ĐĂNG KÝ CHO CON ĐI HỌC NHÀ TRẺ CÔNG TẠI NHẬT

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (15 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Đăng ký cho con đi nhà trẻ công tại Nhật luôn là một vấn đề đau đầu của các mẹ có con nhỏ vì số lượng nhà trẻ công ở Nhật thì ít mà số lượng trẻ xếp hàng chờ vào thì nhiều. Sau đây, kvbro xin giới thiệu các thủ tục cần thiết để các mẹ nắm rõ khi chuẩn bị xin nhà trẻ cho con.

Contents

Tìm hiểu về kỳ nhập học

+ Kỳ nhập học chính thức của nhà trẻ công (Ninka-Hoikuen認可保育園) là tháng 4 hàng năm. Khi đó, tất cả các bé đều lên lớp, nên đương nhiên lớp bé nhất (0 tuổi hoặc 1 tuổi) sẽ trống hoàn toàn, các lớp 1 tuổi trở lên thì tùy từng trường có thể lên lớp lớn số học sinh tăng hơn so với lớp dưới nên cũng có một số chỗ trống nhất định. Vì vậy, thời điểm tháng 4 là thời điểm dễ xin nhất trong năm đối với mọi lứa tuổi. Sau khi các bé đã vào tháng 4, thì hầu như các chỗ trong nhà trẻ đã kín hết, nên việc xin vào giữa chừng gần như là không thể, trừ khi có bạn trong lớp đó chuyển trường.
+ Để xin vào nhà trẻ tháng 4, bạn phải đăng ký trên quận(区役所・市役所) từ tháng 11 năm trước (đợt 1) hoặc tháng 2 (đợt 2). Kết quả đợt 1 sẽ có vào tầm giữa tháng 2 và kết quả đợt 2 sẽ có vào tầm giữa tháng 3.
+ Bạn có thể lên quận để lấy hồ sơ xin vào nhà trẻ cho con hoặc vào trang Homepage của quận nơi bạn đang sống để download hồ sơ về in. Theo mình, tốt nhất bạn nên lên quận lấy hồ sơ, xin được tư vấn về trường và khả năng nhập học của con. Nếu bạn không biết tiếng Nhật, không phải quá lo lắng vì hầu hết các quận họ đều có thể tư vấn bằng tiếng Anh (có thể ở mức độ hạn chế nhưng đủ để cho bạn hiểu nắm được nội dung cơ bản)
+ Nếu bạn mới sang Nhật hay chuyển nhà nên phải đăng ký vào giữa chừng thì hạn nộp hồ sơ là ngày mùng 10 của 1 tháng trước tháng bạn muốn cho con nhập học. Nếu không đỗ thì hồ sơ của bạn sẽ được bảo lưu và xét tiếp một vài tháng sau (thông thường hồ sơ được bảo lưu xét liên tiếp trong vòng 3 đến 4 tháng tùy nơi). Quy trình nộp hồ sơ cũng như xét duyệt với trường hợp chuyển nhà từ quận này sang quận khác mình sẽ trình bày kỹ ở bài viết “Thủ tục chuyển trường cho con”.

※Lưu ý cách tính tuổi tại Nhật: tuổi của con sẽ được tính từ tháng 4 lúc nhập học.

Sinh khoảng thời gian Tuổi lớp nhập học năm 2019
Sinh từ 2/4/2018 đến 1/4/2019 Lớp 0 tuổi
Sinh từ 2/4/2017 đến 1/4/2018 Lớp 1 tuổi
Sinh từ 2/4/2016 đến 1/4/2017 Lớp 2 tuổi
Sinh từ 2/4/2015 đến 1/4/2016 Lớp 3 tuổi
Sinh từ 2/4/2014 đến 1/4/2015 Lớp 4 tuổi
Sinh từ 2/4/2013 đến 1/4/2014 Lớp 5 tuổi

Chuẩn bị làm hồ sơ

+ Khi lên đăng kí xin nhập học cho con, quận sẽ đưa cho bạn một bộ hồ sơ đăng ký trường, trong đó có danh sách các trường trong quận (đầy đủ địa chỉ, số điện thoại, số lượng học sinh theo từng lứa tuổi và số chỗ trống trong thời điểm đấy)
+ Tùy từng quận nơi bạn đang ở, bạn có thể đăng ký từ 1 đến 10 trường, xếp theo nguyện vọng 1-2-3-…-8-9-10. Trong danh sách này bao gồm nhà trẻ công (認可保育園)、nhà trẻ tư nhưng được thành phố hỗ trợ học phí(認所保育園). Để khả năng con bạn có thể đỗ được cao nhất, có bao nhiêu nguyện vọng thì bạn nên đăng ký hết bấy nhiêu.
+ Thứ tự xếp nguyện vọng thì có thể theo khoảng cách gần xa nhà, có thể theo quy mô của trường (trường rộng hẹp có sân chơi hay không), trường có nhiều trẻ nước ngoài hay không, trường mới thành lập hay thành lập lâu rồi, độ tuổi giáo viên, v.v.
+ Hầu hết cơ sở vật chất ở các trường cũng không khác nhau nhiều lắm, giáo viên nói chung đều được đào tạo bài bản như nhau nên độ lệch giữa các trường không nhiều. Đa số các mẹ thường chọn trường theo tiêu chí gần nhà hoặc gần ga để thuận tiện đưa đón con và tham khảo thêm số lượng các bé đang chờ vào trường đó để đảm bảo khả năng đỗ.
+ Các trường đều cho phép gia đình các bé có nguyện vọng đăng kí nhập học đến tham quan trường. Nếu bạn muốn đến tham quan trường có thể thông qua quận hẹn ngày đến hoặc gọi điện liên lạc trực tiếp với trường.

