Site icon KVBro

HƯỚNG DẪN DẠY TIẾNG ANH CHO BÉ TỪ 0 -3 TUỔI

Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

Mình bắt đầu lần mò dạy tiếng Anh cho con sau khi nhận thấy rất nhiều các bé trong gia đình đa sắc tộc có thể giao tiếp trôi chảy nhiều ngôn ngữ khi còn rất nhỏ. Chẳng hạn, mẹ người Việt bố người Anh thì bé có thể nói chuyện được cả hai thứ tiếng. Có nhiều trường hợp mẹ Việt bố Nhật đi học trường quốc tế thì còn nói được cả ba thứ tiếng Việt, Nhật và Anh từ lúc tầm 3 tuổi. Bắt đầu từ đó mình tìm hiểu và đọc nhiều bài viết về các trẻ đa ngôn ngữ, những lợi ích khi trẻ biết nhiều ngôn ngữ từ nhỏ và lên kế hoạch cho con.

⇒Bài viết liên quan: 
TÀI LIỆU TIẾNG ANH CHO TRẺ TỪ 2 ĐẾN 4 TUỔI (Audio Book)
TÀI LIỆU TIẾNG ANH CHO TRẺ TỪ 4 ĐẾN 6 TUỔI (Audio Book)
HƯỚNG DẪN DẠY TIẾNG ANH CHO BÉ TẠI NHÀ TỪ 3 ĐẾN 5 TUỔI

Mình cũng xem là có thuận lợi khi tiếng Anh không phải quá giỏi, hay du học ở nước nói tiếng Anh, nhưng từng có kinh nghiệm đi dạy tiếng Anh ở một số trung tâm ở HCM như Thần Đồng, The OuterSpace, Leecam… Những kinh nghiệm đó giúp mình có nhận định về cách học sao cho hiệu quả, ngữ âm, phonics… và mình áp dụng vào quá trình dạy bé.

Bài viết này mình xin chia sẻ ít kinh nghiệm dạy bé tại nhà (homeschooling) là chủ yếu. Đây là cách giúp con học tiếng Anh giỏi (bạn có thể áp dụng phương pháp này cho ngôn ngữ khác) mà không cần đến trường quốc tế.

Đối với lứa tuổi từ 0 – 3 tuổi thì kỹ năng quan trọng và cơ bản nhất là nghe và nói. Do đó, giai đoạn này mình tập trung vào kỹ năng này cho bé, và không áp dụng phương pháp Glenn Domain để bé học chữ kiểu chụp ảnh. Tham khảo giai đoạn 3-5 tuổi ở đây.

Contents

Nguồn tài liệu tiếng Anh miễn phí

Trong giai đoạn 0-1 tuổi, mình gần như không dạy gì. Thỉnh thoảng mình hát hoặc mở các bài hát tiếng Anh thiếu nhi cho bé nghe. Bắt đầu từ 1,5 tuổi mình mới tập trung có chiến lược hơn.

Nguồn tài liệu mình sử dụng không khác gì các bạn khác đó chính là YOUTUBE. Bạn có thể tìm thấy hàng vạn sa số các video, bài hát, truyện hoạt hình phù hợp cho bé độ tuổi từ 2-3 tuổi trên YOUTUBE.

Những video tiếng Anh mình cho Ken xem giai đoạn này bao gồm:

Đây là bộ dạy tiếng Anh mình đánh giá rất cao. Các đĩa được sắp xếp từ dễ đến khó, hình ảnh vui nhộn và dễ hiểu cho các bé nhỏ. Hình ảnh được cắt ghép từ các bộ phim hoạt hình Walt Disney. Đây là một bộ đĩa giúp bé nâng cao từ vựng, hiểu được nên sử dụng trong trường hợp nào và giúp bé phát âm tốt nữa.

Mình nghĩ các bé trai sẽ cực thích bộ này đó. Chuyện kể về một gia đình Ếch, và có dạy các kiến thức cơ bản về phonics, toán… Bộ này hơi khó hơn, đúng ra thích hợp cho sau 3 tuổi, nhưng bé nhà mình thích nên vẫn hay xem. Và kết quả được thể hiện rõ khi bé sau 3 tuổi đã biết một ít về bảng chữ cái và phonics rồi.

Bộ này cả mình không ấn tượng lắm. Dù cũng dễ thương. Nhưng nếu đã xem Disney`s Magic English thì mình thấy lượng kiến thức đã đủ cho lứa tuổi này.

Vì tuổi này còn bé nên mình không khuyến khích cho bé xem video nhiều. Bên cạnh các video trên, kết hợp cho bé xem và nghe nhiều bài hát tiếng Anh nữa là đủ.

Mình có tham khảo nhiều bố mẹ giai đoạn này đã bắt đầu cho trẻ đọc sách như Raz-kids hay Epics. Nhưng bản thân mình không áp dụng cách này, mình không khuyến khích sử dụng phương tiện điện tử quá nhiều, và muốn dành thời gian nhiều để tương tác, nói chuyện.

Nói tiếng Anh cùng con

Về nói tiếng Anh cùng con, mình chia ra làm hai phương pháp (i) nói chuyện hàng ngày, (ii) kể chuyện cho con.

Nói chuyện hàng ngày

Giai đoạn đó mình áp dụng phương pháp OPOL (one parent one language), mình nói tiếng Anh còn ba bé nói tiếng Việt. Nhờ nói chuyện hàng ngày và xem một số video, mình thấy bé tiếp thu và hiểu được. Trước đó bé hiểu nhưng gần như không nói. Nhưng tầm sau 2 tuổi bé bắt đầu nói được những từ đơn, câu ngắn để trả lời mẹ.

Ngoài ra, mỗi buổi tối bao giờ gia đình mình cũng có Family Time, nghĩa là cả nhà sẽ cùng nói chuyện với nhau về công việc trong ngày, chia sẻ với nhau nghe. Thời gian này không dài, tầm 15 phút thôi, và gia đình mình chọn chia sẻ bằng tiếng Anh. Thông thường mình và ba bé kể chuyện trước. Nếu hôm đó có gì trong ngày của bé mình cùng tham gia thì mình sẽ kể cho ba bé nghe, rồi khuyến khích bé tự nói tự kể. Tùy trình độ của bé mà mình khuyến khích bé nói những gì phù hợp, cái nào khó quá thì mình kể thay. Bé cũng sẽ rất hào hứng để kể chuyện của mình đấy. Chẳng hạn như Today I go to the pool, I swim… Và việc bé nói sai ngữ pháp trong giai đoạn này là bình thường, chủ yếu bé chịu nói vui vẻ là thành công rồi.

Về kể chuyện hàng ngày

Mình nhận ra rằng một đặc trưng của lứa tuổi này là có thể xem đi xem lại 1 video hay 1 cuốn truyện mà bé thích không biết chán. Thế nên, cùng 1 bộ đĩa tiếng Anh mà bé thích, mình cho xem đi xem lại. Đồng thời, vào buổi tối trước khi đi ngủ, thường ba bé sẽ hỏi bé về bộ phim đó. Ba bé chăm xem phim cùng bé, và những lần đầu mới xem thì ba bé sẽ kể lại phim cho bé nghe lại vào buổi tối. Rồi sau đó có những đoạn ba giả vờ kể sai (thường vào những đoạn biết bé có ấn tượng), thế là bé sẽ chỉnh ba không phải như vậy đâu. Được sửa cho ba nên bé cũng rất đắc ý và thích. Giai đoạn tiếp theo là tập cho bé trả lời, phản ứng lại bằng cách đóng vai ví dụ ba là King, Ken sẽ là Jafar…, hai ba con sẽ đối đáp qua lại bằng lời thoại trong phim. Cứ như vậy là bạn đã tập cho bé nói tiếng Anh một cách tự nhiên với ngữ âm và ngữ điệu của người bản xứ rồi.

Việc này cũng không khó lắm đâu, vì những đoạn phim mà bé xem chỉ tầm 5-10 phút hàng ngày. Quan trọng lúc xem bạn phải tập trung và chia sẻ cảm xúc với bé, nhớ lời thoại và tình tiết để tối kể lại cho bé nghe nhé. Bảo đảm bạn sẽ nhận kết quả xứng đáng, không chỉ là tiến bộ về ngôn ngữ của con mà bé còn sẽ yêu bạn thật nhiều đấy. Có bố/mẹ chia sẻ sở thích với mình thì còn gì bằng nữa.

