Site icon KVBro

5 CUỐN SÁCH VỀ GIÁO DỤC

Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

Cùng KVBro điểm qua 5 đầu sách về giáo dục chất lượng nhé.

Người thầy – Frank McCourt
Đây là cuốn sách được tờ Publisher Weekly nhận xét là “nên trở thành tài liệu bắt buộc cho mọi giáo viên ở Mỹ”. Được viết dưới dạng hồi ký, Người thầy là tập hợp những câu chuyện sinh động và hài hước của một thầy giáo từ khi còn đầy bỡ ngỡ trên bục giảng đến khi được bình chọn là thầy giáo tiêu biểu của năm – phần thưởng cao quý nhất dành cho giáo viên Mỹ.
Khi bắt đầu đi dạy, anh được chỉ nhiều cách để tạo một hình ảnh mực thước, xa cách và nghiêm khắc tới các học trò nhưng McCourt đã để bị lệ thuộc vào các quy tắc khiên cưỡng của nghề nghiệp. Anh nhớ lại hình mẫu giáo viên của mình khi còn đi học và đã làm theo cách của riêng mình để trở thành một giáo viên như thế.
Người thầy (công ty sách Nhã Nam, 2008) là những chia sẻ chân tình của Frank McCourt dành cho những ai đang đeo đuổi mơ ước trở thành những thầy cô giáo mà đó còn là những hồi ức đẹp đẽ của ông trong suốt hơn 30 năm dạy học gắn với những kỉ niệm đáng nhớ của nhiều lứa học trò.
Cách biệt toàn cầu về thành quả giáo dục – Tony Wagner
Tony Wagner hiện làm việc với tư cách chuyên gia thường trú tại Phòng thí nghiệm Sáng tạo và Đổi mới của Đại học Harvard, cố vấn cao cấp cho Quỹ Bill & Melinda Gates.
Cách biệt toàn cầu về thành quả giáo dục (nguyên tác: The Global Achivement Gap, bản tiếng Việt do Dtbooks phát hành năm 2014) là cuốn sách tập hợp những bài viết nghiên cứu về giáo dục. Trong đó chỉ ra các yếu điểm của một số môi trường giáo dục và học tập thụ động.
Ông cho rằng nền giáo dục của chúng ta đang phải đối mặt với sự lỗi thời. Thay vì dạy học sinh trở thành những người có tư duy phản biện và có khả năng giải quyết vấn đề, chúng ta đang khiến người trẻ tập trung vào việc chuẩn bị cho các kỳ thi và học theo kiểu ghi nhớ dữ liệu.
Để viết cuốn sách này, ông đã tiến hành hàng chục cuộc phỏng vấn với các nhà lãnh đạo kinh doanh và quan sát hàng trăm lớp học ở một số trường công lập được đánh giá cao nhất nước Mỹ.
Đây là cuốn sách khá hữu ích cho các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục trong việc tạo môi trường, định hướng cho giới trẻ trở thành một người có tư duy sáng tạo và làm việc hiệu quả trong tương lai.
Được học – Tara Westover
Cô bé Tara sống trên núi, đã vậy còn chưa bao giờ được đi học bởi vì bố của Tara – một người quyết liệt bài bác trường công cũng như bất cứ khía cạnh văn minh nào “phản tự nhiên”, phản lại ý Chúa – muốn như thế. Thậm chí cô bé này không có cả giấy khai sinh, nghĩa là trong hệ thống xã hội cô không tồn tại. Tara tồn tại theo “luật” của bố: cô được định nghĩa qua những công việc nhằm sửa soạn cho ngày Tận thế, những lao động khổ ải ở bãi phế liệu, và trên hết là nề nếp khắc kỷ tuyệt đối thể hiện lòng sùng kính Chúa.
Cô gái ấy lớn lên hầu như chỉ trong cảm giác vi phạm và tội lỗi – đi học là tội lỗi, rung động với bạn khác giới là tội lỗi, mặc váy và áo thun ôm sát là tay sai của quỷ Sa-tăng. Bố Tara đã nuôi dạy cô (cũng như các anh chị em khác) ở một “thành trì” kiên cố đến mức cô hầu như không thể quen với những lời khen, với tình cảm ân cần, ưu ái. Tara Westover không hề hư cấu chuỗi kịch tính trong đời mình (đọc tự truyện, chúng ta sẽ thấy tác giả luôn lo ngại việc kể sai, kể sót): từ chuỗi vận nạn của chính cô đến những tai nạn lần lượt xảy ra với các thành viên gia đình, mà hầu như tất cả đều bắt nguồn nơi tính cách, lối sống kì dị của ông bố. Song càng lật mở những trang sách thì tim chúng ta càng thắt lại với câu hỏi: Sao kia, chuyện này là có thật?
Tara Westover đã vượt qua cái có thật ấy, dĩ nhiên chẳng hề theo cách thẳng băng, dễ dàng, để được đi học; và mãi về sau, khi trở thành Tiến sỹ tại Đại học Cambridge lừng danh, cô đã buộc phải chấp nhận tình cảnh đứt lìa mối quan hệ với hầu hết người ruột thịt.
Được học, được giáo dục là niềm vui, niềm hạnh phúc, với một số người đó còn là cứu rỗi. Như Tara. Dẫu giá phải trả cực kỳ đắt đỏ, dai dẳng, thấu xương. Nhưng cô đã chọn để được tự do, để trở nên tốt đẹp hơn, dù bao đơn độc.
Viết lên hy vọng – Erin Gruwell
Cuốn sách kể lại hành trình của Erin Gruwell, một giáo viên ngữ văn mới 23 tuổi và tràn đầy lý tưởng. Cô về dạy tại Trung học Wilson (Long Beach, California, Mỹ) và phải đương đầu với một lớp toàn những học sinh cá biệt.
