THẾ GIỚI THIẾU LÃNH ĐẠO TRONG CƠN DỊCH

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (2 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Đây là một bài viết của Yuval Harari hai tuần trước được đăng trên Tạp chí Time.

Ảnh của The Guardian.

*********

Rất nhiều người cho rằng nạn dịch vi-rút Corona đợt này là do quá trình toàn cầu hóa và rằng cách duy nhất để ngăn ngừa các đợt dịch bệnh tương tự trong tương lai là chấm dứt toàn cầu hóa trong phạm vi toàn thế giới. Tức là hãy xây tường, hạn chế đi lại và giảm thiểu giao thương. Tuy vậy, về ngắn hạn, sự cách ly là cần thiết để chấm dứt sự lây lan của bệnh dịch, về lâu dài, chủ nghĩa cô lập sẽ dẫn đến sự sụp đổ kinh tế và cũng không tạo ra bất kỳ cơ chế thực thụ nào để bảo đảm dịch bệnh không lây lan. Hoàn toàn ngược lại. Liều thuốc giải cho dịch bệnh không phải là sự cô lập mà là sự hợp tác.

Trong lịch sử, các đợt dịch bệnh đã giết chết hàng triệu người trước kỷ nguyên toàn cầu hóa. Vào Thế kỷ 14, hồi đó không hề có máy bay hay tầu thủy. Thế nhưng Cái Chết Đen (the Black Death) đã lây lan từ Đông Á sang Tây Âu trong khoảng thời gian hơn một thập kỷ một chút, lấy đi sinh mạng từ 75 đến 200 triệu người – hơn một phần tư tổng dân số Á Âu thời đó. Tại Anh, cứ 10 người thì có 4 người chết. Thành phố Florence Ý có 100.000 người thì 50.000 chết.

Vào tháng Ba năm 1520, duy một nhân vật mang mầm bệnh đậu mùa là Francisco de Eguía đã đặt chân đến miền đất Mexico. Lúc đó Trung Mỹ không có tàu hỏa, xe buýt hay thậm chí là cả lừa. Dù vậy, đến tháng 12 năm đó, dịch đậu mùa đã tàn phá khắp Trung Mỹ, ước tính lấy đi sinh mạng khoảng 1/3 dân số ở đó.

Vào năm 1918, dịch cúm quái ác chỉ mất vài tháng đã có thể lan đến mọi ngóc ngách xa xôi nhất của thế giới loài người. Đợt cúm này đã khiến một nửa tỷ người bị lây nhiễm – hơn ¼ tổng dân số thế giới lúc đó. Số liệu ước tính rằng đợt cúm đã lấy đi mạng sống của khoảng 5% dân Ấn Độ. Tại đảo Haiti, tỷ lệ tử vong là 14% còn ở Samoa là 20%. Chỉ trong vòng vỏn vẹn chưa đến một năm, vài chục triệu người, có thể còn đến trăm triệu người đã chết. Số này còn cao hơn số người chết trong 4 năm tàn bạo của Thế chiến thứ nhất.

Trong một thế kỷ sau đó, nhân loại trở nên dễ tổn thương hơn với các trận dịch. Lý do là vì lượng nhân khẩu tăng và hệ thống giao thông phát triển. Những đô thị lớn như Tokyo hay Mexico mầm bệnh sẽ có mảnh đất màu mỡ sinh sôi hơn là thành phố Florence thời trung cổ. Hệ thống giao thông ngày nay cũng nhanh hơn rất nhiều so với thời những năm 1918. Một loại vi-rút có thể được phát tán từ Paris sang Tokyo hay Mexico trong vòng chưa đến một ngày. Vì thế, chúng ta phải được nghĩ rằng mình đang sống trong địa ngục lây nhiễm. Dịch bệnh này sẽ nối tiếp dịch bệnh khác.

Tuy nhiên, thực tế lại là cả sự bùng phát và ảnh hưởng của các đợt dịch trong thời gian qua đều kết thúc chóng vánh. Bất kể sự bùng phát ghê sợ của các trận dịch như AIDS hay Ebola, các đợt dịch của thế kỷ 21 có số người chết ít hơn rất nhiều so với các thời trước đó, tính từ Thời đồ đá. Lý do là bởi vì biện pháp phòng chống mầm bệnh tốt nhất của loài người không phải là cô lập, cách ly mà là thông in. Nhân loại đã từng chiến thắng trong các cuộc chiến chống dịch bệnh vì cuộc chạy đua giữa mầm bệnh và đội ngũ y bác sỹ. Mầm bệnh dựa vào sự biến chủng của mình còn y bác sỹ thì dựa vào việc phân tích thông tin dưới giác độ khoa học.

CHIẾN THẮNG CUỘC CHIẾN VỚI DỊCH BỆNH

Khi Cái Chết Đen bùng phát vào Thế kỷ 14, loài người không hiểu nguyên nhân của nó từ đâu và cách nào để dập nó! Cho đến thời hiện đại, con người thường đổ cho bệnh tật là do sự giận dữ của thần linh, do ma quỷ hay khí hung, không mảy may biết đó là do vi khuẩn hay vi-rút. Loài người lúc đó tin vào thần thánh và các thiên thần. Họ không thể tưởng tượng nổi rằng chỉ một giọt nước có thể chứa đủ một hạm đội những kẻ săn mồi chết chóc. Vì thế cho nên khi Cái Chết Đen hay bệnh đậu mùa ập đến, điều mà cơ quan quyền lực có thể nghĩ được tốt nhất lúc đó là tổ chức cầu nguyện tập thể để xin các vị thần. Điều này không giúp gì cả. Thay vào đó, khi mọi người tụ tập để cầu nguyện, việc tụ tập thường khiến việc lây nhiễm xảy ra nhanh hơn.

Vào thế kỷ trước, các nhà khoa học, đội ngũ y bác sỹ trên toàn thế giới đã cố gắng thu thập thông tin và cùng nhau tìm cách hiểu về cơ chế gây ra dịch và biện pháp khống chế nó. Thuyết tiến hóa giúp chúng ta hiểu vì sao và làm thế nào mà các bệnh dịch mới bùng phát và các loại bệnh dịch cũ trở nên nguy hiểm hơn. Khoa học nghiên cứu về gien đã giúp các nhà khoa học nghiên cứu kỹ về sổ tay kỹ thuật của các mầm bệnh. Ở thời Trung cổ, loài người không thể hiểu vì sao lại xảy ra Cái Chết Đen. Thế nhưng, chỉ mất hai tuần các nhà khoa học hiện thời có thể tìm ra con vi-rút Corona, giải mã trình tự bộ gien của nó và phát triển bộ xét nghiệm giúp xác định người nhiễm bệnh.

Một khi mà các nhà khoa học hiểu căn nguyên của bệnh dịch, việc chống dịch trở nên dễ dàng hơn nhiều. Vắc-xin, kháng sinh, tăng cường vệ sinh và cơ sở vật chất y tế tốt hơn nhiều so với những thời kỳ trước đã cho phép loài người ở cơ cao hơn so với những kẻ săn mồi vô hình. Vào năm 1967, bệnh đậu mùa vẫn có thể khiến 15 triệu người bị lây nhiễm và tước đi sinh mạng 2 triệu người trong số này. Nhưng chỉ trong một thập kỷ sau đó, chiến dịch tiêm chủng toàn cầu đã được thực thi thành công đến mức mà vào năm 1979, Tổ chức y tế thế giới (WH)) đã tuyên bố rằng loài người đã chiến thắng và rằng bệnh đậu mùa đã bị xóa sổ hoàn toàn. Trong năm 2019, không một người nào trên thế giới bị nhiễm hay chết vì bệnh này cả.

GÁC BIÊN

Lịch sử có thể dạy chúng ta điều gì trong dịch Coronavirus này?

Đầu tiên, lịch sử nói khẽ với ta rằng chúng ta không thể bảo vệ mình bằng việc đóng biên vĩnh viễn. Hãy nhớ rằng các nạn dịch đã lây lan nhanh chóng kể cả tại thời Trung cổ, xưa lắc so với kỷ nguyên toàn cầu hóa hiện thời. Vì thế kể cả khi bạn giảm thiểu những mối tiếp xúc toàn cầu đến mức độ của nước Anh vào năm 1348 thì mức này vẫn chưa đủ. Để thực sự bảo vệ mình thông qua việc cách ly, trở lại thời Trung cổ không đủ. Bạn sẽ phải trở lại thời Đồ đá. Liệu có thể làm được điều này?

Thứ hai, lịch sử nói cho chúng ta biết rằng cách bảo vệ thực sự là từ việc chia sẻ thông tin khoa học đáng tin cậy và sự đoàn kết toàn cầu. Khi một quốc gia bị trận dịch tấn công, quốc gia này cần sẵn lòng chia sẻ một cách trung thực thông tin về trận dịch mà không có quan ngại về hậu quả kinh tế. Mặt khác, các nước khác lúc này cần đặt niềm tin vào thông tin được chia sẻ và cần đưa tay giúp đỡ chứ không phải tẩy chay nạn nhân. Hiện tại, Trung Quốc có thể nói cho các nước trên thế giới rất nhiều bài học quan trọng về con vi-rút. Nhưng việc này lại cần có một mối tin tưởng và hợp tác quốc tế ở cấp cao.

Hợp tác quốc tế cũng cần thiết để các biện pháp cách ly có thể hữu hiệu. Cách ly và phong tỏa là hai giải pháp thiết yếu để chặn sự lây lan của bệnh dịch. Nhưng nếu giữa các quốc gia không có sự tin tưởng lẫn nhau và một khi mỗi quốc gia chỉ nghĩ cho riêng nó thì các chính phủ sẽ ngại ngần trong việc áp dụng các biện pháp cứng rắn nói trên. Nếu nước bạn có 100 trường hợp lây nhiễm, liệu bạn có ngay lập tức phong tỏa toàn bộ các thành phố? Ở một bình diện lớn hơn, quyết định này phụ thuộc vào việc bạn nghĩ gì về phản ứng của nước khác. Phong tỏa các thành phố có thể khiến kinh tế ở đó suy sụp. Nhưng nếu bạn có niềm tin rằng trong trường hợp đó sẽ có các nước khác dang tay ra giúp. Lúc này, bạn sẽ có khả năng áp dụng biện pháp quyết liệt đó. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng các nước sẽ bỏ rơi mình, lúc đó chắc bạn sẽ ngại ngần mà áp dụng lệnh phong tỏa chỉ trừ khi quá muộn.

Có lẽ điều quan trọng nhất mà mọi người cần hiểu về các đại dịch là việc lây lan của một trận dịch tại bất kỳ quốc gia nào cũng có thể gây nguy hiểm cho toàn bộ loài người. Lý do là bởi vì sự tiến hóa của con vi-rút. Các loại vi-rút, như con Corona đợt này, có nguồn gốc từ động vật như dơi. Khi chúng lây sang người, lúc đầu chúng rất yếu. Nhưng khi chúng bắt đầu nhân ra giữa người này với người khác, thường chúng sẽ biến chủng (mutation). Hầu hết các kiểu biến chủng là vô hại. Nhưng rồi lúc này lúc khác sẽ có lần biến chủng khiến khả năng lây lan của chúng lớn hơn hay có khả năng đề kháng lại hệ thống miễn dịch của con người tốt hơn. Dòng vi-rút biến chủng này sau đó sẽ nhanh chóng lây lan. Vì lý do chỉ một cá nhân có thể chứa tới hàng nghìn tỷ phần tử vi-rút (virus particle) – phần tử liên tục sinh sôi nảy nở – một người bị nhiễm bệnh có thể giúp một loại vi-rút hàng nghìn tỷ cơ hội mới để có thể trở nên thích ứng với con người. Mỗi một người mang vi-rút như thế giống như một máy đánh bạc, cái máy đưa cho con vi-rút hàng nghìn tỷ tờ vé số. Con vi-rút chỉ cần rút trúng một tờ vé trúng thưởng là đủ để sinh sôi nảy nở.

Đây không phải là phỏng đoán. Trong cuốn sách “Crisis in the Red Zone” (tạm dịch: Khủng Hoảng Tại Vùng Nguy Hiểm), tác giả Richard Preston miêu tả chính xác chuỗi các sự kiện như vậy tại đợt dịch Ebola năm 2014. Đợt bùng phát của trận dịch này xảy ra khi một số con vi-rút Ebola đã đột biến từ dơi sang người. Con vi-rút này khiến người nhiễm cảm thấy rất ốm yếu nhưng nó vẫn thích nghi với dơi hơn là người. Lý do mà Ebola từ một loại bệnh khá hiếm thành một trận dịch tai ác là một gien duy nhất trong con vi-rút đã đột biến với một người nào đó tại khu vực Makona ở Tây Phi. Sự tiến hóa đã khiến chủng vi-rút Ebola – gọi là chủng Makona – kết nối được với kênh vận chuyển cholesterol của tế bào. Như vậy, thay vì kênh kết nối sẽ vận chuyển cholesterol cho tế bào, nó sẽ vận chuyển Ebola. Chủng Makona mới này có khả năng lây nhiễm cao hơn 4 lần các chủng cũ.

Khi bạn đọc các dòng này, có thể sự đột biến tương tự trong một gien của vi-rút Corona cũng đang diễn ra và lây nhiễm cho một số người tại Tehran, Milan hay Vũ Hán. Nếu chuyện này thực sự xảy ra, đây không còn là mối đe dọa cho người dân Iran, Ý hay Trung Quốc mà nó còn là mối đe dọa cho chính cuộc sống của bạn. Toàn bộ loài người lúc này có một mối lợi ích chung giữa sống và chết để không cho con vi-rút này cơ hội đó. Điều này có nghĩa là chúng ta phải bảo vệ toàn bộ mọi người tại mọi quốc gia.

Vào năm 1970, loài người đã có thể đánh bại vi-rút đậu mùa bởi vì tất cả mọi người đều được tiêm ngừa bệnh này. Giả sử nếu có một quốc gia nào đó không tiêm phòng vắc-xin cho cư dân của mình, hành vi này có thể gây nguy hiểm cho toàn bộ thế giới bởi vì một khi mà vi-rút đậu mùa còn tồn tại và tiến hóa ở đâu đó, nó có thể quay lại và lây lan tại mọi nơi.

Trong cuộc chiến chống lại vi-rút, loài người cần gác biên chặt chẽ. Nhưng biên ở đây không phải là đường biên giới giữa các quốc gia. Thay vào đó, mỗi quốc gia cần canh khác đường biên giữa loài người và loài vi-rút. Trái đất chứa đựng vô số loài vi-rút. Các loài vi-rút mới liên tục tiến hóa thông qua việc biến đổi gien. Đường biên giữa vi-rút và loài người nằm trong cơ thể của mỗi con người. Nếu một loài vi-rút nguy hiểm có thể vượt qua biên giới này trong một cơ thể bất kỳ nào trên trái đất, nó có thể khiến toàn bộ loài người ở trong vòng nguy hiểm.

Trong thế kỷ trước, loài người đã kiểm soát đường biên chặt chẽ hơn bất kỳ khoảng thời gian nào trước đó. Hệ thống y tế hiện tại đã được xây dựng để tạo thành những bức tường phân chia ranh giới. Đội ngũ y bác sỹ và các nhà khoa học là những người vệ binh canh trừng và tiêu diệt những kẻ xâm nhập. Tuy nhiên, nhiều khu vực tại đường biên này đã bị bỏ ngỏ một cách đáng buồn. Việc này khiến tất cả chúng ta chịu nguy hiểm. Chúng ta đã từng nghĩ về việc chăm sóc y tế trên bình diện quốc gia nhưng không nghĩ rằng việc chăm sóc y tế cho người Iran và người Trung Quốc tốt hơn cũng giúp bảo vệ người Israel và người Mỹ trước dịch bệnh. Mọi người cần được biết sự thật giản đơn này. Thế nhưng, không may là nó lại không được biết đến đối với một số người quan trọng nhất trên thế giới.

MỘT THẾ GIỚI KHÔNG LÃNH ĐẠO

Hiện tại, loài người đang đối diện với cuộc khủng hoảng nhức nhối không chỉ vì con vi-rút mà còn vì sự mất niềm tin nơi nhau. Để chiến thắng dịch bệnh, con người cần có niềm tin vào các chuyên gia. Công dân cần tin chính quyền. Các quốc gia cần tin tưởng lẫn nhau. Trong mấy năm qua, các nhà chính trị vô trách nhiệm đã cố tình hủy hoại niềm tin vào khoa học, vào cơ quan chính quyền và việc hợp tác quốc tế. Kết quả là, chúng ta đang đối diện với cuộc khủng hoảng mà mất đi những nhà lãnh đạo toàn cầu có thể truyền cảm hứng, tiến hành tổ chức và tài trợ cho một chiến dịch ứng phó toàn cầu có phối hợp.

Trong đợt dịch Ebola năm 2014, nước Mỹ đã giữ vai trò lãnh đạo như vậy. Nước Mỹ cũng đã thực hiện vai trò tương tự trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi nó tập hợp quanh mình đủ các quốc gia để ngăn ngừa sự tan rã kinh tế ở quy mô toàn cầu. Chính quyền Mỹ hiện thời đã cắt giảm viện trợ cho các tổ chức quốc tế như Tổ chức y tế thế giới (WHO) và khiến thế giới hiểu một cách rõ ràng rằng nước Mỹ không có ai là bạn đích thực cả. Nó chỉ có lợi ích. Khi khủng hoảng dịch Corona bùng phát, nước Mỹ đứng ngoài lề. Cho đến bây giờ nó vẫn từ chối vai trò lãnh đạo. Thậm chí kể cả khi cuối cùng nếu nước này chịu nhận vai trò lãnh đạo, niềm tin vào chính quyền hiện tại của Hoa Kỳ đã bị xói mòn đến mức rằng chỉ còn rất ít quốc gia sẽ nghe theo nó. Ai mà tin theo một người lãnh đạo mà phương châm hành động của ông ta là “Tôi trước hết” (me first)?

Khoảng trống của Mỹ để lại chưa được ai lấp vào. Ngược lại thì có!

Thái độ bài ngoại, tự cô lập và mất niềm tin nay là hiện thân tại hầu hết các thiết chế quốc tế. Nếu không có niềm tin và sự đoàn kết, loài người sẽ không thể ngăn chặn đại dịch này và chúng ta rất có thể sẽ phải gặp các đợt dịch bệnh tương tự trong tương lai. Thế nhưng trong mọi cuộc khủng hoảng đều có cơ hội. Hy vọng rằng đợt dịch này sẽ giúp loài người nhận ra mối nguy nhức nhối vì sự thiếu thống nhất ở bình diện toàn cầu.

Lấy ví dụ, đợt dịch này có thể là cơ hội vàng giúp EU lấy lại những sự ủng hộ của công chúng mà nó đã đánh mất trong những năm gần đây. Giả sử nếu một quốc gia EU may mắn sẽ nhanh chóng và hào hiệp gửi tiền, trang thiết bị và đội ngũ y bác sỹ đến để giúp người bạn thành viên chịu tác động lớn nhất bởi dịch, hành vi này sẽ chứng minh giá trị về lý tưởng liên minh hơn bất kỳ một bài phát biểu nào. Nhưng mặt khác, nếu một quốc gia bị bỏ rơi tự xoay xở thì đợt dịch này sẽ có thể là hồi chuông cáo chung cho liên minh.

Với cuộc khủng hoảng này, khó khăn chính yếu là giữa những con người với nhau. Nếu đợt dịch này khiến loài người trở nên bất hòa và mất niềm tin nơi nhau hơn, đó sẽ là chiến thắng lớn nhất của con vi-rút. Khi mà mọi người còn đang cãi nhau, con vi-rút đang tự nhân đôi. Ngược lại, nếu đợt dịch này khiến thế giới có sự hợp tác tốt hơn, đó sẽ là chiến thắng không chỉ đối với con vi-rút mà còn là chiến thắng đối với mọi mầm bệnh tương lai.

Nguồn: Time

Lược dịch: Nguyễn Quốc Vinh