BÍ KÍP ĂN DẶM KIỂU NHẬT CHO BÉ CỦA MẸ AICHAN

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (8 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

“Ăn dặm kiểu Nhật” hiện nay là một trong những phương pháp ăn dặm khá phổ biến tại Việt Nam. Một trong những bà mẹ tiên phong trong phong trào ăn dặm kiểu Nhật đó chính là mẹ Aichan. Hơn 10 năm trước chị đã áp dụng phương pháp này cho bé Aichan và hiện nay khi có bé thứ 2 chị vẫn tiếp tục sử dụng phương pháp ăn dặm này cho con gái.

Kinh nghiệm của hơn 10 năm trước với bé lớn và kinh nghiệm vừa trải qua với bé thứ 2, mẹ Aichan khẳng định “Ăn dặm kiểu Nhật” là một phương pháp ăn dặm khoa học, đảm bảo dinh dưỡng và rất phù hợp cho trẻ nhỏ.

Tuy nhiên để có thể thành công với phương pháp này, các mẹ cần chuẩn bị sẵn tâm lý không chỉ cho bản thân mà cho cả gia đình để tiến hành cho bé ăn dặm được thành công nhất.

(1) Thống nhất tư tưởng và tâm lý

Trước khi bé bước vào độ tuổi ăn dặm, gia đình cần phải thống nhất về tư tưởng cũng như tâm lý. Đứa trẻ sinh ra, cả nhà đều yêu quý nhất là đối với những bé đầu lòng. Tuy nhiên đừng vì quá yêu quý con cháu mà biến đứa trẻ thành trung tâm của vũ trụ, để rồi sinh ra vô vàn mâu thuẫn không đáng có.

Ở Việt Nam, khá nhiều gia đình sống chung với ông bà do vậy việc mâu thuẫn trong việc nuôi dạy con rất dễ xảy ra, đặc biệt là giai đoạn ăn dặm khi mà phương pháp ăn của Việt Nam khác xa so với Nhật.

Vì vậy việc chuẩn bị tư tưởng hết sức cần thiết. Trước hết là bố mẹ bé, rồi tới thuyết phục ông bà… nếu không có sự thống nhất thì khó có thể làm được mà còn có thể xảy ra mâu thuẫn đáng tiếc. Trong quá trình ăn dặm, cho dù bất cứ phương pháp nào đi chăng nữa thì chắc chắn sẽ có lúc bé hợp tác, có lúc lại không. Vì vây khi bạn đã xác định theo phương pháp này hãy xác định trước những khó khăn và cố gắng kiên trì nhé.

(2) Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật và những thành quả mong muốn

Phương châm của ăn dặm kiểu Nhật là chú trọng sử dụng thực phẩm tự nhiên hoặc do nuôi trồng. Đó là rau, củ, quả, cá, thịt, đậu… còn các thực phẩm đã qua chế biến như đồ hộp, thịt hun khói, gia vị các loại… họ đều khuyến cáo đừng cho trẻ ăn sớm từng nào hay từng đó.

Vì thế, chọn ăn dặm kiểu Nhật là chọn cách cho bé ăn nhạt, vị của cháo, của súp… tất cả đều là từ rau củ quả, hoặc dashi (cá bào và rong biển konbu). Cho bé ăn nhạt từ đầu sau điều chỉnh rất dễ, chứ cho bé ăn mặn sớm, sau này những đồ nhạt (đặc biệt là rau) bé sẽ không chịu ăn.

Với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, thành quả mong muốn đầu tiên đó là BÉ PHÁT TRIỂN BÌNH THƯỜNG KHỎE MẠNH, KHÔNG MONG BÉO. Vì vậy, thực đơn của món dặm kiểu Nhật chú trọng nhiều rau, cân đối giữa chất bột, đạm, vitamin, đặc biệt là chất đạm ăn rất ít (giai đoạn cuối 12-18 tháng mà cũng chỉ cho con ăn nhiều nhất là 20g), không quan trọng phải ăn thật nhiều đường sữa. Trẻ con Nhật không béo nhưng thể lực rất tốt, khỏe mạnh và nhanh nhẹn.

Thứ hai, thông qua ăn dặm, họ muốn GIÁO DỤC TRẺ BIẾT CÁCH ĂN. Đứa trẻ biết nhai, có ý thức trong việc ăn uống, biết yêu cầu, từ chối, biết khẳng định mình. Có thể thấy không có một em bé nào ở Nhật mà vừa ăn vừa chạy chơi hay phải bật ti vi lên mới chịu ăn.

Cả Aichan và bé Bống đều biết nhai không ngậm, biết tự ngồi ăn một chỗ đến hết bữa, tuy nhiên cũng phản ứng kịch liệt khi bị ép ăn đồ ăn mà bé không thích. Nhiều loại đồ ăn ngon bổ dưỡng mà con lại không chịu ăn, mẹ cũng rất lo lắng nhưng qua đây cũng có thể thấy rằng, con có sở thích rõ ràng, con có chủ kiến và bố mẹ cũng nên tôn trọng con dù con còn rất bé.

(3) Hãy tôn trọng bé

Hãy coi bé là 1 thành viên trong gia đình. Cho bé ăn không chỉ là việc đút, đưa đồ ăn vào miệng bé, mà còn phải quan tâm chú ý cả tâm lý của bé nữa. Kinh nghiệm ở đây cuả mình các bạn chỉ nên tham khảo bởi mỗi bé một khác, mỗi giai đoạn lại thay đổi khác nhau. Vì vậy người mẹ cần phải nắm bắt, điều chỉnh, hướng dẫn và chiều theo cả bé nữa.

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là tập luyện cho bé ăn thô đúng thời điểm, nhưng đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm của cha mẹ nữa. Đừng để ý đến bé A hay bé B ăn được thế này mà con mình thì chỉ được thế kia… , hãy cố gắng điều chỉnh độ thô phù hợp với bé, điều chỉnh dần dần, không cần nóng vội. Các mẹ cũng cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý rằng sẽ có 1 lúc bé quay ngoắt lại với những gì mình đã tập luyện, đã ưa thích… nhưng hãy tin rằng đó chỉ là 1 giai đoạn khó khăn thôi, đừng stress làm ảnh hưởng đến bé. Người lớn mình cũng vậy, lúc khó ở thì dù là món khoái khẩu nhất cũng thấy không ngon. Vì vậy bạn hãy xác định trước việc bé có thể có một lúc nào đó sẽ không hợp tác và các mẹ cố gắng chiều theo ý con một chút để qua giai đoạn khó khăn nhưng không có nghĩa là từ bỏ phương pháp.

Một khía cạnh nữa của việc tôn trọng bé, đó là cách cho bé ăn. Không khí, bối cảnh, màu sắc cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc ăn của bé. Mỗi bà mẹ có cách cho con ăn của riêng mình, vì phụ thuộc vào từng đứa trẻ, ai cũng có thể là nghệ sĩ, làm trò vui cho con ăn ngoan…. dù thế nào bữa ăn của trẻ, hãy nên để tràn ngập niềm vui.

Và kinh nghiệm của mình sau khi chăm sóc 2 bé thì thấy rằng, các con đều thì thích được xum họp cùng cả nhà trong bữa ăn. Đây có thể là sợi dây tình cảm khăng khít giữa bố mẹ con cái và anh chị em mà được xây dựng từ những điều bình dị nhất.

(4) Khi nào thì bắt đầu cho con ăn dặm?

Rất nhiều mẹ thấy con còi còi nên cho con ăn dặm sớm, hi vọng bé sẽ ăn nhiều hơn để mập hơn. Mẹ Aichan cũng đã từng nghĩ như thế. Thực ra, vì sao phải ăn dặm? Vì cơ thể của trẻ đến độ tuổi nhất định, ngoài sữa (sữa mẹ hoặc sữa công thức) thì cần bổ sung các chất khác để phù hợp với sự phát triển về thể chất nên cần phải ăn dặm đồng thời bắt đầu tập thói quen ăn uống sau này cho con.

Tuy nhiên, cơ thể thật sự cần đủ dinh dưỡng thông qua ăn dặm khi trẻ được khoảng 9 tháng tuổi. Vì thế, phương pháp ăn kiểu Nhật trong giai đoạn đầu 5,6,7,8 tháng chỉ là nhằm cho trẻ làm quen với thực phẩm, quen độ thô, và tập cho bé thói quen ăn uống đúng bữa hàng ngày. Khi thói quen ăn uống của bé tốt, có bé sẽ ăn như một sở thích. Có bé ăn nhiều nhưng cũng có bé ăn ít, thích ghét nhiều loại đồ ăn khác nhau.

(5) Ăn dặm kiểu Nhật không có nghĩa là phải dùng nguyên liệu Nhật!

Thay vì dùng nước xương hầm để nấu cháo, ăn dặm kiểu Nhật dùng nước dashi cũng chứa rất nhiều canxi và khoáng chất. Tuy nhiên, cá bào, rong biển konbu ở Việt Nam bán khá đắt và không phổ biến lắm, do đó đây có thể là một trở ngại đối với những gia đình có thu nhập trung bình. Tuy nhiên ăn dặm kiểu Nhật không chỉ phủ thuộc vào mỗi nước dashi mà  ăn dặm kiểu Nhật chủ yếu là phương pháp cho con ăn thô đúng thời điểm, đúng độ thô cho lứa tuổi của con.

Ở Việt Nam, rau củ quả phong phú như vậy, cứ miễn là rau tươi, an toàn… thì các bạn cứ nên tận dụng nhé. Nước dashi nấu từ rau củ quả chứa rất nhiều vitamin rất tốt cho bé. Ăn dăm kiểu Nhật không nhất thiết phải theo đúng thực đơn kiểu Nhật, rau kiểu Nhật, gia vị Nhật…

Cả hai bé nhà mình đang tuổi ăn dặm đều có về Việt Nam chơi và mình vẫn sử dụng 100% rau hoa quả Việt Nam cũng như nhưng món bún phở nấu theo đúng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cho con ăn và cả hai bé đều rất thích.

(6) Có phải bữa dặm kiểu Nhật là phải cho ăn riêng từng thứ không?

Cái này chưa hoàn toàn đúng. Nó chỉ đúng ở thời điểm đầu tiên khi mới cho con ăn dặm. Lúc này, cần kích thích vị giác của bé, bởi thế thay vì nấu lẫn lộn, vị nọ vị kia không rõ ràng thì nên cho bé tập ăn từng vị riêng của thực phẩm. Cháo ra cháo, rau ra rau. Kể cả vị của nó nhạt, thơm, đắng chút xíu thì bé cũng nên thử vào lúc này.

Khi đã quen các loại, thì có thể trộn lẫn để thay đổi món cho con. Tuy nhiên, mẹ Aichan khuyên là nếu tập ăn nhạt như thế thì tất cả (bao gồm cả hoa quả…) cũng nên làm nhạt đi nhé. Món dặm nhạt thếch mà món phụ như hoa quả lại làm ngọt sắc thì cũng phản tác dụng. Giai đoạn đầu tập ăn nhạt thì nên làm loãng những vị đậm hoặc ngọt quá. Ví dụ, hoa quả có thể trộn với sữa chua không đường, nước quả thì pha loãng ra 1 chút.

Mẹ Aichan chưa nấu kiểu Việt Nam bao giờ, nhưng nấu kiểu Nhật riêng biệt thế này, mẹ cháu thấy dễ “sáng tác” món ăn lắm. Sử dụng phương pháp làm đông lạnh, đồ ăn của Aichan phong phú hơn mỗi ngày, mỗi bữa 1 loại rau củ khác nhau, bữa ăn cháo riêng, bữa trộn hết vào để thay đổi món cho con.

Các bạn có thể tham khảo các video hướng dẫn nấu ăn của mẹ Aichan tại đây nhé. Rất nhiều thực đơn hấp dẫn cho con mà rất đơn giản.

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (8 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản