Site icon KVBro

HƯỚNG DẪN CÁCH CHẾ BIẾN ĐỒ ĂN DẶM KIỂU NHẬT CHO BÉ GIAI ĐOẠN 5-6 THÁNG

Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

Khi con bắt đầu đến tuổi ăn dặm (5 tháng tuổi), nhiều mẹ sẽ khá bối rối vì thực sự chưa biết cách chế biến  đồ ăn dặm cho con như thế nào, theo phương pháp nào thì hợp lý. Sau đây KVBro xin giới thiệu cách nấu ăn cho trẻ trong giai đoạn đầu theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật để các bạn tham khảo.

Đây là cách chế biến của Mẹ Aichan – một trong người người tiên phong trong phương pháp ăn dặm kiểu Nhật.

Đặc điểm của thời kỳ 5-6 tháng
– Đồ ăn nhuyễn
– Lượng ăn ít bắt đầu từ 5g
– Đây là thời kỳ tập ăn nên không cần vội

Quan điểm và Mục tiêu của ăn dặm
(1) Dạy con học ăn 食育
– Mục tiêu cuối cùng là gì , để con tự lập trong ăn uống và không ghét ăn
– Tiến trình ăn mỗi bé một khác, không so sánh với bé khác
(2) Tăng thêm tình cảm gắn kết giữa bố mẹ và bé cũng như anh chị em trong gia đình
– Mẹ không được căng thẳng gây ảnh hưởng đến cả mẹ và bé
– Ăn chung (ăn cùng) để tăng thêm tình cảm gắn kết có ý nghĩa giáo dục cho bé

Cách nấu ăn dặm
– Dùng rây để rây mịn đồ ăn, hoặc dùng máy xay tay blender để xay nhuyễn
– Có thể dùng babyfood ăn liền vì lượng ăn rất ít
– Sử dụng phương pháp đông lạnh đồ ăn

Hỏi – đáp với Mẹ Aichan
(1) Cách nghiền thịt cá và rau cho trẻ 5-6 tháng, mức độ thô, độ đặc như thế nào là chuẩn?
→Trong thực đơn ăn dặm kiểu nhật,thịt, cá, và rau thường khó làm mịn hơn cháo, vì kiểu gì cũng thấy lợn cợn, nhất là thịt. Chắc có lẽ thế mà bước đầu mới tập ăn, khoảng 2 tuần đầu, chưa cần cho bé ăn đạm.

Cách làm tổng quát cho mọi loại thịt cá là:
– Lấy loại thịt nạc, cá trắng.
– Luộc thịt, cá lên, giữ nước dùng lại.
– Đối với cá: mềm hơn nên rây qua lưới. Sau đó hòa loãng ra bằng nước luộc. Thêm ít bột năng (hoặc bột sắn) đã hòa tan vào 1 chút nước, rồi hòa cùng bát cá. Quay vi sóng 20-30s. Nếu cẩn thận hơn thì đun lên, cách làm sánh tương tự.
– Đối với thịt: khó mịn hơn cá, tuy nhiên cách làm như nhau, nếu khó rây thì đầu tiên giã qua thịt đã rồi rây.

Nếu làm nhiều cất đông thì có thể xay lẫn thịt và nước luộc chung bằng máy xay. Khó có thể làm thịt cá thật nhuyễn, kiểu gì cũng cảm thấy lợn cợn, nhưng các mẹ đừng lo, đó cũng là một bước để tăng độ thô. Nếu chưa cảm thấy yên tâm, thì hãy cho tỉ lệ nước dùng nhiều hơn, cá thịt ít hơn, bé sẽ nuốt dễ hơn, tuy nhiên chỉ 1 vài bữa đầu thôi.

(2) Bé mới 5-6 tháng tuổi thì đã ăn được trứng gà chưa? Nếu được thì cách chế biến như thế nào
→Trong giai đoạn đầu mới tập ăn dặm, bé có thể ăn được lòng đỏ trứng gà, tuy nhiên HÃY CẨN THẬN VỚI TRỨNG, nhất là bé 5-6 tháng. Trong sách ăn dặm kiểu Nhật có tài liệu không khuyến khích cho bé ăn trứng giai đoạn này. Nếu cho ăn, giai đoạn 5 – 6 tháng chỉ 1 thìa con/ bữa, mang tính chất ăn thăm dò.
※Lưu ý: Có một số bé dễ dị ứng với trứng nên có thể nổi mẩn đỏ khắp người.