Erin phải đối mặt với những học sinh thích quậy phá đánh nhau trong lớp, trốn tiết… Không chùn bước trước những trò đó, Erin hạ quyết tâm rằng mình phải mang đến sự giáo dục bình đẳng cho các em đang bị đánh giá là “hết thuốc chữa” trong mắt mọi người. Cô có niềm tin mạnh mẽ rằng: giáo dục có thể chiến thắng cả những nghịch cảnh tồi tệ nhất.
Niềm tin đó đã giúp cô cố gắng để hiểu được nhu cầu cũng như nền tảng của các học sinh trong lớp. Từ đó, cô đã tìm ra những cách khích lệ lớp học và mang đến nguồn cảm hứng mới cho các học sinh khi đi học.
Những đứa trẻ thông minh nhất thế giới – Amanda Ripley
Cuốn sách này chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân khiến nền giáo dục phát triển: giáo viên cần được tuyển chọn hết sức khắt khe. Cách duy nhất để nghiêm túc về giáo dục là lựa chọn giáo viên có trình độ cao, những người giỏi nhất và thông minh nhất trong mỗi thế hệ.
Tác giả vốn là một phóng viên từng được trao tặng hai giải thưởng báo chí quốc gia ở Mỹ, đã theo chân ba du học sinh Mỹ đến Hàn Quốc, Phần Lan, Ba Lan để khám phá những bí mật giúp các nước này đào tạo nên những học sinh tài năng. Ở những nước này, trở thành nhà giáo là việc vô cùng khó khăn và cần được đào tạo kỹ lưỡng.
Amanda cũng chỉ ra một điểm quan trọng mà giáo viên cần là sự tận tâm. Chính sự tận tâm cùng tính kiên trì của người giảng dạy sẽ thúc đẩy sự chăm chỉ, có tổ chức của học sinh giúp các em vượt qua rào cản về trí thông minh hay nền tảng xuất thân để tập trung học hành đạt hiệu quả cao.
Tình thầy trò – Todd Whitaker
Cuốn sách mang đến 34 câu chuyện có thật và cảm động, đôi khi hài hước về những người thầy tuyệt vời. Nếu đang theo đuổi giấc mộng trở thành giáo viên, bạn hãy đọc nó để tìm thấy sự khác biệt trong cách cư xử và nói chuyện với học sinh. Mỗi tình huống nhỏ cũng có thể trở thành các kỷ niệm khó quên và là bài học cho cả thầy lẫn trò.
Những câu chuyện trong Tình thầy trò (nguyên tác For the love of teacher, công ty sách Văn Lang, 2014) cũng thể hiện một thông điệp: Ảnh hưởng của người thầy đối với học trò là rất lớn, cả việc giúp định hình nhân cách học trò trong suốt cuộc đời.
Émile Hay Là Về Giáo Dục – Rousseau
Quyển sách là sự hoà quyện giữa văn chương và triết lý. Như tiêu đề của nó đã chỉ ra, đó là một chuyên luận về giáo dục, hay đúng hơn là một chuyên luận về “nghệ thuật hình thành con người”. Tuy nhiên, cũng có thể coi đó là một tiểu thuyết xã hội – sư phạm với nhân vật hư cấu là cậu bé Émile. Việc giáo dục Émile chỉ nhằm một mục đích: đào tạo một con người tự do, có khả năng tự bảo vệ chống mọi sự gò ép khiên cưỡng; mà muốn đào tạo một con người tự do thì chỉ có một cách duy nhất là đối xử với họ như một sinh thể tự do, tôn trọng tự do của đứa trẻ. Chính ở chỗ này nảy sinh một sai lầm nghiêm trọng trong cách hiểu tác phẩm, tuy rằng Rousseau đã cẩn thận phân biệt rõ việc tôn trọng các nhu cầu tự nhiên của đứa trẻ (và tự do là nhu cầu đầu tiên trong các nhu cầu đó) với việc thỏa mãn các ham muốn, các ý thích thất thường của trẻ.
Bách khoa toàn thư Việt Nam có viết: “Cùng với những vấn đề về giáo dục được đặt ra, Rousseau phê phán nền giáo dục đương thời đàn áp nhân cách của trẻ, kể cả dùng nhục hình. Ông cho rằng bản tính con người vốn là thiện, nhưng đã bị xã hội bất bình đẳng huỷ hoại, nên cần xây dựng một nền giáo dục mới, phù hợp với thiên nhiên và bản tính vốn có của con người. Nhân vật chính là Émile – người được hưởng sự giáo dục toàn diện, trong đó thầy tôn trọng nhân phẩm trò, giáo dục trò bằng sự thuyết phục. Tác phẩm thể hiện lòng yêu trẻ tha thiết, tinh thần dân chủ và chủ nghĩa nhân văn, tôn trọng tự do và nhân phẩm con người.” Tư tưởng sư phạm của Rousseau được phản ánh trong các đề án cải cách giáo dục quốc dân của Pháp thời Cách mạng 1789 và có ảnh hưởng đến nhiều nhà tư tưởng – sư phạm, như J. H. Pestalozzi, A. S. Makarenko, J. Dewey v.v… Cho đến nay, Émile hay là về giáo dục vẫn là một tác phẩm được đọc nhiều nhất và phổ cập nhất về đề tài này. Đặc biệt ở Nhật Bản, người ta bắt buộc tất cả các giáo viên mầm non phải đọc cuốn sách này trước khi bước vào nghề.
Tổng hợp bài viết: Cô DƯƠNG MỸ LINH – Giám đốc Học thuật (1) Nisai Global School – Viet Nam | Facebook
Cảm ơn cô Dương Mỹ Linh đã cung cấp bài viết cho KVBro.

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

 

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản

Exit mobile version