GIÚP TRẺ HÒA NHẬP KHI CHUYỂN SANG MÔI TRƯỜNG MỚI – NHẬT BẢN

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (21 votes, average: 4.95 out of 5)

Loading...

Ngày càng có nhiều gia đình chuyển sang sinh sống tại Nhật khi con trẻ đã vào một độ tuổi nhất định. Chuyển sang nước ngoài sinh sống thực sự là một thách thức nhưng chuyển sang nước ngoài sinh sống với trẻ em có thể xem là một bài kiểm tra thậm chí cho những gia đình mạnh mẽ nhất. Khi đó điều bố mẹ lo lắng nhất là làm cách nào giúp bé thích nghi nhanh nhất về cả ngôn ngữ và văn hóa khi bé còn chưa biết tí tiếng Nhật nào.  Gia đình mình cũng rơi vào hoàn cảnh đó, khi mình và anh xã quyết định chuyển từ Việt Nam sang Nhật khi Ken nhà mình được 4 tuổi 9 tháng. Khi đó do vài lý do, anh xã mình chưa sang ngay được, và mình đã chiến đấu như “mẹ đơn thân” đi làm toàn thời gian khoảng 4 tháng. Đến nay mình cảm thấy rất an tâm về Ken, chàng ấy thích đi học và được bạn bè yêu mến. Vây, chúng mình đã vượt qua giai đoạn ấy như thế nào?

Contents

Thông báo thông tin cho bé

Ngay sau khi quyết định, vợ chồng mình đã thông báo ngay tin tức này cho bé. Mình nghĩ rằng xây dựng cho bé một hình ảnh tích cực về nơi bé sẽ đến quan trọng, và bé sẽ có những chuẩn bị tâm lý nhất định, dù bé ở độ tuổi nào. Mình cố tạo cho bé cảm giác đó là một điểm đến thú vị như đi du lịch hay nghỉ dưỡng, có nhiều công viên, sở thú, trò chơi hấp dẫn và nhiều bạn bè mới. Mình có mở những bài hát tiếng Nhật hay vài video giới thiệu về Nhật Bản cho bé xem. Mình nghĩ rằng điều này tạo cho bé “sự mong đợi” được đến nơi ở mới.

Mình cũng có giải thích cho bé tại sao gia đình mình phải chuyển đi, mà không ở Việt Nam nữa. Bé cũng cần biết được nguyên nhân này. Điều này giúp bé điều chỉnh tâm lý trước những lời bàn tán của người xung quanh, hoặc hiểu được tại sao bé lại phải xa môi trường quen thuộc có bạn bè và người thân yêu. Bé càng lớn tuổi, mình nghĩ điều này càng quan trọng. Và nếu có lo lắng hay quan ngại gì về việc sẽ chuyển đi, mình nghĩ rằng không nên nói điều đó với bé hoặc trước mặt bé.

Bé nhà mình lúc đó còn nhỏ tuổi, nên cũng không thắc mắc nhiều. Nhưng mình nghĩ với các bé lớn tuổi hơn đang học cấp 1 hoặc cấp 2, bố mẹ nên đặt câu hỏi và trao đổi về cảm xúc của bé, cả tích cực và tiêu cực. Nếu bạn không biết trả lời cho câu hỏi đó, đó cũng là cơ hội để cả gia đình cùng nhau tìm hiểu về Nhật Bản.

Ngôn ngữ mới – Tiếng Nhật

Mặc dù các bé có thể không muốn thay đổi lúc ban đầu, nhưng bảo đảm các bé sẽ hòa nhập nhanh hơn cả bố mẹ và thường thích ứng được với những trải nghiệm và môi trường mới. Bé được cho đi học ở trường Nhật  sẽ thông thạo tiếng Nhật nhanh hơn cả bố mẹ (nếu bố mẹ không giỏi tiếng Nhật lắm). Và khả năng học hỏi nhanh nhạy này sẽ giúp bé xóa bỏ một trong những rào cản chính để thích nghi với môi trường mới.

Nếu bé biết một chút tiếng Nhật trước khi đến Nhật thì càng thuận lợi hơn. Ngay sau khi quyết định, mình đã nhờ một em sinh viên của mình đến dạy cho Ken tuần vài buổi, mặc dù chỉ là mấy câu đơn giản; nhưng mình nghĩ điều đó giúp bé không ít trong một tháng đầu tiên để bé không bỡ ngỡ và sợ hãi. Bố mẹ có thể cân nhắc đến gia sư, nghe nhạc, xem phim như mình, các lớp học hay chương trinh online cho các bé lớn tuổi hơn. Bất kỳ sự chuẩn bị nào trước đó mà bạn có thế cung cấp cho bé đều giúp bé rất nhiều.

Sao thức ăn kỳ quá chừng?!!

Mình thấy rất may mắn Nhật Bản là một nước Châu Á có đồ ăn phong phú, ngon và tốt cho sức khỏe; lại khá hợp khẩu vị người Việt nữa. Tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi trường hợp một số bé khó ăn, hoặc chưa hợp khẩu vị ngay, bố mẹ nên kiểm tra một số nhà hàng xung quanh nơi mình định đến bán món Việt hoặc Trung Quốc; đối với các món bé thích thì mang gia vị theo để nấu. Khi ở Việt Nam, có thể nấu cho bé ăn một số món Nhật hoặc đưa bé đi nhà hàng Nhật để trải nghiệm khẩu vị mới.

Culture-Shock

Để tránh những cú sốc văn hóa cho bé, việc trang bị những kiến thức về văn hóa Nhật Bản rất quan trọng, đặc biệt là các bé lớn từ cấp 1. Bố mẹ có thể tự cung cấp một số thông tin về văn hóa Nhật; hoặc thông qua các sự kiện văn hóa, trình diễn về Nhật tại Việt Nam, hoặc thông qua các phim tài liệu hoặc chương trình du lịch online.

Mục tiêu của việc này là làm giảm đi sự “khác lạ” khi ở trong một môi trường mới, bé sẽ quen với cách chào hỏi, cách kết bạn, hay thể hiện thái độ của người Nhật… giúp em đỡ bỡ ngỡ và không quá “nhạy cảm” khi đang từ một môi trường thân thiện, cởi mở như ở Việt Nam.

Chuẩn bị tác phong, ăn mặc

Việc chuẩn bị cho bé tác phong, ăn mặc để tạo hình ảnh và giữ gìn sức khỏe cũng rất quan trọng. Mình thấy việc ăn mặc ở Việt Nam khá khác Nhật Bản, đặc biệt nếu bạn đến từ miền Nam nơi không có mùa đông như mình. Ngay cả ở miền Bắc, vào mùa hè các bé vẫn hay mang dép hoặc sandal cho mát, nhưng bên Nhật kể cả mùa hè do nhu cầu đi lại nhiều, chạy chơi công viên, các bé đều được cho mang vớ và giày thể thao. Hay như bên này từ bé các bạn đã mặc quần áo lót, kể cả vào mùa hè; nên ban đầu mình cũng không biết và hay bị quên đấy. Hoặc như bên Việt Nam thích các bé mặc đồ rộng cho thoải mái, nhưng bên này các bạn đều mặc ôm người hết. Mà mình thấy thế lại đẹp, trông dáng cao hơn và tiết kiệm bao nhiêu. Bạn có thể tập cho bé trước khi ở Việt Nam, và giải thích tại sao phải làm vậy.

Hơn nữa, ở Việt Nam hay chiều các bé, chẳng hạn giúp bé mặc quần áo, bạn hãy cho xem các video các bé ở Nhật tự mặc quần áo, tự mang vớ, mang giày, tự xách balo đi học; và chuẩn bị tinh thần rằng bé phải tự lập. Việc này không chỉ giúp bé không bị gặp rắc rối khi ở trường, cảm thấy mình khác chúng bạn; mà còn giúp con không cảm thấy bố mẹ “không yêu” bé nữa từ khi chuyển sang Nhất nha.

Một điều đáng lưu ý để tiết kiệm chi phí ăn mặc, nếu bạn có bạn bè, người thân bên Nhật có thể nhờ vả được. Hãy nhờ họ sắm một ít quần áo trái mùa đang sale để tiết kiệm chi phí. Ví dụ, nếu bạn sang Nhật tháng 9, hãy nhờ sắm một ít quần áo mùa thu đông xuân từ tháng 4-5 (nếu có thể), mùa hè vào tháng 7-8; những quần áo được sắm sửa “tính trước” như này sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều chi phí cho năm tiếp theo tại Nhật. Bạn chỉ cần vào trang web của các trang bán quần áo, giày dép nổi tiếng như Uniqlo, Gap, H&M, Locondo, Forever 21 và gửi link cho bạn bè nhờ họ nhé. Không chỉ đồ cho bé đâu, đồ cho cả gia đình đấy, bởi cách ăn mặc bên này cũng hơi khác Việt Nam mà.

Chuẩn bị chuyển đi

Đương nhiên khi chuyển đi, bạn không thể mang tất cả mọi thứ, hãy cho phép bé tham gia vào việc bé muốn mang gì theo. Chẳng hạn như sách vở hay đồ chơi. Mình cho Ken mang theo 2 món đồ chơi và một ít sách bé thích nhất. Ngoài ra, đương nhiên mình chừa 1 phần để mang theo khá nhiều sách tiếng Việt do mình lựa chọn để mang sang dạy bé học tiếng Việt. Đối với bé lớn tuổi hơn, việc này còn quan trọng hơn nhiều, giúp bé tham gia vào việc chuyển nhà tích cực hơn.

text.

Trường học mới

Nếu bố mẹ có thể thu xếp được trường học trước khi bé đến Nhật, bố mẹ có thể trao đổi thông tin về trường với bé, cho bé xem hình ảnh về trường. Vào trường hợp của mình, khi đến Nhật mình mới đăng ký trường, và phải 1,5 tháng sau bé mới được đi học. Đi lại lên quận (kuyakusho) hoặc trực tiếp đến trường mình đều phải mang bé theo, nên bé đã có hình dung. Thật vui là ngay ngày đầu tiên đến trường để trao đổi về việc mua đồng phục, bé được các thầy cô cho vào chơi cùng các bạn và hòa nhập được ngay, tuy không nói được chữ tiếng Nhật nào nhưng chạy nhảy, vui đùa ngay cùng các bạn. Ngay hôm sau đòi đi học tiếp và không chịu hiểu là mình phải đợi gần tháng nữa mới được đi học cơ. Hơn 1 tháng ở nhà với mẹ là thời gian “hơi chán” với Ken vì mẹ bận làm việc (phải xin công ty làm việc tại nhà), nên bạn ấy mong được đi học lắm luôn.

Khi bé vào học, bố mẹ hãy quan tâm hỏi han về việc học tập và kết bạn của con. Đôi khi bố mẹ cũng còn nhiều nỗi ưu tư khác, nhưng sự thấu hiểu và động viên kịp thời sẽ giúp bé nhiều lắm đấy!

Kết bạn mới

Tạo mọi cơ hội để bé kết bạn, không chỉ bạn Nhật mà còn bạn Việt và bạn nước ngoài. Càng có nhiều bạn bé càng thấy vui, và không lạc lõng. Hãy tạo cho bé một môi trường đa văn hóa, để bé tiếp cận môi trường mới dễ hơn, và không bị stress khi mình chưa hòa nhập được môi trường mới ngay lập tức.

