Site icon KVBro

XIN VISA ĐOÀN TỤ GIA ĐÌNH TẠI NHẬT BẢN

Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

Hiện nay số người sang Nhật Bản học tập và làm việc ngày càng tăng và nhu cầu đón vợ (chồng) con sang đoàn tụ cũng rất nhiều. Tuy nhiên khá nhiều bạn chưa biết những thủ tục giấy tờ cần thiết để xin visa đón vợ (chồng) và con sang. Để giúp các bạn giải quyết những thắc mắc này, hôm nay, KVBro xin giới thiệu cách xin visa đoàn tụ gia đình tại Nhật Bản【家族滞在ビザ】cũng như những giầy tờ thủ tục của phía Nhật và Việt Nam cần chuẩn bị để xin được visa.

Contents

Các đối tượng có thể xin visa đoàn tụ gia đình

+ Visa đoàn tụ gia đình【家族滞在】là visa cấp cho vợ/chồng hoặc con của người đang sống tại Nhật theo một trong các tư cách lưu trú dưới đây để cùng sang Nhật sinh sống.
+ Phần lớn các bạn Việt Nam thường lưu trú tại Nhật với tư cách visa số 10 【技術・人文知識・国際業務-lao động】và số 14【留学-du học】
+ Theo quy định chính thức của Bộ Tư Pháp Nhật Bản, đối tượng của visa đoàn tụ gia đình chỉ có thể là vợ/chồng đã có đăng ký kết hôn, và con (bao gồm cả con ruột và con nuôi có giấy tờ hợp pháp). Bố mẹ hay anh chị em đều không thuộc diện bảo lãnh của visa này.
+ Nếu người bảo lãnh là người có visa vĩnh trú hoặc là người có quốc tịch Nhật thì visa đoàn tụ gia đình sẽ có tên tiếng Nhật là【永住権の配偶者】hoặc 【日本人の配偶者】còn thủ tục xin visa thì không khác.

■Tư cách lưu trú tại Nhật của bạn

1. 教授giáo sư8. 研究nghiên cứu
2. 芸術nghệ thuật9. 教育giáo dục
3. 宗教tôn giáo10. 技術・人文知識・国際業務visa lao động
4. 報道báo chí11. 企業内転勤chuyển công tác trong doanh nghiệp
5. 経営・管理kinh doanh-quản lý12. 技能kỹ năng (visa cho tu nghiệp sinh)
6. 法律・会計業務luật-kế toán13. 文化活動văn hóa
7. 医療y tế14. 留学du học

Các tiêu chuẩn để được cấp visa đoàn tụ gia đình

+ Tiêu chuẩn quan trọng nhất đó là NĂNG LỰC TÀI CHÍNH của người bảo lãnh. Bạn cần phải chứng minh được mình có đủ khả năng kinh tế để nuôi người mình sẽ bảo lãnh sang.
+ Nếu bạn bảo lãnh với tư cách visa lao động, ngoài giấy tờ chứng minh thu nhập hàng tháng (thu nhập hàng năm) bạn nên nộp thêm giấy tờ chứng minh số dư trong tài khoản ngân hàng tối thiểu 3 tháng để trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình.
+ Nếu bạn bảo lãnh với tư cách visa du học, thì bạn nên chuẩn bị sẵn số dư trong tài khoản ngân hàng đủ để trang trải những chi phí tối thiểu cho cuộc sống sinh hoạt của cả gia đình trong vòng ít nhất 6 tháng. Đối với các bạn du học sinh có học bổng, giấy tờ chứng minh khoản học bổng nhận được định kỳ hàng tháng cũng có tác dụng chứng minh cho năng lực tài chính của mình.

Những khả năng khó xin được visa (những điều này dựa theo kinh nghiệm của nhiều bạn đã đi xin chứ không phải là tiêu chuẩn ghi trong quy định của Bộ Tư Pháp Nhật Bản)
1) Chậm đóng thuế, đóng bảo hiểm
2) Có thu nhập hàng tháng dưới 18 vạn yên/tháng
3) Từng có liên quan đến Pháp luật Nhật Bản (gây tai nạn giao thông, làm việc bất hợp pháp, trốn thuế, buôn bán bất hợp pháp, phạm tội)

Các giấy tờ cần thiết để xin visa đoàn tụ gia đình

Sau đây là các giấy tờ cần thiết bạn cần chuẩn bị để xin visa đoàn tụ gia đình.

(1) Mẫu đăng ký xin cấp giấy chứng nhận tư cách lưu trú (在留資格認定証明書交付申請書)
Mẫu đơn người bảo lãnh có tư cách visa lao động, nghiên cứu
Mẫu đơn người bảo lãnh có tư cách visa du học
Mẫu đơn người bảo lãnh là người Nhật hoặc có visa vĩnh trú

Tất cả các mẫu đơn này đều có viết bằng tiếng Nhật có kèm tiếng Anh nên bạn có thể dễ dàng điền vào.

CHÚ Ý: Mẫu đăng ký này chỉ dùng trong trường hợp người được bảo lãnh đang ở ngoài nước Nhật. Còn đối với trường hợp người được bảo lãnh đã cư trú sẵn tại Nhật theo tư cách lưu trú khác (visa lao động, visa du học) thì dùng mẫu đăng ký xin đổi tư cách lưu trú (在留資格変更許可申請書)

(2) Ảnh thẻ kích thước 3cm x 4 cm 1 tấm
+ Ảnh chụp trong vòng 3 tháng trở lại, không đội mũ, nền trắng, rõ nét.
+ Mặt sau của ảnh ghi rõ tên người đăng ký (người được bảo lãnh), sau đó dán vào ô ảnh trong mẫu đơn đăng ký (1)
+ Nếu người được bảo lãnh dưới 16 tuổi thì không cần dán ảnh vào đơn đăng ký.

(3) Phong bì có dán sẵn tem trị giá 392 yên (để gửi thư đảm bảo) có ghi rõ tên và địa chỉ nhà bạn.

(4) Các giấy tờ chứng mình quan hệ với người được bảo lãnh
(Nếu có thể chuẩn bị được càng nhiều thì hồ sơ càng đẹp, đảm bảo khả năng được cấp visa cao)
+ Công chứng sổ hộ khẩu tại Việt Nam (戸籍謄本)
(trong sổ hộ khẩu phải có đủ tên tuổi quan hệ của bạn và vợ/chồng, con)
+Giấy chứng nhận đã thụ lý đơn đăng ký kết hôn (婚姻届受理証明書)
+Bản sao giấy đăng ký kết hôn (結婚証明書の写し)
+Bản sao giấy khai sinh của con trong trường hợp đón con sang(出生証明書の写し)

(5) Giấy tờ tùy thân của người bảo lãnh
+Thẻ ngoại kiều (在留カードの写し) photo cả 2 mặt
+Hộ chiếu (パスポートの写し)
+Giấy cư trú (住民票)
(Mang thẻ ngoại kiều ra quận 区・市役所 để xin cấp tờ giấy cư trú 住民票 này nhé (300 yên/tờ)

 ■Trường hợp người bảo lãnh là đang đi làm công ty tại Nhật Bản.
(6-1) Giấy tờ chứng minh thu nhập và công việc của người bảo lãnh
+Giấy xác nhận đang làm việc tại công ty (在職証明書)
••••Nếu công ty bạn có mẫu sẵn bạn có thể dùng luôn và xin đầy đủ dấu đỏ của công ty. Nếu công ty không có mẫu sẵn bạn có thể Download mẫu tại đây.
+Phiếu tổng kết thu nhập và tiền thuế cuối năm(源泉徴収票)
••••Công ty sẽ phát cho các bạn 1 năm 2 lần . vào tháng 6 và tháng 12, bạn nộp bản mới nhất.
+Chứng nhận nộp thuế thị dân/ thuế thu nhập (住民税又は所得税の納税証明書)
+Bản sao giấy khai thuế trên quận(確定申告書控えの写し)
••••Các bạn đến quận 区・市役所,nhớ mang theo giấy tờ tuỳ thân như thẻ ngoại kiều hoặc bằng lái để xin tờ phiếu住民税又は所得税の納税証明書確定申告書控えnày nhé. (300 yên/tờ)
+Giấy chứng nhận số dư tài khoản ngân hàng mang tên người bảo lãnh (扶養者名義の預金残高証明書) nếu thu nhập của bạn không cao hay bạn bảo lãnh vợ/chồng và con cùng lúc.

■Trường hợp người bảo lãnh là du học sinh
(6-2) Giấy tờ chứng minh thu nhập và học tập của người bảo lãnh
+Giấy chứng nhận đang đi học tại trường nào (在学証明書)
+Giấy chứng nhận số dư tài khoản ngân hàng mang tên người bảo lãnh (扶養者名義の預金残高証明書)
+Giấy chứng nhận tiền học bổng hoặc trợ cấp (給付金額及び給付期間を明示した奨学金給付に関する証明書)
+Giấy chứng nhận đang đi làm thêm và thu nhập hàng tháng (xin tại chỗ bạn đang làm việc)
+Nhiều trường hợp các bạn du học sinh nghỉ học nhiều đi làm thêm nên có thể cần cả giấy chứng mình đi học đều (出席証明書)

※Giấy chứng nhận số dư tài khoản ngân hàng bạn nên ra ngân hàng xin họ cấp giấy chỉ ghi đúng số dư tài khoản tại thời điểm đấy. Bạn có thể huy động vay bạn bè hoặc người nhà gửi sang để chuyển vào tài khoản ngay trước đó. Không nên photo sổ ngân hàng vì sẽ hiện toàn bộ dòng tiền ra vào tài khoản của bạn. Lệ phí xin giấy chứng nhận số dư tài khoản tùy ngân hàng, thường từ 500 đến 1000 yên.

(7) Những giấy tờ khác
+ Giấy khai sinh của người bảo lãnh và người được bảo lãnh (công chứng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật)
+ Bản photo hộ chiếu của người được bảo lãnh

CHÚ Ý:
+ Tất cả các giấy tờ đều phải dịch sang tiếng Anh hoặc tiếng Nhật. Giấy tờ ở Việt Nam cần công chứng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật.
+ Các giấy tờ xin tại Nhật (ví dụ giấy chứng nhận đang làm việc, giấy tờ về thuế, giấy tờ khoản dư ngân hàng…) đều phải là giấy tờ được cấp trong vòng 3 tháng trở lại.
+ Ngoài các giấy tờ được đề cập ở đây, vẫn có thể có trường hợp cục xuất nhập cảnh Nhật Bản sẽ yêu cầu bạn bổ sung hoặc giải trình các giấy tờ cần thiết khác nếu cần.

Sau khi chuẩn bị các giấy tờ trên, bạn cầm lên cục xuất nhập cảnh địa phương để nộp. Đợi kết quả, nếu được chấp nhận, giấy tờ lưu trú của vợ/chồng(con) sẽ được gửi về nhà bạn theo phong bì bạn đã chuẩn bị ở trên. Nếu nhanh thì khoảng 2 tuần bạn sẽ nhận được, còn nếu chậm thì khoảng 1 tháng. Sau khi nhận được giấy lưu trú, bạn gửi về Việt Nam cho vợ/chồng làm Visa nhé.

Giấy tờ phía Việt Nam cần chuẩn bị để xin cấp visa

Sau khi chồng/vợ bạn đã xin xong giấy tư cách lưu trú cho bạn tại Nhật, bạn chuẩn bị những giấy tờ sau đây nộp lên đại sứ quán (hoặc lãnh sự quán) để xin visa nhé.

(1) Giấy Xin cấp visa
(Các bạn viết bằng Tiếng Anh theo bản mẫu nhé)
(2) Giấy tư cách lưu trú (phía Nhật gửi về, bản gốc và 1 bản copy)
(3) Ảnh 4x6cm phông nền trắng ghi rõ họ tên ngày tháng năm sinh ở mặt sau.
(4) Hộ chiếu (các bạn nên làm hộ chiếu sẵn từ khi chồng/vợ có ý định bảo lãnh sang Nhật)

Chuẩn bị sẵn nếu phía Đại sứ quán/lãnh sứ quán yêu cầu thêm.
(5) Bản sao công chứng giấy đăng ký kết hôn (nếu xin cho vợ/chồng)
(6) Giấy khai sinh (nếu là xin cho con)
(7) Sổ hộ khẩu

※Với trường hợp vợ/chồng bạn làm trong quân đội hay công an, việc xin visa đoàn tụ gia đình sẽ có thể khó hơn 1 chút do quá trình xét duyệt hồ sơ. Tốt nhất bạn nên nộp giấy đã nghỉ việc.

Hy vọng bài viết giới thiệu cách xin visa đoàn tụ gia đình tại Nhật Bản của KVBro sẽ giúp ích được cho các bạn. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất. Chúc các bạn mau chóng đoàn tụ với gia đình thân yêu!

 

Đánh giá bài viết: Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản

Exit mobile version