Site icon KVBro

ĐỒNG HÀNH CÙNG CON 6-8 TUỔI THI EIKEN 2 KYU

Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

Sau khi mình chia sẻ bài viết ĐỒNG HÀNH CÙNG CON HỌC TIẾNG ANH TẠI NHÀ TỪ 6-8 TUỔI ĐẠT TRÌNH ĐỘ B1, mình có nhận được nhiều inbox hỏi thăm cụ thể hơn về cách để luyện thi Eiken trình độ 2 kyu. Như các bạn đã biết, Eiken 2 kyu được đánh giá tương đương với trình B1 khung tham chiếu Châu Âu CEFR. Tuy nhiên, để thi được Eiken thì các mẹ vẫn có một số thắc mắc nhất định, nên hôm nay mình viết bài này chia sẻ kỹ hơn xíu vềtrợ giúp bé về kiến thức và kỹ năng để đạt được trình độ B1 và đậu Eiken 2 kyu. Mình cũng sẽ bổ sung phần giới thiệu 1 số sách để đạt trình độ B1 dù các bạn không học theo kiểu homeschooling như bài viết trước của mình. Đặc biệt, với việc số trường đưa môn tiếng Anh vào thành môn thi chính thức đã tăng lên, có lẽ nhiều bố mẹ sẽ quan tâm hơn đến việc thi bằng Eiken để con được điểm cộng hoặc là lợi thế để thi vào một số trường cấp 2-3 tốt.

Trên thực tế, mình chỉ mua sách và cho con tập làm đề để quen với dạng bài tầm 1 tháng trước khi thi. Có thể nói thời gian luyện đề như vậy là khá ngắn, vì bé còn bận nhiều việc học khác. Mình nghĩ các bạn nên cho bé làm quen với dạng đề lâu hơn 1 xíu từ 2-3 tháng trước khi thi. Với mình thì mình chỉ cho bé thi thử để biết trình độ như nào, cũng không quan trọng bé đạt điểm cao; bởi vì trong quá trình đồng hành cùng con mình cũng đã nắm được con mạnh và yếu chỗ nào. Chính vì vậy, nếu bạn muốn bé thi Eiken 2 kyu thì hãy xem qua một số đề để nắm được level của trình độ này và so sánh tương quan với trình độ của bé, mỗi bé có điểm mạnh, điểm yếu riêng, nên bố mẹ có thể cân nhắc để tập trung nâng cao điểm yếu cho bé đạt được mục đích đậu kỳ thi Eiken.

Mình xin review một chút quan điểm cá nhân của mình về level Eiken 2 kyu. Tuy quy chiếu Eiken 2 kyu tương đương với trình độ B1 khung tham chiếu Châu Âu CEFR, bản thân mình thấy rằng về reading có thể nói là lượng từ vựng tương đương, hoặc khó hơn 1 xíu, nhưng yêu cầu về speaking không quá cao chắc vì thiết kế cho người Nhật không giỏi về nói, bài nghe cũng vừa phải, trình độ viết cũng cơ bản, theo khung mẫu là qua, đạt điểm cao thì con chỉ cần sử dụng từ đẹp, hay.

Contents

PHẦN ĐỌC HIỂU

Chắc các bạn nghĩ rằng mình phải theo sát bé lắm thì mới đạt được kết quả như vậy, nhưng thực sự mình chỉ đồng hành lúc học là nhiều. Còn lúc thi thì trước 1 tháng cho tự làm đề để hiểu cách làm bài thôi.

Ở phần Từ vựng và Ngữ pháp (大門1), phần này khá đơn giản, về cơ bản bé đã học trong suốt quá trình hơn 1 năm như mình miêu tả trong bài ĐỒNG HÀNH CÙNG CON HỌC TIẾNG ANH TẠI NHÀ TỪ 6-8 TUỔI ĐẠT TRÌNH ĐỘ B1, kiểu bài này cũng dễ nên thường các bé dễ đạt điểm cao tại phần này. Đối với phần Ngữ pháp, quả thật các bé học kiểu homeschooling theo chương trình Anh – Mỹ sẽ không khá ngữ pháp và hiểu sâu như các bé học English as foreign language hay English as second language, có rất nhiều điểm ngữ pháp bé chưa học qua. Và bản thân mình chấp nhận không đạt điểm ở những câu đó. Tuy nhiên, không phải không biết, chưa học là làm sai hết; mình nhận ra rằng trẻ con nếu đọc sách nhiều thì dù chưa học qua một cách bài bản, bé vẫn có bản năng chọn chính xác câu trả lời đúng trong phần ngữ pháp. Nên phần này điểm của bạn nhỏ nhà mình cũng không quá thấp.  Nếu bạn muốn đạt sự hoàn thiện thì có thể tự dạy thêm 1 số điểm ngữ pháp mà Eiken 2 kyuu yêu cầu.

Ở phần Bài đọc dài (大門2), đây mới là phần khó cho các bạn nhỏ nè. Vì nội dung sẽ xoay quanh các vấn đề về văn hóa – xã hội, khoa học – kỹ thuật, e-mail, y tế, sức khỏe, tự nhiên, động thực vật… Đương nhiên, các nội dung khó nhất sẽ là các vấn đề văn hóa – xã hội, khoa học – kỹ thuật và y tế, sức khỏe. Các vấn đề về tự nhiên, động thực vật khá dễ hiểu về mặt nội hàm với bạn nhỏ 8 tuổi, và có thể được học qua trong các bài khoa học xã hội từ lớp 2-3; nếu nội dung chưa được học qua thì vẫn có thể hiểu được. Tuy nhiên, các phần về xã hội- kỹ thuật  rất là khó luôn, chẳng hạn như các vấn đề về kết nối xã hội, bệnh trầm cảm của người lớn, khuynh hướng chọn nghề nghiệp, vệ tinh, phẫu thuật cấy ghép… Bởi vì không thể hiểu được về mặt bản chất của vấn đề, nên bé rất khó chọn câu trả lời đúng, đặc biệt là câu hỏi tổng hợp nội dung chính (main idea) của bài đọc. Phần này mình chấp nhận hên xui luôn đó, có những vấn đề không thể ép con học sớm được và không cần thiết phải như vậy. Nếu bạn muốn cải thiện phần này thì cho xem nhiều phim tài liệu hoặc là đọc nhiều sách non-fiction thì có lẽ bé sẽ có kiến thức và kỹ năng tốt hơn khi làm bài.

Đối với phần email thì mình chỉ hướng dẫn bé hiểu cấu trúc của một email. Còn về nội dung đọc hiểu thì tùy theo trình độ năng lực của bé tự làm.

Mình giới thiệu một số bộ sách như sau:

+ Great Grammar
+ Fundamentals of English Grammar
+ Reading Explorer
+ Grammar & Punctuation
+ Daily Warm-up Reading
+ Evan Moore Reading Comprehension

Các bạn cân nhắc chọn theo 1 bộ cho một chủ đề thôi không cần mất thời gian dàn trải và làm đủ các bộ sách.

PHẦN VIẾT LUẬN

Đối với phần viết luận, chủ đề sẽ xoay quanh các vấn đề xã hội cơ bản, nhưng không có nghĩa là không có chủ đề khó. Khó ở đây vẫn như phân tích bên trên là khó đối với sự hiểu biết của đứa trẻ 8 tuổi. Chẳng hạn như chủ đề khuynh hướng xin việc làm của giới trẻ vào các công ty lớn, bé nhà mình gặp chủ đề này khi làm bài thi và điểm viết chỉ ở mức bình thường. Mình có hỏi bé viết gì thì theo câu trả lời mình hiểu bé vẫn giữ được parem yêu cầu của 1 bài viết luận, chỉ có điều lý do đưa ra rất là con nít. Đọc bài chắc chắn giám khảo chấm biết luôn, nhưng nếu chấm dưới góc độ đúng chính tả, ngữ pháp, đúng cấu trúc một bài luận thì thể nào cũng đủ điểm qua.

Về cấu trúc của bài essay Eiken 2 yêu cầu khá đơn giản như sau:

+ Mở bài: “In my opinion, “the matter in the question” is/is not good.” hoặc “I agree/disagree that …” Chủ yếu ở câu này khẳng định quan điểm của mình là ủng hộ hay phản đối ý kiến được đưa ra trong đề bài.
+ Thân bài: Ít nhất nêu lên 2 lý do để bảo vệ quan điểm của mình. Sử dụng từ nối đơn giản, Firstly, Secondly, First of all, Also,  Moreover, In addition, Additionally, Another reason is… Mình chỉ dặn bé với mỗi lý do cần phân tích kéo ra thành 4-5 câu là được.
+ Kết luận: Bé cần nhớ câu kết luận cho vấn đề như “From the above-mentioned reasons, I think/ agree that…”, “These reasons make me think”, “In conclusion, I believe”… sau đó là lập lại ý kiến ở câu mở bài.

Vậy với tầm 1 tháng mình luyện bé viết như nào? Thực ra là không có thời gian luyện viết luôn. Kỹ năng viết cơ bản thì đã học cả năm thông qua những bài học từ Language Arts đến Khoa học và Khoa học xã hội rồi. Nên để thi Eiken, mình chỉ yêu cầu bé nhớ cấu trúc như trên. Thường trước khi thi tầm 3 ngày thì mỗi ngày mình đều chọn vài chủ đề nào đó mà mình tìm thấy trên mạng để rèn bé nhớ cấu trúc này. Vì không có thời gian nên sẽ KHÔNG LUYỆN VIẾT mà LUYỆN NÓI. Mình đưa ra đề bài, và bé nói cho mình nghe ý kiến của mình. Mục tiêu chủ yếu là để bé nhớ cấu trúc bài essay, ngoài ra với những chủ đề khó ngoài kiến thức của bé thì mình cũng tranh thủ giải thích thêm.

