Site icon KVBro

ĐỂ LẠI GÌ CHO CON?

Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

Chắc hẳn nhiều bố mẹ luôn cố gắng làm việc với mong muốn để lại gì cho con, mong muốn con có một cuộc sống tốt hơn.

Bài lược dịch dưới đây là bài viết kinh điển về để lại tài sản cho con như thế nào. Bài gốc đăng tại Tạp chí Fortune từ năm 1986. Các con số đã thay đổi, đa phần là lớn hơn nhiều. Các bạn cùng đọc với KVBro nhé!

*********

Warren Buffett, chủ tịch và nhà đầu tư thiên tài của Berkshire Hathaway. Buffett có ba người con trưởng thành. Ông không tin rằng người khôn ngoan sẽ để lại khối tài sản lớn cho con cháu. Vì thế, ông dành phần lớn tài sản của mình cho các quỹ từ thiện. Không phải Buffett không dành khối tài sản lớn của mình cho các con vì họ lười biếng, chơi bời hay không quan tâm đến việc nhà. Ngược lại, ông nói rằng: “Các con tôi đang định hình mình trong thế giới này và chúng biết tôi sẽ dành cho chúng bất kỳ những gì chúng muốn theo đuổi!” Buffett tin rằng để lại cho con cháu “nguồn cung thực phẩm trọn đời chỉ bởi chúng sinh ra ở đúng nơi” sẽ có thể gây hại cho họ và đây là một “hành động phản xã hội.” Khoản hoàn hảo dành cho con là “đủ để chúng biết rằng có thể làm một điều gì đó nhưng không nhiều đến mức không phải làm gì cả!”

Bạn nên để lại cho con bao nhiêu là đủ?

Câu hỏi này luôn ám ảnh người Mỹ. Đa phần các nơi trên thế giới cũng như pháp luật của họ cho rằng con cái đương nhiên sẽ được nhận phần của cải của cha mẹ khi qua đời trừ khi những người con này phạm lỗi nào đó. Chỉ có ở nước Anh và thuộc địa của đế quốc này cho phép cha mẹ quyền tự do để lại phần tài sản chừng nào theo ý của họ. Nhưng không nơi nào trên thế giới này suy nghĩ về tài sản thừa kế lại mâu thuẫn như tại nước Mỹ. Không quốc gia nào lại ca ngợi những người tay trắng lập nghiệp hay không có nền văn hóa nào lại cho rằng cái thìa bạc dành cho đứa trẻ lại là ma túy cho nó như ở đây. Nói như Curtis L. Carson, ông trùm về du lịch và bất động sản với khối tài sản 700 triệu USD và hai người con gái đã lập gia đình rằng: “Chẳng có điều nào khác ngoài điều mà những người như tôi lại luôn lo lắng là: Chúng ta giữ tiền bạc thế nào để khỏi làm hư lũ trẻ?!”

Hầu hết người Mỹ hiện tại đều giữ tài sản lại cho gia đình. Một khi được thành lập, khối của cải thừa kế sẽ không hề hấn gì nếu không bị tiêu tán. Trong lịch sử nước Mỹ cũng đã có khá nhiều trường hợp tiêu tán tài sản như các gia đình nhà Dodges, Reynoldes và Vanderbilts. Các con trai của ông trùm H. L. Hunt với khối tài sản một thời được định giá 8 tỷ USD đã nộp đơn phá sản cho công ty dầu Placid Oil Co. của cha mình. Trong số 30 người giàu có mà FORTUNE khảo sát, có 6 người nói rằng con cái họ tốt hơn là được ít tài sản thừa kế thôi. Một nửa trong số này chia đôi tài sản cho con cháu và quỹ từ thiện. Luật sư Alexdander Sanger cung cấp con số thống kê thú vị của ông. Trong tổng số 20 di chúc mà Sanger soạn cho những người mới giàu có khối tài sản từ 20 triệu USD, 16 người trong số này nói sẽ dành ít nhất nửa số tài sản của mình cho từ thiện. Nhưng trong 12 người giàu truyền thống, chỉ có một người nói mình sẽ dành phần tương tự cho từ thiện. Các gia đình giàu truyền thống có thói quen giữ tiền trong gia đình.