Chơi cùng con bằng tiếng Anh

Để nâng cao vốn từ vựng và giúp bé cảm thấy gần gũi với tiếng Anh hơn, mình chọn cách chơi cùng con bằng tiếng Anh. Việc này cũng đơn giản thôi, ví dụ như bạn dạy bé gấp quần áo, chơi thủ công cắt dán, gấp giấy với bé… tất cả bằng tiếng Anh. Mình hay lên mạng xem những trò chơi nào phù hợp với bé độ tuổi từ 2 đến 3 tuổi mà các mẹ bản xứ hay chơi với con, chọn những trò đơn giản mình có thể làm được và chơi với bé.

Một số trang mình hay vào xem như:

+ Learning4kids

+ Toddler-activities

Sử dụng flashcard

Một cách để chơi với bé và nâng cao từ vựng nữa là sử dụng flashcard. Mình đi nhà sách mua một số flashcard theo chủ đề màu sắc, số, chữ cái, vật dụng trong nhà, động vật, hoa… những chủ đề cơ bản để cùng chơi và dạy bé. Hiện nay, mình thấy các bố mẹ có khuynh hướng cho xem trên YOUTUBE luôn để bé nghe được phát âm chuẩn. Nhưng nếu bạn không thích bé xem ti vi quá nhiều giai đoạn này như mình, flashcard cũng là một giải pháp thay thế.

Học từ vựng

Học từ vựng theo chủ đề

Picture Dictionary

World of Knowledge

Oxford Picture Dictionary

Đọc sách cho bé nghe

Trước khi đi ngủ, hoặc bất cứ giờ nào trong ngày mình rảnh, mình sẽ đọc sách cùng bé. Những cuốn sách mình đọc giai đoạn này bao gồm:

Các cuốn sách của tác giả Eric Carle như:
+ The Very Hungry Caterpillar,
+ Numbers,
+ Colours,
+ Words,
+ Animal Sounds,
+ Brown Bear, Brown Bear, What do you see?
+ Pancakes, Pancakes!
+ Rooster’s Off to See the World
+ The Very Busy Spider
+ Polar Bear, Polar Bear, What do you hear?

Ngoài ra còn nhiều sách khác, giai đoạn này mình thiên về chọn sách ít chữ, hình vẽ ngộ nghĩnh đáng yêu.

Playdate

Vì bé không học trường quốc tế, nên việc chỉ giao tiếp với mẹ ở nhà cũng sẽ khiến bé không có động lực nói tiếng Anh lắm là điều mình lo lắng. Nên mình lên chiến lược kết giao với các bạn người nước ngoài nói tiếng Anh có con cùng độ tuổi. Thật may là khu mình sống có một số gia đình nước ngoài như thế. Sau một thời gian thì các bé kết bạn được với nhau, khi thấy các bạn nói tiếng Anh, bé cũng hiểu và tham gia chơi cùng, chứ không hề ngại ngùng gì cả. Sau một thời gian tự nhiên bé cũng phản xạ nói tiếng Anh tốt hơn.

Bạn cũng có thể cho bé tham gia vào các lớp dạy tiếng Anh ở độ tuổi này để tạo môi trường nói tiếng Anh cho bé, nếu khu vực bạn sống không có các gia đình nói tiếng Anh.

Sau khi phối hợp các phương pháp trên đây, bạn sẽ thấy bé từ từ nắm vững một số từ vựng cơ bản của lứa tuổi, biết phản xạ và trao đổi bằng tiếng Anh trong gia đình, khi gặp người nước ngoài giao tiếp bằng tiếng Anh bé sẽ không ngại ngùng trả lời và đặt câu hỏi, có thể chơi và giao tiếp tốt với các bạn nước ngoài. Vậy đã được xem là thành công bước đầu rồi nhé. Sau đó mình cùng nghiên cứu xem giai đoạn 3-5 tuổi mình sẽ hướng dẫn bé giỏi tiếng Anh hơn như thế nào?

Hy vọng bài viết chia sẻ này của mình giúp ích phần nào cho các bạn. Nếu có gì thắc mắc, các bạn để lại comment ở dưới, kvbro sẽ cố gắng giải đáp.

 

Đánh giá bài viết: Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản

Exit mobile version