KHI CON BẠN BỊ IJIME-TRÊU CHỌC, NHỮNG TIPS CHO BỐ MẸ VÀ CON (CẤP 1- MẪU GIÁO)

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (6 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Khi bé bắt đầu đi học, nhà trẻ-mẫu giáo-cấp 1, 2, 3, kể cả đại học, con bạn rất dễ có thể bị trêu chọc bắt nạt, nhất là bé là người nước ngoài có khác biệt với trẻ Nhật. Sau đây là một số tips của KVBro rút từ kinh nghiệm bản thân, tài liệu tìm hiểu và từ lời khuyên của các bố mẹ khác đã từng trải qua. Bài viết chủ yếu nói về vấn đề trêu chọc đối với các bé cấp 1-mẫu giáo.

Contents

Những điểm gì bé sẽ dễ bị trêu chọc nhất?

(1) Tên gọi của bé
Bé nhà mình suốt 5 năm học ở nhà trẻ rất ổn, bạn bè thân rất nhiều và bé chưa từng bị trêu. Tuy nhiên, khi bé vào lớp 1, bé bị bạn trêu tên. Cách trêu đó là cứ thấy con, bạn ý cứ nói thật to đầy đủ họ tên con mặc dù không hề có ý định gọi hay gì hết.
Hai ngày đầu bé không hề kể dù đi học về mình có hỏi. Đến ngày thứ 3 bé kể lại và tỏ ra ấm ức khó chịu việc này.

###CÁCH GIẢI QUYẾT:
+ Mình nói với con rằng con là người Việt Nam nên tên con có khác với tên các bạn Nhật nhưng tên con rất hay và ý nghĩa.
+ Bạn thấy lạ vì bạn chưa gặp bao giờ nên bạn ý mới làm vậy.
+ Con hãy tỉnh bơ, mặc kệ bạn ý (無視), bạn ý trêu con là muốn con khó chịu, nếu con kệ không tỏ thái độ gì bạn chán bạn sẽ tự thấy ngượng khi nói và không trêu con nữa đâu.
+ Con vui vẻ chơi với nhiều bạn, khi con có nhiều bạn thân yêu quý, nhóm bạn con sẽ bảo vệ, bênh vực con.

>>>KẾT QUẢ:
Con mình về kể, bé mặc kệ coi như không nghe thấy. Ngày hôm sau vẫn gọi tên trêu như thế, rồi từ các ngày sau đấy gọi trêu ít dần và khoảng 1 tuần thì hoàn toàn không trêu nữa.

(2) Giọng nói phát âm tiếng Nhật của bé (đối với các bé khá lớn mới sang Nhật đi học cấp 1-2-3)
Nếu bé sinh ra và lớn lên tại Nhật, giọng nói phát âm của bé gần như giống trẻ Nhật nên không có khác biệt gì. Với những bé đã biết nói tốt tiếng Việt (3 tuổi trở lên) thì khi mới sang Nhật, bé có khả năng bị trêu vì nói tiếng Nhật chưa chuẩn. Nhưng bạn hoàn toàn yên tâm, trẻ con học ngoại ngữ rất nhanh và chỉ khoảng 1-2 năm là bé hoàn toàn có thể hoà nhập về ngôn ngữ. Thời gian đầu sẽ có chút vất vả và những trêu chọc khó chịu nhưng bố mẹ hay cố gắng cùng con vượt qua.

###CÁCH GIẢI QUYẾT:
+ Khả năng con bị trêu là khá cao nên bạn cần quan tâm đến con, hỏi han con ở trường học thế nào, bạn bè có vui không, cần cởi mở với con để con nói ra những khúc mắc và bố mẹ cùng con giải quyết.
+ Khi con bị trêu, hãy giải thích cho con để con không bị tự tị, giúp con nâng cao trình độ tiếng Nhật bằng cách cùng con xem các chương trình thiếu nhi, cho con học thêm môn Kokugo tại Kumon….
+ Cố giữ tiếng Việt cho con thật tốt để con tự hào mình có khả năng nói được nhiều ngôn ngữ
+ Giống như bị trêu tên gọi, hãy dặn con “mặc kệ, không để ý”. Các bạn trêu là để con khó chịu, nếu con tỏ ra không khó chịu thì các bạn sẽ chán vì không đạt được mục tiêu và dần dần không trêu nữa.
+ Nếu tình trạng con bị trêu gây ảnh hưởng tâm lý không muốn đi học, sợ gặp bạn bè, bạn nên gặp trực tiếp nói chuyện với thầy cô giáo chủ nhiệm để tìm cách giải quyết hợp lý.