Nhưng vì sao chúng ta không nên để hết tài sản của mình cho con cháu? Một mặt thì báo chí đã cho thấy lý do vì sao. Đó là những câu chuyện về nghiện ngập, sa đà, thậm chí là giết người v.v. Tòa Pennsylvania tuyên Lewis du Pont Smith, người nhận phần di sản trị giá 1,5 triệu USD của nhà Du Pont, là “không đủ năng lực” để kiểm soát hành vi của mình khi hiến một số tiền lớn cho chính trị gia cực đoan Lyndon H. LaRouche Jr. Còn tòa Florida tuyên Steven Benson, thừa hưởng di sản giá trị 10 triệu USD, mức án 72 năm tù vì hành vi giết mẹ ruột và em nuôi.

TUY NHIÊN, điều thường khiến các doanh nhân và người thành đạt e ngại là khối di sản lớn sẽ khiến con cháu họ chẳng làm điều gì có nghĩa với cuộc đời của mình. Họ tin rằng cháu nội William của tổ phụ Commodore Vanderbilt, người thừa kế di sản trị giá 60 triệu USD vào năm 1885, đã đúng khi nói rằng: “Tài sản thừa kế… là kẻ hủy hoại của mọi hoài bão, y như là cocain hủy hoại nhân phẩm.” Nhà cự phú Curt Carlson nói: “Tôi biết một gia đình cực giàu với 4 thế hệ và 63 người thừa kế ở Minnesota. Nhưng cả 63 người này đều không có công việc gì ra hồn. Tôi nghĩ chuyện đó là không ổn chút nào!” Một triệu phú tự thân thì muốn rằng những người thừa kế của mình sẽ có cuộc đời lao động trước khi được hưởng phần thừa kế. Vì thế, ông lập cho mỗi người con một quỹ ủy thác.

Các quỹ này sẽ không chi bất kỳ một đồng nào cho đến khi người thừa kế bước sang tuổi 30. Cho đến lúc đó, doanh nhân nói ông mong con mình phải sống dựa vào lương tháng giống bạn bè. Các điều khoản của quỹ ủy thác cũng cho phép vị doanh nhân hay người quản lý quỹ ngưng việc cấp tiền trong một số trường hợp nhất định. Doanh nhân này nói: “Tôi phải chắc rằng con mình có làm điều đúng đắn hay không. Nếu nó đến tuổi 30 mà không có nổi một xu giá trị, mọi khoản tiền dành cho nó sẽ chấm dứt!”

KHUYẾN KHÍCH trẻ con nhà giàu trở nên tự lập có thể là điều tốt cho họ. John L. Levy, giám đốc Viện C.G. Jung tại San Francisco đã dành 5 năm để nghiên cứu hệ quả của tài sản thừa kế đối với 30 gia đình. Levy kết luận rằng rất nhiều người trẻ nhận thừa kế cảm thấy “khổ sở và khó xử” vì thiếu tự tin. Ông nói: “Những người trẻ này thật khó mà cảm thấy tự hào với thành quả đạt được vì luôn nghĩ rằng thành công của mình ít nhất có từ tài sản và vị trí mà họ được thừa hưởng.” Để cho người trẻ có thể trưởng thành mà không chịu dưới bóng của cha mẹ họ là lý do chính vì sao người giàu Hoa Kỳ lựa chọn việc trì hoãn hay giới hạn số tài sản trao cho con cái.

Lấy ví dụ là ông Eugene Lang, chủ công ty REFACT Technology Development Corp. với khối tài sản hơn 50 triệu USD. Ông Lang trả học phí cho 3 người con mình cho hết đại học. Khi chúng tốt nghiệp, ông trao cho con một số tiền tượng trưng. Ngoài ra, ông không cho con thêm bất kỳ khoản gì nữa. Ông Lang lý giải rằng: “Tôi nghĩ việc để thừa kế sẽ pha loãng đi động lực mà hầu hết giới trẻ phải có để phát huy năng lực của mình. Tôi muốn dành cho con mình tự do lớn lao trong việc tạo dựng sự nghiệp của riêng chúng!” Ở lứa tuổi 30, các con của ông đã trở thành luật sư, diễn viên và chuyên gia phân tích đầu tư. Họ không nhận được gì từ tài sản của ông Lang. Ông dự định sẽ dành cho vợ mình một khoản “an sinh phù hợp”. Phần còn lại ông tặng một quỹ từ thiện. Ông đã tặng hơn 25 triệu USD cho bệnh viện, trường học và quỹ học bổng cho học sinh khu Harlem. Còn ông Gordon Moore, đồng sáng lập Intel lừng lẫy, thì nhất trí với ý kiến rằng “con cái cần phải có được cảm giác của thành công cho những gì chúng đã nỗ lực!” Moor lập ra hai quỹ nhỏ cho hai người con trai của mình để “cho thằng lớn có thể trả được tiền trả ban đầu khi mua nhà.” Thế thôi! Ông dự định dành mọi tài sản của mình cho từ thiện.

Mặc dù vậy, tâm lý để lại mọi tài sản cho gia đình vẫn tiếp tục là thực tế lớn tại Hoa Kỳ. Ông Jackson T. Stephens, chủ tịch Công ty Stephens Inc., ngân hàng đầu tư lớn nhất nằm ngoài New York, tại Little Rock, Arkansas cho rằng: “Chắc chắn tôi sẽ để hết tiền cho con chứ không làm gì khác. Nếu con tôi muốn trở thành người xé vé, đó là việc của nó. Tôi không thể kiểm soát tương lai. Tôi cũng không thể lo lắng về mọi thứ!” Một số doanh nhân thì lập luận rằng, việc để thừa kế không làm mất đi khả năng lao động. Ngược lại nó tạo ra một mức trần để người con vượt qua cha mẹ mình. Con của Stephens nói rằng: “Tôi nghĩ mình ít nhất phải bằng được ba mình!” Ông chủ bất động sản Larry Lawrence sở hữu tài sản trị giá hơn 200 triệu USD cũng đồng ý với quan niệm này. Ông nói: “Nếu đứa trẻ được dạy dỗ đúng cách, nó sẽ vượt qua cha mẹ nó!”

CHẮC CHẮN những người muốn để lại tài sản cho con mình đều tin rằng giáo dục thích hợp sẽ là bảo đảm tối hậu cho mọi vấn đề của tương lai. Giám đốc điều hành Công ty Washington Post Co., cầm chịch khối tài sản gia đình trị giá 350 triệu USD nói: “Bản năng nói cho tôi rằng mình chỉ cần để lại tài sản cho thế hệ sau và hy vọng rằng, với việc làm này, mình để lại các giá trị cho con như làm thế nào để sử dụng đồng tiền, sống và tiêu chuẩn sống nên như thế nào?” Ngoài ra, một số người giàu có cũng nghĩ rằng việc không dành tiền cho lũ trẻ cũng có thể gây rắc rối. Họ nghĩ rằng: “Nếu bạn là người con và bạn thấy cha mình giàu có nhưng chỉ cho mình một ít tài sản trong số đó, nếu là tôi, tôi sẽ có cảm giác oán giận!”

Con của Warren Buffett là cô Susan, thư ký hành chính cho ban biên tập của tờ U.S. News & World Report và là vợ của một luật sư công tại Washington, thừa nhận rằng quan điểm của cha mình là cứng rắn. Cô nói: “Bố tôi là một trong những người tốt, trung thực và nguyên tắc nhất mà tôi từng biết. Cơ bản là tôi đồng ý với ông nhưng tôi cảm thấy hơi lạ kỳ khi thấy hầu hết cha mẹ đều muốn mua thứ này thứ kia cho con cái. Chúng tôi chỉ cần một ít tiền, ví dụ để sửa cái bếp chứ không phải đi tắm biển 6 tháng. Nhưng bố không cho vì nguyên tắc của ông. Cả đời ông cứ dạy bảo chúng tôi. Vâng, tôi học được nhiều bài học. Nhưng ở điểm nào đó, ông cũng có thể dừng!”

Các bậc cha mẹ không để lại thừa kế cho con không phải vì nguyên tắc như Buffett mà bởi vì họ e rằng con mình có thể mắc sai lầm. Ít ngày trước khi tự sát vào năm 1963, R. E. Turner Jr., cha đẻ của ông trùm đế chế truyền hình Ted Turner, đã bán gấp doanh nghiệp quảng cáo tại Atlanta của mình cho Curt Carlson. Ông Carson, người không biết rằng Turner bố đang có ý định tự sát, nhớ lại rằng: “Ông ấy nói rằng muốn có ít tiền để lại cho vợ khi mình qua đời và mọi thứ ông có là ở doanh nghiệp này. Ông cam đoan nếu con mình, Ted, điều hành doanh nghiệp, cậu con sẽ phá hỏng mọi thứ!” Ít ngày sau cái chết của Turner cha, Carlson nhận được cú điện thoại từ bà quả phụ Florence và cuộc viếng thăm sau đó của Ted, lúc đó 24 tuổi. Bà Florence muốn mua lại công ty còn Ted đã thuyết phục được ông Carlson bán lại. Sau khi mua lại, Ted đã phát triển doanh nghiệp của cha mình với tốc độ chưa từng có.

Việc lập kế hoạch để lại sản nghiệp là rất khó nếu sản nghiệp để lại là cả cơ ngơi kinh doanh gia đình. Hầu hết các doanh nhân không muốn bán đi như Turner cha đã làm. Họ cố giữ lại để thế hệ sau tiếp tục kinh doanh. Nói như Curt Carlson, chủ tập đoàn Carlson Cos. với doanh thu hơn 3 tỷ USD, rằng: “Công ty như đứa con của bạn vậy. Bạn sẽ rất buồn nếu ai đó mua nó và tên bạn biến mất.” Dù vậy, việc để lại công ty cho thế hệ sau không có gì bảo đảm rằng doanh nghiệp sẽ cứ tiếp tục được gia đình điều hành. Bởi vì tranh chấp giứa anh em, gia đình Bingham tại Louisfille đã rao bán đế chế truyền thông. Xáo trộn cũng sẽ xảy ra khi một thành viên gia đình muốn bán phần sở hữu của mình cho người ngoài. Khi đó, những thành viên còn lại sẽ xem đây là hành vi phản bội gia đình.

Cự phú Lester Crown tại Chicaco lo rằng động cơ hám lợi của một thành viên gia đình vào ngày nào đó có thể hủy hoại đế chế ông dựng lên. Đế chế nhà Crown kinh doanh từ vật liệu xây dựng, khách sạn, bất động sản đến sở hữu 23% General Dynamics, một trong những nhà thầu quân sự lớn nhất Hoa Kỳ. Ông nói, trong nhiều năm ông và cha mình là Henry, đã luôn cùng xử lý công việc chung. Họ chia quyền bỏ phiếu và phần sở hữu hữu hạn cho các thân nhân trong gia tộc. Nhưng chính Lester dự đoán rằng: “Có ngày tôi sẽ bị bắn vào đầu vì hành vi này của mình.” Nếu có thể làm lại từ đầu, ông vẫn cứ để các thành viên gia tộc “tận hưởng cuộc sống tươi đẹp” bằng việc lập một quỹ để chia lợi tức với mức cố định cho mọi người. Nhưng quyền kiểm soát công ty chắc chắn “phải ở trong tay của người tham gia điều hành công ty.”

