năng công nghệ thông tin hay kỹ năng tư duy phản biện. Các năng lực này có thể được áp dụng vào tiết học. Chẳng hạn như trong tiết học ngoại ngữ, các em sẽ học phát triển tư duy phản biện thông qua hoạt động tranh biện. Hay như việc phát triển năng lực công nghệ thông tin thông qua môn tin học, nhà trường không chỉ dạy các em về phần mềm mà còn dạy về kỹ năng mở rộng network trên mạng, kỹ năng tìm kiếm và chọn lọc thông tin sao cho phù hợp. Tất cả những điều này đều cần thiết cho cuộc sống của các em hiện tại và mai sau.

4. Lấy học sinh làm trung tâm

Một điều cơ bản trong môi trường học tập tốt cần phải có là các em học sinh được giáo viên xem trọng, thậm chí đặt lên hàng đầu. Giáo viên phải xem trọng những kiến thức hiện có, sự đóng góp ý kiến, khả năng học hỏi tích lũy, thay đổi bản thân của học sinh, hiểu và tôn trọng giá trị của người khác là dấu hiệu của việc tạo lập một môi trường học tập hiệu quả và cần phải được thực hiện thông qua hành động của chính giáo viên, qua các điều kiện tạo ra trong quá trình giảng dạy.

5. Tính thách thức

Một đặc trưng nữa của môi trường học tập là phải tạo được sự thử thách cho học sinh. Giáo viên phải gợi mở, tạo được sự hứng thú cho học sinh cũng như đưa ra những thách thức nhất định. Học sinh không đơn thuần là người đứng nhìn và nhận xét như trước đây, mà chính các em phải trở thành người giải quyết, người làm chủ. Môi trường học tập không phải là một môi trường bị động mà đây chính là môi trường để học sinh có thể đặt câu hỏi, đưa ra các yêu cầu cho giáo viên. Nhiệm vụ của giáo viên là phải kích thích người học tìm tòi, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, biết vượt qua giới hạn khả năng hiện tại của bản thân, sử dụng những tiềm năng, khả năng bản thân mình có, giải phóng bản thân, nhận ra được những khả năng mới của mình.

6. Ý kiến phản hồi

Và môi trường học tập hiệu quả là khi ở đó nhà trường và giáo viên phải tạo điều kiện cho các em học sinh được đóng góp ý kiến phản hồi. Việc đóng góp ý kiến sẽ tạo ra một môi trường học tập thoải mái giúp quan hệ giữa học sinh và giáo viên trở nên gần gũi, cởi mở hơn. Đồng thời qua việc bày tỏ ý kiến, một số học sinh có thể phát huy tiềm năng thuyết trình, khả năng nhận định và tầm nhìn của các em. Một số trẻ em có tư chất ngay từ bé, nếu không được đặt đúng môi trường và được tạo điều kiện phát huy, tiềm năng rất dễ bị thui chột.

🔍 Nguồn tham khảo:
1. Caena, F., Developing a European Framework for the Personal, Social & Learning to Learn Key Competence (LifEComp). Literature Review & Analysis of Frameworks, Punie, Y. (ed), EUR 29855 EN, Publications Office of the European Union, Luxembourg, 2019, ISBN 978-92-76-11225-9, doi:10.2760/172528, JRC117987.
2. Hoang, T. G. (2005). Áp lực tâm lý trong hoạt động học tập của học sinh trung học cơ sở. [Psychological pressure on academic activities of secondary school students] [In Vietnamese]. Tạp Chí Tâm Lý Học (Journal of Psychology), 9(78), 55–60. Tạp chí Khoa học Việt Nam Trực tuyến – Vietnam Journals Online (vjol.info.vn)

※Tổng hợp bài viết: Cô ANN HO (1) Nisai Global School – Viet Nam | Facebook
Cảm ơn cô Ann Ho đã cung cấp bài viết cho KVBro.

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (2 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

 

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản