Site icon KVBro

KHÁM PHÁ THIÊN NHIÊN CÙNG CON TRÊN TỪNG BƯỚC ĐI

Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

Một trong những điều mình tâm đắc trong phương pháp Montessori đó là học từ thực tế, học đi đôi với hành. Và vì thế mình cố gắng áp dụng trong quá trình học mà chơi với bé nhà mình. Mọi cuộc đi dạo đều là cơ hội để bé học về thiên nhiên xung quanh. Hôm nay mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm thực tế của mình khi áp dụng lý thuyết này của phương pháp Montessori nhé.
Dù chỉ là đi dạo quanh nhà hay tản bộ ngoài công viên hay đi trekking/hiking đều là cơ hội để bạn có thể truyền đạt cho bé kiến thức về hệ thực vật, động vật xung quanh. Tùy độ tuổi của bé mà bạn có thể chuẩn bị kiến thức theo chủ đề để bé khám phá nhé.
Ngay cả mùa đông lạnh lẽo cũng là cơ hội tuyệt vời để cả gia đình thư thả bên nhau, cùng ngắm sắc trời xanh biếc trong cái lạnh se người và khám phá hệ thực vật mùa đông nhé các bạn.

Contents

Khám phá khu vực bạn sống hoặc những nơi cùng bé đi qua


Mang tiếng đi chơi vậy thôi, chứ cũng phải làm nhiều việc lắm đó.

+ Hỏi bé và trả lời những câu hỏi về những chi tiết nhỏ, những mầm xanh mọc quanh khu vực bạn sống đối với các bé tuổi mầm non. Để làm được điều này đương nhiên bố mẹ cũng phải tìm hiểu một số kiến thức về hệ động thực vật khu vực bạn sống nhé.
+ Không mang theo đồ chơi để bé có thể tập trung chơi các hoạt động vận động cơ thể và khám phá thế giới xung quanh.
+ Mang theo bút chì, bút màu và giấy để bé có thể vẽ những gì bé thấy.
+ Hỏi bé “Con thấy gì khác biệt ngày hôm nay?” mỗi lần cùng bé đi dạo.
+ Đối với các bé nhỏ, nhớ hãy sử dụng cả 5 giác quan. Bạn có thể nói “Mẹ thấy mây thật lớn”, “Mẹ chạm vào cỏ ướt”, “Mẹ nghe tiếng máy bay”, hoặc “Mẹ ngửi thấy mùi hoa mơ” hay “Món quýt mẹ nếm hôm nay rất ngon”…
+ Nếu có thể mua cho bé một kính lúp nhỏ hoặc ống nhòm để bé có thể khám phá xung quanh nhé.

Theo dõi thời tiết

Mùa đông Nhật Bản cũng có nhiều cảnh đẹp để ngắm, nhiều điều để bé học hỏi nhé! Ảnh chụp tại công viên Ueno, Tokyo vào giữa tháng 1/2019

Khi đi dạo cùng nhau, hãy cố gắng “sống chậm” hết sức có thể, hãy cùng quan sát giọt mưa rơi hay hạt sương đọng trên lá, ngắm nhìn tuyết rơi và khi chạm đất biến thành mưa… Nếu cạnh nhà bạn có dòng sông, hay hồ, hãy hói bé nước được chảy từ đâu đến và sẽ chảy đi đâu. Bạn có thể tự tìm hiểu trước một chút để có câu trả lời… Hay có thể cùng bé quan sát màu của mây, vẽ những đám mây có hình thù khác nhau.
Đối với các bé lớn hơn hãy thông báo về tình hình thời tiết, bạn có thể cùng bé hát những bài hát theo thời tiết của ngày khi bôi kem chống nắng, hay mặc đồ cho phù hợp thời tiết như “You are my sunshine”, “Rain, rain go away”, “太陽のサンバ”, “あめふりくまのこ“, “ニャニュニョのてんきよほう“… Hướng dẫn bé chuẩn bị đồ mang theo như nón, áo khoác hay áo mưa… và yêu cầu bé chuẩn bị vật dụng mang theo, cùng hỏi về hiện tượng như tại sao lại có mưa, tuyết… Bạn cùng có bé thể nói về các bài học khoa học đấy.

Động vật

Sử dụng kính lúp để có thể nhìn thất động vật hoang dã nhỏ nhắn, như bé nhà mình rất thích tìm hiểu về các loại côn trùng quanh nhà, có một thời gian rất thích ong, nhện… Có thể hỏi bé như con thấy con kiến đi như thế nào… Bé nhà mình đặc biệt thích thú vật nên rất thích đi sở thú, thành ra đi du lịch đâu cũng cố ghé sở thú nào đó như Thủy cung ở Okinawa, Sở thú ở Gold Coast, Úc, Thủy cung ở Bristol – Anh; ngoài ra khi trekking, hiking, nhà mình đều cố gắng nói về thảm thực vật hay động vật xung quanh. Như bé nhà mình rất thích khi nhìn thấy côn trùng, hay những con thú nhỏ chạy ngoài đường ở Úc hay Canada như sóc, kangoroo… Nếu bạn có kiến thức hãy giải thích cho bé, nếu không, hãy cùng lưu lại và hai mẹ con cùng tìm hiểu sau. Đó cũng là những kỷ niệm thú vị để cả nhà có thể nhắc lại hoặc kể cho thành viên khác trong gia đình nghe.

Đối với các bé nhỏ bạn có thể cùng nhau đếm có bao nhiêu con vật hai mẹ con cùng thấy ngày hôm nay như chó, mèo hay các con côn trùng, chim…

Chẳng hạn mới hôm rồi mình và bé cùng đi dạo quanh công viên Ueno (chỉ bên ngoài, không vào trong sở thú Ueno đâu nhé), và cùng tìm hiểu các loài chim mùa đông ở khu vực này. Mình in trước 1 tờ giấy liệt kê các loài chim và bé chỉ việc đi xung quanh tìm kiếm, xem dưới hồ có loài chim nào, có vịt hay không, con chim trắng bay trên trời kia là chim gì. Bé sẽ có những phát hiện thú vị, và bạn chỉ việc nhàn tản nắm tay “anh ấy” đi dạo và nói chuyện tâm tình.

Thực vật

Tìm hiểu hệ động thực vật tại Springsbrook National Park, Gold Coast, Úc

Bạn hãy hướng dẫn bé sự khác biệt của từng chiếc lá như lá phong Nhật vào mùa thu thế nào, vào mùa đông ra sao, cả hoa nữa. Bé có biết hoa trà ở Nhật có hai loại khác nhau không? Một loại nở sớm và một loại nở muộn, một sự khác nhau khác là một loại khi tàn sẽ rụng từng cánh hoa bay bay trong gió như là sakura vậy; nhưng một loại rụng cả đài hoa một lúc luôn… Nếu bé thích bạn có thể khuyến khích bé sưu tập các loại lá có hình thù khác nhau… Bạn có thể khuyến khích bé đo người bé và cây xem cây cao hơn hay thấp hơn, khuyến khích bé ăn nhiều để nhanh cao hơn cây chẳng hạn.
Bé nhà mình đã rất thích thú khi đi khám phá hệ thực vật tại Springsbrook National Park, phát hiện ra có cây 2500-3000 tuổi, bé đã nhắc mãi về kỷ niệm này. Không cần phải đi xa, ngay ở khu vực bạn sống chắc chắn cũng có nhiều điểu thú vị để cùng nhau tìm hiểu. Như trong chuyến đi dạo quanh công viên Ueno, bé có thể tìm hiểu được lá phong Nhật mùa đông như thế nào, cây hoa mơ sắp nở hoa và đã nở hoa, hoa sen khi tàn thì như nào…
Nhớ mang cả giấy bút để bé có thể ghi chú hay vẽ những thứ bé thích nhé! Và tối về hãy khuyến khích bé viết nhật ký về chuyến đi dạo đó.

Đá

Khám phá đá bên bờ biển cạnh lâu đài St Andrews, Scotland.

Bạn có thể khuyến khích bé khám phá sự khác biệt của các tảng đá, màu của đá, hình dáng và độ sần sùi. Chẳng hạn đá ở biển có nhỏ tròn bóng và có nhiều viên rất đẹp, đá ở núi thì khác hẳn… Mỗi nơi có sự khác biệt thú vị để bé có thể nhận xét, đánh giá, hay đơn giản là ngắm và hòa mình cũng thiên nhiên thôi.

Học, học nữa, học mãi

 

Để khám phá cùng bé, bạn hãy thử vào thư viện để tìm những quyển sách về hệ động thực vật ở khu vực bạn sống. Trước khi đến một nơi nào đó hãy thử đọc sách qua về thông tin hệ động thực vật nơi đó, cùng bé đọc nếu bé lớn nhé. Thường bé sẽ thích nhìn hình các loại thú, chim, động vật có vú hay hoa; việc cùng tìm hiểu sẽ làm bé mong đợi chuyến đi hơn đấy. Hoặc bạn có thể tìm hiểu trên internet hay các apps khoa học nhất định. Chúc các bạn có những buổi đi dạo, đi chơi thật vui mà bổ ích nhé!

Bài viết cùng chủ đề:
>>>
Leo núi cùng trẻ – Phần 1 – Các lưu ý theo độ tuổi
>>>
 Leo núi cùng trẻ – Phần 2 – Kế hoạch cụ thể
>>> Leo núi cùng trẻ – Phần 3 – Danh sách các vật dụng cần thiết

Đánh giá bài viết: Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

KVBro – Nhịp Sống Nhật Bản

 

 

Exit mobile version