(3) Khác biệt về hình thức (đen, béo, gầy)
Hình thức khác biệt cũng là một trong những vấn đề mà con dễ bị trêu chọc. Để giải quyết vấn đề này bạn cần giúp con tự tin về hình thức của mình. Dù với bất kỳ hình thức của con như thế nào, con vui vẻ hoà đồng chăm ngoan thì điều đó vẫn đáng tự hào nhất.
Với trường hợp nếu con hơi béo hãy động viên con luyện tập thể thao để khoẻ người và giảm cân.

(4) Khác biệt về tính cách (quá nhút nhát rụt rè, quá mạnh mẽ)
Cũng giống như hình thức, tính cách của con cũng có thể trở thành tâm điểm của sự trêu ghẹo. Nếu con quá nhút nhát, con dễ bị cô lập trêu chọc của nhóm trẻ mạnh mẽ nghịch ngợm ở trường. Còn nếu con quá mạnh mẽ nghịch ngợm, việc gây gổ với bạn bè cũng dễ xảy ra và sau đó có thể dễ bị cô lập hơn vì con là người nước ngoài.

Những kiểu trêu chọc có thể xảy ra

(1) Trêu chọc bằng lời nói
Việc trêu chọc sử dụng ngôn từ có thể làm con bị ngượng trước mặt bạn bè, cảm thấu tự ti và tổn thương nội tâm. Hãy quan tâm đến tâm trạng của con, hỏi han con hàng ngày khi cả nhà cùng nhau ăn cơm, nghỉ ngơi để tìm cách gỡ rối cho con khi có vấn đề xảy ra.

(2) Trêu chọc bằng cách giấu vứt đồ, viết bậy vào đồ của con
Việc giấu vứt đồ, viết bậy vào đồ của con có thể xảy ra khi con bị trêu chọc ở lớp. Nếu hiện tượng này xảy ra nhiều lần, bạn nên gặp giáo viên để nói chuyện. Nếu cần thiết bạn có thể liên lạc trực tiếp với phụ huynh của bạn trêu chọc con.

(3) Trêu chọc bằng cách cô lập
Mức độ cao hơn đó là việc nhóm bạn cô lập con, không cùng chơi cùng hoạt động tập thể với con. Nếu trường hợp này xảy ra, bạn nhanh chóng gặp giáo viên chủ nhiệm để có phối hợp tích cực giúp con, ví dụ phân lại nhóm học tập hay đổi chỗ ngồi.

(4) Trêu chọc bằng bạo lực
Rất nhiều bé có thể bị bạn đánh, đẩy ngã nhưng lại sợ và không dám nói với thầy cô cũng như bố mẹ. Vì vậy, là bố mẹ, bạn cần quan tâm xem con có biểu hiện là, có bị bầm tím không để tìm cách gỡ rối cho con. Nếu biết chính xác những vết bầm tím trên người con là do bị bạn bè đánh hãy nhanh chóng gặp giáo viên và yêu cầu gặp phụ huynh bạn đánh con đề làm rõ sự việc.

Trêu chọc không có nghĩa là con bị ghét

Khi con bị trêu điều đó không phải hoàn toàn là con bị ghét. Có thể bạn đó muốn gây sự chú ý với con muốn chơi với con mà lại không biết cách nào nên làm vậy. Vì vậy hãy dặn con, đừng vì bạn đấy từng trêu con mà không chơi với bạn đó nữa, có thể sau này con với bạn đó sẽ rất thân với nhau.

Nếu con bị trêu chọc quá nhiều, có nên chuyển trường cho con?

Đó là vấn đề nhiều gia đình lo lắng suy nghĩ không biết nên làm thế nào. Theo quan điểm của mình, môi trường sống rất quan trọng. Nếu bạn ở khu dân cư tri thức cao thì việc trêu ghẹo sẽ ít hơn khu dân cư tri thức thấp. Hãy chọn nơi sống tốt phù hợp với mức thu nhập và có môi trường tốt cho con. Nếu trường học hiện tại con bị trêu chọc quá mức, bạn tính chuyển trường cho con thì hãy chọn một nơi ở mới tốt hơn để con có môi trường học thân thiện hơn.

Hy vọng bài viết này của KVBro giúp ích được cho bạn phần nào trong chuyện nuôi dạy con tại Nhật. Nếu bạn có ý kiến đóng góp thêm, hãy để lại bình luận để chúng ta cùng chia sẻ kinh nghiệm nhé.

 

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (6 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

KVBro-Nhịp Sống Nhật Bản

KVBro - Nhịp sống Nhật Bản

Cám ơn các bạn đã ghé thăm trang web của KVBRO-Nhịp sống Nhật Bản. Xin vui lòng không đăng lại nội dung của trang web này nếu bạn chưa liên lạc với chúng tôi.