Gia tộc đồ uống Coors tại Colorado giữ sản nghiệp của mình theo cách trên từ năm 1969. Mọi cổ phiếu có quyền biểu quyết được một quỹ nắm giữ. Thành viên tín thác điều hành quỹ phải là người trong gia đình và tham gia điều hành doanh nghiệp. Chủ tịch Bill Coors và là cháu nội của người sáng lập nói: “Chúng tôi giảm thiểu xung đột gia đình bằng cách tập trung việc kiểm soát ở trong tay những người tận tụy trong việc giữ gìn giá trị gia đình nhất!”

Nhưng Warren Buffett lại có quan điểm khác. Ông cho rằng chủ sở hữu công ty không nên tìm cách quản lý công ty mà mình yêu quý trong phạm vi gia đình. Những người không phải thành viên gia đình ông sẽ tiếp tục điều hành Berkshire Hathaway khi Buffett ra đi. Buffett công nhận rằng, đôi khi người thừa kế có thể là ứng viên tốt nhất để điều hành công ty nhưng ông tin rằng với cách tiếp cận này thì điểm hạn chế sẽ chi phối. Buffett nói: “Liệu có ai cho rằng cách tốt nhất để có đội vô địch Olympic là chọn lấy con và cháu của những nhà vô địch 20 năm trước? Cho ai đó một vị trí ân sủng chỉ bởi vì cha ông họ đã có thành tựu nào đó là một điều điên rồ và là phản xã hội vì nó triệt tiêu tính cạnh tranh!”

Buffett đặc biệt ngưỡng mộ cách mà doanh nhân đồng nghiệp ở xứ Omaha là Peter Kiewit giải quyết vấn đề thừa kế. Kiewit đã thu xếp để khi ông qua đời, 40% cổ phần của ông tại công ty xây dựng cực kỳ thành công được bán cho các nhân viên. Khoản tiền thu được từ việc bán cổ phần để dành cho quỹ từ thiện do ông thành lập nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục và dịch vụ xã hội tại quê nhà Nebraska. Kiewit dành khoảng 3% số tài sản trị giá 186 triệu USD cho vợ, con trai Peter Jr. và một số người thân thích. Peter là một luật sư thành đạt đã rất ngạc nhiên vì mình nhận được khoản tiền thừa kế 1,5 triệu USD ở tuổi 53. Ông nói: “Tôi đã được nuôi dạy rằng mình đừng có hy vọng gì và đã tự nuôi mình cả cuộc đời. Cuối cùng, tôi nghĩ ba tôi đã nói từ dưới mồ rằng ông ấy đồng ý [cho tôi khoản đó].”

CÂU HỎI RẰNG ĐỂ LẠI CHO CON BAO NHIÊU trong các gia đình giàu có và thậm chí cả các gia đình ít điều kiện hơn, là vấn đề mang nặng tính chủ quan. Tuy nhiên, bạn đọc cần lưu tâm một số điểm dưới đây.

Thứ nhất là đừng nên chơi trò trốn tìm. Hãy quên đi cái việc giấu biệt di chúc như những kẻ hà tiện làm vào thế kỷ 17 mà nên công khai vấn đề tài chính với con cái để chúng hiểu rằng chúng sẽ có gì và từ nguồn nào cùng ít nhiều tư duy làm thế nào để giữ số của cải này. Đương nhiên con cái cũng cần được hiểu rằng chúng có thể không được nhận xu nào.

John Train từ công ty đầu tư chuyên phục vụ các gia đình giàu có cho rằng, nói chuyện về tiền bạc cũng giống như nói chuyện về giới tính, nên càng sớm càng tốt. Cựu Bộ trưởng ngân khố William Simon, người đã kiếm nhiều triệu USD trong các thương vụ M&A nói rằng tại một trong những cuộc họp thường kỳ của gia đình, 7 đứa con ông phải đọc và bình luận về bài viết “The Gospel of Wealth” (Sách Phúc Âm của Của Cải) của ôm trùm luyện kim thế kỷ 19 là Andrew Carnegie.

Mặc dù con của Eugene Lang không thừa hưởng gì từ cha mẹ, họ cùng cha mẹ của mình lại là những thành viên tín thác của quỹ từ thiện, cùng quyết xem sẽ chi tiêu cho mục nào. Đương nhiên không phải là cần bao nhiêu cuộc chuyện trò gia đình để bảo đảm rằng đám con cái sẽ không tệ như Tommy Manville, người được thừa kế đế chế a-mi-ăng với 13 cuộc hôn nhân và nhiều triệu USD hoang phí hay Huntington Hartford của đế chế A&P đã mất 90 triệu USD trong những phi vụ kém cỏi của mình. Nhưng những buổi trò chuyện gia đình sẽ ít nhiều có ích. Hãy gác lại cái thìa bạc. Các nhà tâm lý học nói rằng việc thiếu trải nghiệm làm việc không chỉ làm những đứa trẻ sử dụng thìa bạc bị tách biệt với xã hội mà còn khiến chúng không có khả năng tồn tại nếu không còn của thừa kế.

H. Ross Perot, tỷ phú Texas nói thế này: “Nếu con bạn được nuôi nấng ở miền đất thần tiên, nghĩ chúng là các hoàng tử hay công chúa thì bạn đang đặt một lời nguyền lên đời chúng!” T. Boone Pickens Jr., chủ tịch của Mesa Petrolemu, nhớ rằng mình đã được nuôi dưỡng trong một gia đình trung lưu ở mức cao nhất mà một cậu bé có thể có. Khi tốt nghiệp đại học, Pickens nghĩ rằng cha mình, một doanh nhân dầu mỏ, có thể cho mình 500 USD. Trái lại, cái ông nhận là câu nói: “Chúc con trai may mắn!” Pickens dự định dành nửa số tài sản của ông cho từ thiện. Ông đã lập một số quỹ nhỏ cho 8 người con. Ông nói: “Nếu bạn không suy nghĩ cẩn thận, bạn có thể khiến con mình ở trong tình huống không còn cảm nhận được niềm hạnh phúc khi mang về nhà tiền lương tháng!”

Tài sản dành cho con cần ở thời điểm muộn màng. Hầu hết các nhà tư vấn về quản lý tài sản đều cho rằng tuổi trưởng thành 21 là quá sớm để hầu hết những đứa trẻ có thể sử dụng những bổng lộc thế này. John Train khuyến cáo rằng: “Khoản tiền lớn trao cho đứa nhỏ – đứa chẳng làm gì để xứng đáng nhận đồng tiền ấy – hầu như không thể tránh khỏi là làm hỏng nó!” Ross Perot thì thẳng thừng hơn: “Bất kỳ người nào cho lũ trẻ ở tuổi 21 số tiền lớn là mất trí!” Bill Simon gợi ý rằng bậc cha mẹ khôn ngoan sẽ để một khoản tiền hợp lý vào một cái quỹ và quỹ này chỉ bắt đầu chi trả tiền lãi cho con mình ở tuổi 35. Sau đó sẽ cho chúng được tiếp cận đến khoản tiền gốc hai lần. Lần đầu ở tuổi 40 và lần sau ở tuổi 45. Thế nào là “khoản tiền hợp lý”? Simon trả lời rằng: “Mỗi người phải tự tìm câu trả lời cho riêng mình!” Hãy tin ở Chúa và nhìn ngắn hạn thôi! Hãy để con của bạn quyết định xem nên dành cho cháu của bạn bao nhiêu.

Cuối cùng, đừng có sống và chết ở tiểu bang Lousiana. Cái tiểu bang này lại áp dụng Bộ luật Napoleon với quy định về để thừa kế bắt buộc. Con duy nhất được quyền hưởng thừa kế ¼ gia sản. Nếu có từ hai đứa trở lên, chúng có quyền đòi một nửa.

Nguồn: https://money.cnn.com/magazines/fortune/fortune_archive/1986/09/29/68098/index.htm

Lược dịch: Nguyễn Quốc Vinh

Hy vọng rằng bài viết này củaKVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản

Exit mobile version