Sự chủ động của bố mẹ sẽ giúp đỡ bé rất nhiều. Các cách mà mình sử dụng bao gồm:

(i) rủ mẹ của các bạn Ken cho đi chơi công viên cùng nhau

(ii) nếu nhà rộng rãi, có thể mời bạn đến nhà chơi, và nấu món Việt

(iii) nếu có thể tranh thủ, hay đi ăn trưa với mẹ các bạn cùng lớp, càng kết thân với họ, con bạn càng dễ được quan tâm ở lớp hơn

(iv) cho bé tham gia các lớp năng khiếu như ngôn ngữ, âm nhạc và thể thao, giúp mở rộng môi trường bạn bè; trường hợp của Ken, mình cho bé tham gia lớp tiếng Việt của trường Việt ngữ Tokyo, học violin và học bơi

(v) tham gia các sự kiện ở trường dù bạn có bận rộn như thế nào. Bố mẹ mở rộng mối quan hệ của mình sẽ giúp bé mở rộng vòng tròn bạn bè của bé.

※Lưu ý: Người Nhật cũng khá nhìn bề ngoài. Nên giai đoạn đầu, dù bạn đơn giản đến đâu, hãy cố gắng cho bé ăn mặc gọn gàng, sạch đẹp, đặc biệt là không nên mặc đồ ngủ ra ngoài đường. Ngay cả bố mẹ khi đến đón con cũng nên trông chỉnh chu, gọn gàng. Khi mình đến đón con dù phi từ công ty về mệt lắm, nhưng đến gần trường cố bôi tí son vào trông cho tươi tỉnh và luôn nở nụ cười trên môi. Ngoài ra, nếu có thế mạnh gì hãy thể hiện ra để “thu hút” hơn, chẳng hạn như Ken nói được tiếng Anh nên mình hay trao đổi bằng tiếng Anh với Ken khi đón bé, các bạn của bé và cả phụ huynh đều tỏ vẻ thích thú.

Trải nghiệm cùng nhau

Trong tuần chắc chắn bố mẹ sẽ rất bận rộn, đặc biệt giai đoạn mới chuyển sang nơi mới; nhưng hãy cố gắng để thu xếp thời gian cho con. Điều đó không chỉ giúp con mà còn giúp bố mẹ cân bằng lại bản thân đấy. Vào cuối tuần, hãy tổ chức các sự kiện cùng nhau, như đi chơi 1 công viên mới cùng với bạn bè, tham quan một nơi mới, thưởng thức một món ăn mới, tham gia một sự kiện lễ hội trong vùng. Ở đâu chứ riêng ở Nhật thì không thiếu những điều mới mẻ để khám phá, bạn sẽ thấy rồi phải chọn sự kiện để đi đấy vì quá nhiều.

Happy parents, happy kids!

Giai đoạn bận rộn ban đầu với thử thách mới, công việc mới và những nỗi lo toan sẽ khiến bố mẹ kiệt sức cả về tinh thần và sức lực. Cuộc sống ở Nhật khác Việt Nam khi bố mẹ vào tự lo từ A đến Z, không có ông bà giúp đỡ, không có giúp việc và việc nhờ vả ai đấy 1 tí là khó vô cùng. Chính vì vậy đây là giai đoạn khó khăn, khiến bố mẹ  nhiều khi quên mất phải kiên nhẫn với con. Mình cũng có những lúc yêu cầu Ken phải thế này thế nọ, và mình hối hận vô cùng. Bé quá nhỏ để chịu những stress của bố mẹ, và phải cư xử như một “người lớn hiểu chuyện”. Hãy cố gắng hết sức có thể để nhẹ nhàng với bé, và từ bỏ một số nguyên tắc nhất định nào đó để cuộc sống dễ chịu hơn lúc ban đầu. Cần nhấn mạnh rằng bố mẹ hòa nhập thì con mới hòa nhập được.

Trên đây là một số tips của mình. Các bạn có những tips nào khác hiệu quả không? Hãy cùng chia sẻ với KVBro và những người bạn nhé.

 

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (21 votes, average: 4.95 out of 5)

Loading...

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản

KVBro - Nhịp sống Nhật Bản

Cám ơn các bạn đã ghé thăm trang web của KVBRO-Nhịp sống Nhật Bản. Xin vui lòng không đăng lại nội dung của trang web này nếu bạn chưa liên lạc với chúng tôi.