Giấy tờ đăng kí xin vào nhà trẻ

Khi lên quận đăng kí, bạn sẽ nhận
+ một bộ hồ sơ đăng ký
+ danh sách các trường
+ quy định chung.
+ giấy tờ chứng minh tư cách của bố mẹ có đủ để đăng ký cho con vào Hoikuen hay không. Thông thường có 5 loại giấy tờ sau:
(1) Giấy chứng nhận đang đi làm của chồng (nếu chồng không đi làm, vợ đi làm thì con bạn cũng không được đăng kí đi nhà trẻ)
(2) Giấy chứng nhận đang nghỉ nuôi con và sẽ trở lại làm việc vào khoảng thời gian con sẽ nhập học. Nếu thời gian mẹ quay lại làm lâu hơn thời gian con nhập học 3 tháng trở lên thì sẽ có thể không được xét duyệt (đối với các mẹ làm fulltime đang nghỉ nuôi con)
  (2-1) Giấy chứng nhận đang đi làm (祝労状況申告書・外職用)(đối với các mẹ đang đi làm fulltime)
  (2-2) Giấy chứng nhận đang đi học (在学証明書) (đối với các mẹ đang đi học cả ngày)
(3) Giấy chứng nhận sắp đi làm đối với các mẹ đã tìm được việc chính thức fulltime nhưng vẫn chưa bắt đầu đi làm (chờ con đi trẻ rồi sẽ bắt đầu) 内定証明書
(4) Giấy chứng nhận đang đi làm, số buổi đi làm, số giờ đi làm (đối với các mẹ đang đi làm bán thời gian) (祝労状況申告書・内職用)
(5) Giấy khai đang đi tìm việc (求職中説明書)
Hiện nay, tại hầu hết các quận xin vào nhà trẻ công đều rất khó nếu cả bố hoặc mẹ không đi làm. Đi làm bán thời gian (baito) hay đang tìm việc thì khả năng xin được nhà trẻ công cho con khá thấp, rất nhiều gia đình chọn phương án gửi con vào nhà trẻ tư một thời gian rồi mới nộp hồ sơ để được tính thêm điểm cộng.

■Những lưu ý khi điền hồ sơ:
+ Bạn nhớ ghi rõ hiện tại gia đình chỉ có 2 vợ chồng và con, ông bà ở xa già yếu không thể phụ giúp trông con.
+ Là người nước ngoài nên mong muốn con được đi học để hòa nhập với môi trường Nhật, mẹ có thời gian đi làm, đi học cống hiến cho xã hội.
+ Hoàn cảnh kinh tế gia đình
Sau khi hoàn thành hồ sơ, bạn nộp đúng hạn và chờ kết quả.

Cách tính điểm và xét duyệt vào nhà trẻ công

Công thức tính điểm vào nhà trẻ công tại Nhật như sau:

Tổng số điểm 1 gia đình = Số điểm cở bản của bố + Số điểm cơ bản của mẹ + Điểm điều chỉnh
(父)利用調整基準指数 +(母)利用調整基準指数 + 調整指数 その世帯の合計指数

Các bạn tham khảo chi tiết hơn ở bài viết CÁCH TÍNH ĐIỂM VÀO NHÀ TRẺ CÔNG

CÁCH TÍNH ĐIỂM VÀO NHÀ TRẺ CÔNG

Nếu con không đỗ nhà trẻ

+ Nếu lần nộp hồ sơ này con bạn chưa đỗ, vẫn còn cơ hội chờ những lần xét duyệt khác.
+ Nếu mẹ đi làm fulltime mà bị trượt thì bạn báo cho công ty để có thể kéo dài thời gian nghỉ nuôi con để chờ đến lần xét duyệt tiếp theo.
+ Nếu mẹ đi làm baito hoặc đi làm fulltime nhưng phía công ty khá khó khăn với việc bạn xin nghỉ thêm thì bạn buộc phải tìm gửi nhà trẻ tư(認所保育園), hoikumama(保育ママ), hay nhà trẻ gửi theo giờ(一時保育). Khi đăng ký gửi ở nhà trẻ tư các loại như trên, bạn sẽ nộp thêm giấy tờ đang phải gửi ở nhà trẻ tư để được tính thêm điểm cộng cho lần xét duyệt tiếp theo. Nhiều mẹ thường phải nhờ ông bà sang chăm giúp thời gian này và xin gửi trẻ theo giờ để lấy giáy nộp gửi quận giúp tăng điểm cho lần xét duyệt tới.
+ Tuy nhiên, cũng có nhiều mẹ không hẳn là cần đi làm, nhưng muốn cho con đi học để con hòa nhập hơn, hai mẹ con ở nhà cả ngày với nhau cũng rất căng thẳng. Với các mẹ như vậy thì mình khuyên là nên gửi theo ngày hoặc theo giờ.

Bài viết này mình lấy từ kinh nghiệm của chính bản thân mình, mong có thể giúp được gia đình các bạn có con nhỏ chuẩn bị đi xin nhà trẻ phần nào thông tin cơ bản. Mỗi quận đều có những thủ tục chính sách khác nhau, vì vậy để có những thông tin chính xác nhất, bạn hãy tìm hiểu thật kĩ thông tin của quận nơi bạn đang sống và lên quận hỏi sớm nhất để được tư vấn. Chúc các bạn sớm tìm được nhà trẻ cho con như mong muốn.

 

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (15 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản

KVBro - Nhịp sống Nhật Bản

Cám ơn các bạn đã ghé thăm trang web của KVBRO-Nhịp sống Nhật Bản. Xin vui lòng không đăng lại nội dung của trang web này nếu bạn chưa liên lạc với chúng tôi.