CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP TRONG ĂN DẶM KIỂU NHẬT

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (4 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Chắc hẳn có rất nhiều mẹ ở Nhật cũng như Việt Nam muốn áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cho con, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều bối rối về phương pháp này từ chuẩn bị nguyên liệu cách nấu nướng cách cho con ăn, v.v.. Sau đây, KVBro xin tổng hợp lại một số câu hỏi thường gặp và câu trả lời-tư vấn của mẹ Aichan tới  các mẹ muốn áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật tham khảo.

1. Ở Việt Nam, sách báo, bác sĩ vẫn đều khuyên trẻ chỉ bắt đầu ăn cơm nát từ khi có đủ răng (từ 2 tuổi), vậy ngoài Nhật ra thì các nước khác thế nào?

Trả lời: Ở Mỹ, Pháp, Anh, Úc,…đều có tiến độ tập ăn giống – gần giống như ăn dặm kiểu Nhật (nói là gần giống vì có lệch nhau đôi chút về từng tháng tập ăn), nhưng đều cho bé ăn thô vào giai đoạn bé có phản xạ nhai tự nhiên tầm gần 1 tuổi. Chưa tìm thấy nước nào ngoài Việt nam khuyên phải ăn cháo đến 2 tuổi.

Ở Nhật thì câu hỏi “bé tập nhai thế nào? có suôn sẻ không?” là một trong những vấn đề quan tâm không thể thiếu trong việc đánh giá sự phát triển của bé giai đoạn từ 9 tháng đến 1,5 tuổi. Bên cạnh các thể loại sách báo viết về cách ăn dặm kiểu nhật, các họat động miễn phí hướng dẫn mẹ tập cho con ăn đúng thời kỳ cũng rất được chú trọng.

2. Bé không có răng thì nhai làm sao được?

→Bé nhai bằng lợi, bằng răng cửa.

Khi Aichan và bé Bống được 10 tháng tuổi đã nhai miếng cà rốt – củ cải ninh mềm to bằng đầu ngón tay cái. Nhai bằng lợi thôi mà nát bét cả ra nhé! Mẹ nào cho con bú thì cũng thấy, con chưa có răng nhưng lúc bú mẹ mà cáu là cắn bằng lợi đau lắm đó.

3. Nhiều người thắc mắc sao bé ọe, không nhuyễn là ko ăn được.

Nếu bé theo ăn dặm kiểu Nhật, tức là phải tăng dần độ thô. Vì vậy theo kinh nghiệm của mẹ Aichan, có những khả năng sau đây, các mẹ thử kiểm tra xem có mắc cái nào không nhé.
+ Thô quá
+ Cứng quá
+ Đặc quá
+ Xúc thìa đầy quá
+ Loãng quá nhưng lổn nhổn phần thô vào phần nhuyễn. Bé ăn nhuyễn tưởng nuốt chửng được, nghẹn vì miếng thô lẫn trong đó. Vì vậy mình không nấu đồ ăn mịn thô lẫn lộn
+ Bé có triệu chứng viêm họng/ốm

4. Bé đi ị ra miếng rau và miếng cà rốt lẫn trong phân, như vậy có phải là bé không tiêu được?

Việc lẫn rau cỏ…cắt nhỏ nguyên cả màu rau trong phân em bé là chuyện thường gặp. Ở giai đoạn ăn dặm, đúng là bé chưa tiêu hóa tốt, nhưng không có nghĩa là bé không tiêu được tý nào. Thức ăn ra nguyên theo phân thì người lớn cũng có.

Đối với trẻ con, hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện nên có như vậy cũng không nên lo lắng. Bé vẫn hấp thu được những dinh dưỡng cần thiết, không cần hạn chế các loại thực phẩm của trẻ. Nếu bé không chê, mẹ cứ thử cho bé các loại thực phẩm mới. Cùng với khả năng hấp thu ngày càng tăng, dần dần bé sẽ tiêu hóa tốt hơn, tình trạng ra nguyên thức ăn trong phân như vậy sẽ giảm dần.

CÁC LOẠI THỰC PHẨM DÙNG ĐƯỢC CHO TRẺ THEO TỪNG GIAI ĐOẠN ĂN DẶM

5. Khi mẹ tăng độ thô bé không đáp ứng được

Các mẹ luôn nhớ là mỗi bé một khác nhau, có bé ăn được thô nhanh, có bé ăn thô từ từ hơn vì vậy hãy lựa theo khả năng của con mình. Khi nào bé sẵn sàng, nghĩa là bé hào hứng ăn, ăn được nuốt được, không bị nôn trớ, tăng cân bình thường thì hãy tiếp tục lộ trình nhé. Đồ cứng quá hoặc thô quá không hợp với khả năng cũng sẽ khiến bé lười nhai và không chịu ăn nữa.

Phản ứng của bé là câu trả lời tốt nhất cho mẹ chứ không phải bất cứ một tiến độ theo sách vở, hay theo bé nào khác. “Con mình là con mình”. Mẹ quán triệt được điều này thì sẽ thoải mái, kiên trì, và bình tĩnh. Điều quan trọng nhất đó chính là “Mẹ vui con vui, chúng ta cùng hợp tác”. Nếu vì thấy bé không làm được mà mẹ đâm ra lo lắng căng thẳng thì lại thành lợi bất cập hại. Đừng ép bé phải cố gắng vì cái bé không thích, hoặc chưa làm được, đó là nguyên tắc.