→Cách chế biến: luộc trứng thật kỹ, tách lấy riêng lòng đỏ, pha loãng, mịn ra với nước rau.

CÁCH CHẾ BIẾN TRỨNG KHÔNG TANH-ĂN DẶM KIỂU NHẬT 5-6 THÁNG

(3) Nấu mỳ Ý cho trẻ 5-6 ăn được không? Chế biến ra sao? Nếu ăn mỳ không thì nhạt quá, bé làm sao ăn đc?
→Theo ăn dặm kiểu Nhật, bé 5-6 tháng tuổi thì chưa ăn được mỳ Ý. Khoảng 8 tháng mới bắt đầu cho ăn, lúc đó không cần chế biến nhiều (chỉ cần băm nhỏ), lúc này có thể thay đổi món cho con bằng cách chế biến cầu kỳ hơn, ví dụ: mỳ Ý nấu nấm, mỳ Ý sốt cà chua thịt…

(4) Giai đoạn này có nên cho trẻ ăn bánh ăn dặm được chưa?
→Chọn loại bánh ăn dặm tan ngay trong miệng, khi cho ăn cần phải để ý bé, cẩn thận không bé cho nhiều vào miệng dễ nghẹn.

Cách cho bé ăn
(1) Tháng đầu tiên 

6h sáng Sữa
10h sáng Bữa ăn dặm + sữa
14h chiều Sữa
18h chiều Sữa
22h tối Sữa

(2) Tháng thứ 2 

6h sáng Sữa
10h sáng Bữa ăn dặm + sữa
14h chiều Sữa
18h chiều Bữa ăn dặm + sữa
22h tối Sữa

?Trình tự ăn dặm

Tuần 1 cháo 1:10 từ 5g -> 15g tăng dần
Tuần 2 cháo 1:10 15-20g , Rau 5g
Tuần 3 cháo 1:10 15-25g , Rau 5g-10g , Đạm (đậu hũ, cá trắng) 5g
Tuần 4 cháo 1:10 20-40g , rau (1-2 loại/bữa) 10g-20g , Đạm 5g-10g (đậu hũ 10-25g)

?Các loại thực phẩm dùng được
+ Tinh bột: Cháo, khoai
+ Rau xanh: Chọn loại rau ít xơ 2-3 loại đơn giản
+ Đạm: chỉ dùng Đậu và cá thịt trắng
+ Hoa quả: chưa cần thiết ăn hoa quả từng bữa, loại hoa quả nào vị đậm bạn nên pha nhạt đi

Lời khuyên gửi tới các mẹ trong giai đoạn con bắt đầu ăn dặm ( 5-6 tháng) từ Mẹ Aichan

Tâm lý ai cũng thế, con ăn được thứ này, thứ kia là muốn làm ngay thật nhiều món ngon thay đổi cho con. Theo như mẹ Aichan, nhìn kết quả áp dụng với Aichan, và hiện nay là bé Bống, thì theo ăn dặm kiểu Nhật, càng cho con ăn món đơn giản càng tốt, đúng vị của thực phẩm sẽ tốt hơn và có hiệu quả cao trong các giai đoạn tiếp theo.

Ví dụ, mẹ Aichan cứ chăm chăm làm hết món nọ món kia, trong khi các mẹ Nhật chỉ cho con ăn khoai luộc, rau luộc, cơm trắng, hoặc cá thịt luộc… Aichan bây giờ có lúc không chịu ăn rau luộc, khoai… toàn phải chế biến thành món gì đó “lừa” miệng con.

Mẹ Aichan nghĩ đơn giản thế này, sau này bé còn rất nhiều cơ hội thưởng thức đủ các loại món ngon trên đời, nên chỉ 1 thời gian ngắn, vài tháng đến 1 năm thôi, trước khi ăn cùng bố mẹ, bé hãy chịu khó ăn “khổ” 1 chút. Tóm lại là đừng có cho bé ăn ngon từ đầu, hãy cho bé biết thời điểm này rau luộc, khoai, cơm… là những vị ngon nhất rồi.

Chúc các mẹ và các con thành công với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật!

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản

Exit mobile version