Bạn có thể tham khảo một số topic về viết ở 【英検2級ライティング予想問題】バイリンガル講師による模範解答付き! | ESL club

Cách làm này phù hợp với gia đình mình vì bé không phải là bé thích viết những chủ đề non-fiction, dù bé rất thích viết linh tinh, sáng tác truyện. Cách làm này bé sẽ không thấy căng thẳng và chán vì ngồi viết mất thời gian lắm. Nói chuyện thì bé thấy thoải mái hơn và mình cũng trao đổi được nhiều vấn đề hơn, nhất là đối với chủ đề khó ngoài hiểu biết của bé, mình có thể trao đổi cung cấp thêm kiến thức cho con. Ít nhất là mình thấy hiệu quả ở góc độ bé hiểu một bài essay cấu trúc cơ bản như thế nào. Còn để đạt trình độ viết essay siêu chuẩn và hay thì mình chưa yêu cầu bé trong giai đoạn này, mình nghĩ hạn chế về độ tuổi không cần thiết phải quá căng thẳng. Tùy yêu cầu của bố mẹ, các bạn có thể áp dụng phương pháp phù hợp tùy theo lứa tuổi và trình độ của con.

Mình giới thiệu 1 số bộ sách như sau:

+ Great Writing
+ Evan Moore Writing
+ Write Right

PHẦN NGHE

Đây là phần mình ít lo nhất, mình chỉ cho bé làm đúng 1 bài mẫu để nhớ dạng đề. Còn lại quá trình luyện nghe bé đã học cả quá trình trước đó thông qua xem phim, phim tài liệu, các chương trình khoa học… Cứ cho xem nhiều thì trình độ nghe của con tăng tự nhiên. Đương nhiên bé nhà mình cũng không làm đúng hết được, chẳng hạn như không tập trung. Nhưng mất điểm nhiều nhất vẫn là chủ đề hơi khó hiểu, chẳng hạn như bé không hiểu vấn đề ẩn ý sau câu nói. Nhưng may là đề thi Eiken 2 các chủ đề phần nghe vẫn xoay quanh những vấn đề giao tiếp cơ bản và những vấn đề xã hội đơn giản nên bé vẫn hiểu được và đây là phần kéo điểm của toàn bộ bài thi.

NHỮNG BỘ PHIM TÀI LIỆU SẼ LÀM THAY ĐỔI CÁCH TRẺ NHÌN NHẬN VỀ THẾ GIỚI – KVBro – Nhịp Sống Nhật Bản

MỘT BỘ PHIM TÀI LIỆU CỦA NETFLIX VỀ ĐẠI DỊCH CẢM CÚM – “PANDEMIC – HOW TO PREVENT AN OUTBREAK” – ĐÃ TIÊN ĐOÁN VỀ ĐẠI DỊCH TOÀN CẦU – KVBro – Nhịp Sống Nhật Bản

CÁC TRANG YOUTUBE HAY VỀ KHOA HỌC – KVBro – Nhịp Sống Nhật Bản

MỘT SỐ CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC HAY CHO TRẺ TIỂU HỌC TRÊN NETFLIX VÀ AMAZON – KVBro – Nhịp Sống Nhật Bản

MỘT SỐ PHIM TÀI LIỆU HAY VỀ MÔI TRƯỜNG TRÊN NETFLIX – KVBro – Nhịp Sống Nhật Bản

PHẦN THI NÓI

Phần kỹ năng nói của Eiken yêu cầu cũng không quá cao, chỉ cần bé nghe hiểu và trả lời được. Bài thi mẫu như này Sample-2ji-2kyu.pdf (eiken.or.jp),  bạn có thể mua sách luyện thi Eiken để thực hành theo cách thi này. Về cơ bản, phần này là sự linh hoạt của bé, chỉ cần bé hiểu cách làm, thì tùy nội dung đề bài mà trả lời thôi. Nên mình cũng không mất thời gian cho kỹ năng này, tầm 2-3 ngày trước khi thi mình mới luyện sơ qua 2-3 lần cho bé nhớ. Về cơ bản, nếu bé đã đạt đủ trình độ thì bé đều xử lý được tình huống đặt ra.

Bạn có thể tham khảo một số chủ đề ở 英検2級スピーキング予想問題(2021.6.19更新) | weknow by Interstate.

KẾT LUẬN

Việc luyện thi của mình chỉ đơn giản như vậy thôi. Như đã thể hiện ở nhiều bài viết khác, quan điểm của mình là không mất thời gian vào luyện thi để đạt một chứng chỉ nào đó. Ngôn ngữ là công cụ để giao tiếp và học tập kiến thức. Khi mình thấy trình độ của con khá tương đương thì mình cho thi thử để cho bé có động lực cố gắng. Dù đậu hay rớt cũng là điểm để bé có động lực cố gắng học tập. Mình luôn chuẩn bị kế hoạch động viên khi đậu và an ủi khi thi rớt. Vì vậy tùy mục tiêu mà bố mẹ mong muốn trong giai đoạn đó cho bé, lứa tuổi của bé mà thay đổi chiến lược luyện thi cho phù hợp nha. Hy vọng chia sẻ của mình hữu ích với bạn. Chúc bé học vui và thi tốt!

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản

 

 

Exit mobile version