6. Ăn chung hay ăn riêng?

Rất nhiều mẹ cho rằng ăn dặm kiểu Nhật là mỗi món một bát ăn riêng. KHÔNG PHẢI LÀ VẬY ĐÂU NHÉ!!!

Ở giai đoạn đầu (5~6 tháng) các món ăn chủ yếu được nấu riêng. Gia đoạn này là tập ăn dặm. Bé khám phá 1 điều mới về các loại thức ăn. Tuy nhiên sang giai đoạn giữa (7~8 tháng) trở đi, bé ăn được nhiều loại thực phẩm hơn và mẹ có thể trổ tài nấu nhiều món cả riêng lẫn chung để bé được thưởng thức.

Nếu bé của bạn không thích ăn riêng thì theo mình không nên quá căng thẳng về việc tập cho bé ăn riêng. Việc bé ăn ngon miệng quan trọng hơn. Bạn nấu cho bé cũng như nấu cho người lớn, có món nọ món kia, lúc nấu riêng lúc nấu chung xen kẽ các bữa sẽ khích thích vị giác cho bé hơn.

7. Khi bé ốm: bé ăn nhuyễn hơn, có sợ sau này bé quên nhai không?

Khi bé ốm thì bé không thể ăn thô, ăn đặc được, cũng như người lớn thôi. Lúc đó hãy làm thức ăn cho bé loãng hơn, mềm hơn, nhuyễn hơn. Làm sao cho bé ăn được là tốt rồi. Khi nào bé khỏi ốm dần dần bé sẽ lại ăn được bình thường, sẽ không quên nhai đâu.

8. Làm sao có thể xác định độ đặc – loãng của cháo

Trong ăn dặm kiểu Nhật, vấn đề xác định độ đặc loãng làm hầu hết các mẹ lúng túng. Câu trả lời chung là việc điều chỉnh như thế nào là do các mẹ và do bé hợp tác tới đâu. Xuất phát điểm có thể nhận biết bằng cách sau. Ví dụ như cháo, xúc 1 thìa cháo cho nhỏ giọt xuống bát. Khi mới bắt đầu cho bé ăn thì thìa cháo nhỏ giọt nhanh (cỡ 1s/2,3 giọt chẳng hạn), sau đó vài bữa tăng dần (1s/1 giọt)… và tiếp tục tăng dần lên. Tới giai đoạn 7,8 tháng thì thìa cháo chắc phải 5s mới nhỏ 1 giọt, vì lúc này đã ăn cháo đặc hơn. Giai đoạn 9-11 tháng thì cháo không nhỏ xuống được nữa đâu nhé.

Tương tự đối với các thực phẩm khác. Tăng độ đặc loãng bằng cách làm sánh (sử dụng bột năng, bột sắn…). Việc làm sánh rất quan trọng, giúp bé nuốt tốt hơn, ngay cả khi bé ăn thô giỏi rồi, tới giai đoạn 9-11 tháng tùy theo loại thực phẩm khác nhau, đôi khi vẫn cần thiết làm sánh.

9. Có phải ăn theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật thì bé sẽ tăng cân chậm không?

Cái này có vẻ đúng. Khi bé ăn dặm, đừng hi vọng bé tăng 1kg/tháng như thời kỳ ti mẹ. Bé chỉ tăng cân nhiều nhất khoảng 1-3 tháng đầu, rồi mức tăng sẽ chậm lại. Vì thế, khi bắt đầu ăn dặm thì ngoài bữa dặm, vẫn cần bổ sung sữa cho bé cho đến 1 tuổi, vì ngoài 1 tuổi bé có thể ăn hầu hết các loại thực phẩm, nên sẽ bổ sung đầy đủ chất cho cơ thể hơn.

Ở Nhật, mẹ Aichan biết nhiều người mãi tới 7 hoặc 8 tháng mới cho con ăn dặm, vì sữa họ tốt và con tăng cân đều, nên họ không cần vội. Người Nhật quan niệm ăn dặm là dạy cho bé tập ăn, dạy cho bé thói quen ăn uống, chứ không phải ăn dặm để “vỗ béo” bé. Nếu giai đoạn đầu của quá trình ăn uống này, cha mẹ thận trọng và giáo dục tốt, sau này bé ăn uống tốt, có khi còn hãm phanh không kịp… , lúc đó có khi lại lo bé béo phì. Vậy nên các mẹ cũng nên chuẩn bị để lựa chọn “trước” hay “sau”. Con béo trước, nhưng sau này ăn uống kém, phải ép ăn. Hay là con cứ tăng cân chậm trước, sau nó thích ăn, mẹ lại nhàn???

10. Bộ đồ chế biến ăn dặm kiểu nhật mua ở đâu?

Nếu ở Nhật, tên bộ đó là: 離乳食調理セット(Rinyusyoku chyori setto), bạn có thể mua ở các cửa hàng chuyên bán đồ em bé, mua qua mạng, mua ở các Drug sotre (Những siêu thị chuyên đồ gia dụng) cũng như mua ở cửa hàng 100 yên. Các mẹ có thể tham khảo thêm ở bài viết giới thiệu dụng cụ ăn dặm sau đây nhé.

DỤNG CỤ CHẾ BIẾN ĂN DẶM SIÊU RẺ SIÊU TIẾT KIỆM-ĐỒNG GIÁ 100 YÊN SERIA DAISO

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (4 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản