CÁCH NHẬT CHỐNG VIRUS CORONA CHỦNG MỚI

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (10 votes, average: 4.90 out of 5)

Loading...

Nếu ai theo dõi thông tin trên NHK, xem các buổi họp báo của Ban chuyên gia phòng chống Corona thì sẽ biết và nhớ bác Omi Shigeru, người giữ vị trí phó Ban chuyên gia. Bác cũng là Trưởng ban tham vấn về cho chính phủ trong đợt chống dịch này.
Các buổi họp báo, các bài phỏng vấn của bác hầu như mình xem hết và cảm thấy thật sự có cảm tình với gương mặt, cách nói chuyện của bác. Bác cũng đã lớn tuổi rồi nhưng vẫn còn làm việc cường độ như hiện tại khiến mình phục lăn.
Mình chỉ xem thông tin của giới chuyên gia đưa ra là chính, các buổi họp báo của Ban chuyên gia mình đều xem và cũng đọc lại bài viết để kiểm tra thông tin kỹ hơn. Nói chung là xem nhiều lắm nhưng mình chỉ tóm lược các điểm chính trong cách phòng chống dịch Corona tại Nhật theo cách mình hiểu.
Thứ nhất là chiến lược Cluster của Nhật và 3 điều kiện mà giới chuyên môn đã đưa ra từ cuối tháng 2, kêu gọi mọi người để ý và hợp tác để giảm sự lây nhiễm.
Cluster: Lây nhiễm nhóm
3 điều kiện mà giới chuyên gia đưa ra là:
1) Nơi kín (phòng kín không thoáng khí)
2) Đông đúc (Tập trung nhiều người)
3) Tiếp xúc gần (cự li với tay ra được và nói chuyện phát ra tiếng)
Sở dĩ nhóm chuyên gia đưa ra 3 điều kiện trên vì trong quá trình phân tích dữ liệu người nhiễm, theo dõi cách lây, quá trình lây trong nước Nhật họ nhận ra cách lây của virus corona không giống như cúm influenza thông thường.
Cảm cúm (influenza) thì cứ 5 người nhiễm thì toàn bộ 5 người đó, cứ mỗi người sẽ lây cho 1,2 người rất dễ nhưng Corona thì cứ 5 người nhiễm thì 4 người sẽ không lây cho người khác dù tiếp xúc gần, chỉ có 1 người sẽ lây cho người khác. Và chỉ 1 người có khả năng lây cho người khác đó nếu đến nơi hội tụ 3 điều kiện trên thì sẽ rất dễ phát sinh 1 cluster (nhóm lây nhiễm).
Nhiệm vụ và chiến lược đưa ra là phát hiện các cluster, ngăn chặn sự lây nhiễm chéo giữa các cluster -> không xảy ra hiện tượng bùng phát lây nhiễm (overshoot)
Lý do vì sao có sự khác nhau giữa người có thể lây và không lây thì hiện tại người ta cũng chưa rõ nhưng họ cho rằng không phải đặc tính của virus mà có thể tùy thuộc vào “trạng thái” của người bị nhiễm.
Trạng thái ở đây có thể là LƯỢNG virus mà người bị nhiễm bị lây, nếu số lượng virus nhiễm quá lớn thì sẽ có một số số lượng lớn virus sinh sôi tăng trong cổ họng -> dễ phát tán và lây cho xung quanh.
Trạng thái tiếp theo có thể nói là hệ miễn dịch của mỗi người. Chỗ này chắc sẽ khó mà tìm được câu trả lời chính xác.
Có lẽ chính vì vậy mà có một tỉ lệ khá lớn khoảng 80% người bị nhiễm nhưng sẽ không lây cho người khác nếu không ở môi trường lý tưởng có 3 điều kiện trên chăng?!
Thứ hai, lý do Nhật không test PCR đại trà, số lượng lớn
Thực tế là ngay giai đoạn đầu Nhật không có thực lực và nguồn tài nguyên test PCR nhiều được.
Họ có khả năng test influenza rất nhanh lẹ, và có vô vàn kit để test cảm cúm mỗi năm (là do họ có mẫu dữ liệu của những virus đó và sản xuất được các kit test dựa trên dữ liệu đó rất dễ dàng) nhưng con virus này nó quá mới, họ chưa có dữ liệu và chưa thể sản xuất hàng loạt với số lượng lớn được. Lượng nhân viên y tế đủ nghiệp vụ để test cũng không có nhiều nên việc test này thời gian đầu nói chung là khá bị hạn chế.
Trong đại dịch SARS 2009, Nhật may mắn là con này hầu như không vào Nhật, nên họ cũng chẳng có kinh nghiệm gì nhiều trong việc chống SARS.
Các viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm ở Nhật có nhưng có lẽ trong một thời gian dài họ không có bất cứ dịch hay bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng nên khi bất ngờ xảy ra thì họ cần phải “kích hoạt” và khởi động một tí thì mới chạy tốt lên
(Đọc các bài phân tích về đằng sau sự khó khăn của test PCR trong Nhật thì mới thấy đủ thứ nhiêu khê, hàng loạt các động thái của các Bộ, trung tâm nghiên cứu nhằm cải thiện việc nâng khả năng test được nhiều hơn. Có cảm giác hệ thống, network liên kết liên lạc luôn ở trạng thái động, cập nhật thông tin hàng ngày để tìm ra giải pháp).
Thời gian đầu, Nhật chỉ test được một ngày có vài trăm mẫu, và từ đó họ liên tục nâng mục tiêu này lên, thực tế thì cũng có thể thấy rõ số lượng test của Nhật tăng dần dần.
Nghe nói sắp tới khả năng test là 20.000 mẫu/ngày. So với thời gian đầu mỗi ngày chỉ được vài trăm thì với số lượng này mình nghĩ họ cũng đã nỗ lực rất lớn.
Từ việc biết thực lực và dựa trên số liệu 20% người bị nhiễm có khả năng chuyển biến xấu nên trong tình huống đó Nhật buộc phải lựa chọn là tập trung nguồn tài nguyên y tế đang có nhằm hạn chế con số tử vong.
Họ sẽ ưu tiên test và dành nguồn tài nguyên y tế đó để phát hiện, xử lý các trường hợp rủi ro cao, mục tiêu từ đầu là giảm số tử vong ở mức tốt nhất.
Hơn nữa, test PCR độ chính xác cũng không cao cho lắm. Không riêng về test corona lần này mà cả các loại test cúm đó giờ cũng vậy. Sẽ có một tỉ lệ sai sót nhất định.
Sẽ có một tỉ lệ khoảng dưới 30% là âm tính giả. Tức là có mầm bệnh nhưng lại ra kết quả là không. Nên việc truy và cách li về mặt ý nghĩa nó cũng giảm theo tỉ lệ âm tính giả đó.
Tiếp theo, trường hợp cúm thì việc test để biết cúm nó có ý nghĩa rất lớn là nó đã có thuốc trị, tức nếu phát hiện sớm thì uống thuốc sớm, ngăn chặn sự sinh sôi của virus ngay tại giai đoạn đầu thì việc điều trị rất có ý nghĩa.
Còn ở con Corona , khi biết nhiễm thì cũng không có thuốc đặc trị , chỉ có cách theo dõi và chọn cách điều trị hỗ trợ theo triệu chứng (cho uống các thuốc kiểu đề phòng như kháng sinh, hạ sốt các kiểu thôi, dùng máy trợ thở, yếu quá thì dùng phổi nhân tạo ECMO)
Cho test đại trà cũng chỉ làm tăng áp lực y tế và sẽ khiến cho việc tìm kiếm bệnh nhân có nguy cơ cao cũng sẽ bị chậm lại (do lượng test quá lớn và phải chờ đợi).
Nên đến giờ Nhật vẫn xuyên suốt theo phương châm là hạn chế quá tải y tế và nỗ lực ưu tiên cứu người nguy cơ cao. Họ sẽ lọc theo triệu chứng qua tư vấn điện thoại, nếu có nghi ngờ nhiễm corona họ sẽ hướng dẫn chỗ test, nếu nghi ngờ không cao họ sẽ yêu cầu đến khám ở các cơ sở địa phương. Điều này cũng là cách để giảm nguy cơ cho bác sĩ địa phương
Lý do đó cũng liên quan đến hệ thống y tế của Nhật. Mình đánh giá hệ thống y tế Nhật có lẽ tốt trong hàng top của thế giới (tốt về sự tiện lợi, chất lượng khám)
Nhật có số lượng bệnh viện nhiều nhất thế giới với khoảng 9000 bệnh viện, rải rác và tập trung trên khắp nước, và sẽ nhiều ở các nơi dân cư đông. Bệnh nặng nhẹ các kiểu ai cũng có thể tự chọn và tìm được các bệnh viện mình muốn đi. Như nhà mình, trong phạm vi đi bộ thì có 2-3 clinic khám nội khoa được. Đi xe đạp thì có đến 2 bệnh viện tổng hợp lớn. Chưa kể vô số các clinic chuyên khoa tai mũi họng, mắt, răng, các trung tâm khám sức khỏe định kỳ của các hiệp hội bảo hiểm các kiểu nhiều không đếm hết.
Tất cả các bệnh viện đó ai cũng có thể tự do đi khám và dùng bảo hiểm để trả, phần phí dân chịu đa số là 30%, tỉ lệ này sẽ giảm với người già, hộ nghèo… Trẻ em thì hầu như miễn phí, bất cứ bệnh gì.
Nên nếu không khuyến khích tư vấn qua mạng thì việc quá dễ dàng đi bệnh viện sẽ làm tăng nguy cơ đem mầm bệnh đến các clinic.
Một khi clinic, bệnh viện địa phương bị nhiễm thì họ buộc phải đóng cửa, cách li nhân viên, điều này xảy ra nhiều thì sẽ khiến các bệnh thông thường khác cũng không được điều trị, và cứu kịp thời -> làm gia tăng nguy cơ quá tải y tế.
Còn một điểm sáng trong hệ thống y tế của Nhật là Nhật có số máy chụp CT thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ có khoảng 400 máy (dù Mỹ có dân số gấp mấy lần Nhật)
Nên trong việc test tìm ra viêm phổi Nhật đã khuyến khích chẩn đoán lâm sàng và kết quả CT. Nếu thấy viêm phổi trong giai đoạn này hầu hết họ sẽ cho test PCR.
Tóm lại, trong việc test PCR thì Nhật có thể nói không làm tốt so với các nước khác nhưng mình nghĩ họ đã làm hết sức trong điều kiện hiện tại và đó cũng là cách tốt nhất trong từng thời điểm và cũng đang cố gắng hết sức để cải thiện những chỗ còn thiếu sót.
(Những người cực nhất trong giai đoạn này có lẽ là Trung tâm y tế tiếp nhận điện thoại, hướng dẫn và điều tra cluster, các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch).
Điều sau cùng, có lẽ là điều mà mọi người chê nhiều nhất là việc Nhật không có biện pháp mạnh để nghiêm cấm hay hạn chế di chuyển.
Ngay từ đầu, khi có chuyến đón dân từ Vũ Hán về có 2 người từ chối kiểm tra và cũng được cho về, dân tình bàn tán xôn xao thì mình đã lên mạng tìm hiểu nguyên nhân.
Thì biết mọi cái phụ thuộc vào luật. Ngay thời điểm đó luật Nhật không có tính cưỡng chế được việc cách li hay xét nghiệm (vì bệnh truyền nhiễm do corona gây ra chưa được chỉ định vào danh sách bệnh truyền nhiễm) nên nó cũng giống như các bệnh khác, ai muốn đi bệnh viện, ai muốn xét nghiệm thì đó là quyền tự do của mỗi người.
Phải khi thông qua luật từ ngày 7/2 (感染症法,検疫法) thì mới có thể yêu cầu mạnh hơn như xét nghiệm, vào viện cách li, dùng tài chính công để chữa trị.
Tiếp theo, khi dịch lan rộng ở mức ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt, kinh tế của dân thì Nhật có thể ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia dựa vào luật 新型インフルエンザ等対策特別措置法 (Luật đặc biệt về các chính sách biện pháp chống dịch cúm loại mới) được công bố vào năm 2012.
Tuy nhiên, ở trước thời điểm ngày 14 tháng 3 thì Corona vẫn chưa được vào danh sách đối tượng áp dụng luật đặc biệt này.
Luật này phải thông qua phiên họp thượng viện ngày 14/3, phải có sự tán thành theo qui định thì mới được thực thi. Dù có vài đảng phản đối nhưng việc sửa luật (cho thêm corona vào danh sách đối tượng áp dụng luật này) đã được thống nhất và có hiệu lực từ ngày 14/3.
Các điểm chính về việc Nhật có thể làm sau khi tuyên bố khẩn cấp thì như sau:
+Có thể yêu cầu dân hạn chế ra ngoài (yêu cầu ở đây về mặt chữ nghĩa thì nó cũng rất nhẹ là yêu cầu hợp tác, ý thức hành động của cá nhân thôi)
+Yêu cầu/chỉ thị trường học, các cơ sở phúc lợi công cộng, rạp chiếu phim…đóng cửa
+Yêu cầu/chỉ thị ngừng các event liên quan đến giải trí, thể thao
+Cưỡng chế sử dụng đất, tòa nhà…dành cho việc tạo cơ sở y tế tạm thời (có mức phạt nếu không hợp tác)
+Có thể cưỡng chế trưng dụng các thiết bị vật dụng y tế, thực phẩm …(có mức phạt nếu không hợp tác)
+Yêu cầu/chỉ thị các công ty vận chuyển thực hiện vận chuyển các thứ khẩn cấpĐây là mức cao nhất về mặt luật mà Nhật có thể thực hiện ở thời điểm hiện tại.
Về điểm sao không cấm đi ra ngoài, sao không phạt này nọ…thì phải xét đến Hiến pháp.
Hiến pháp Nhật bảo hộ quyền tự do di chuyển, đi lại của công dân nên từ trước giờ từ khi Hiến pháp ra đời (sau thế chiến thứ 2, sau khi Nhật thua) thì không có bất cứ luật nào hạn chế điều này cả.
Còn sao không đổi Hiến pháp thì có lẽ sau vụ này người Nhật sẽ xem xét và là điểm cần nghị luận nhiều hơn chăng?!
Lý do sao Hiến pháp Nhật như thế thì các luật sư đều giải thích là do Nhật rút kinh nghiệm từ hiến pháp trước. Trước khi có Hiến pháp hiện tại thì luật Nhật thiên về chính trị tập trung quyền lực nên đương nhiên nhân quyền, dân chủ không được chú trọng nhiều. Từ sự sai lầm trong quá khứ đó Hiến pháp sau này sửa đổi theo hướng tôn trọng dân chủ, nhân quyền ở mức khá cao.
Ngoài ra, có một sự kiện mà có lẽ người Nhật cũng rút kinh nghiệm sâu sắc và khiến họ thận trọng hơn trong việc tạo luật liên quan đến dịch bệnh. Đó là sự kiện những người bị bệnh phong nhiều năm bị đối xử phân biệt và kì thị, nhân quyền bị vi phạm nghiêm trọng.
Trước 1945, Nhật có luật phòng chống bệnh phong, theo kiến thức thời đó thì bệnh phong là bệnh ghê gớm, dễ lây…nên tất cả những người bị bệnh đều bị bắt đi cách li, họ trở thành nạn nhân của việc kỳ thị của toàn xã hội, họ hầu như bị nhốt và bị mất đi toàn quyền cơ bản trong xã hội.
Sau thế chiến, năm 1953 luật được đổi tên, dữ liệu khoa học lúc đó đã chứng minh được bệnh phong không phải bệnh truyền nhiễm và có khả năng chữa trị nhưng nội dung luật về việc cách li, ra khỏi viện cách li không hề bị bỏ đi hay thay đổi.
Mãi đến năm 1996 thì luật này mới bị bỏ.
Sau đó phong trào đòi lại nhân quyền, hỗ trợ người bệnh phong cũng nhiều hơn và những người bị phong đã kiện lên tòa án tối cao luật này là vi hiến và cáo buộc cơ quan chức năng đã vô trách nhiệm trong việc thực thi luật mà không xét đến tính khoa học, buộc chính quyền phải bồi thường, tạo chính sách hỗ trợ cho bệnh nhân tái nhập lại cộng đồng, tránh sự kì thị, phân biệt đối xử. Tòa án tối cao tuyên bố vi hiến, người đại diện chính phủ đứng ra xin lỗi.
Hiện tại thì các nỗi đau quá khứ của bệnh này vẫn còn âm ỉ chưa dứt hẳn, họ vẫn còn bị kì thị bởi sự thành kiến quá lâu…
Có lẽ, đây là sự kiện gần nhất để khiến họ luôn cân nhắc và thận trọng khi ban hành luật liên quan đến nhân quyền, bắt buộc phải dựa theo thông tin dữ liệu khoa học.
Điều này thấy rõ ở chỗ là trước khi ban hành lệnh khẩn cấp chính phủ phải thông qua Ban tư vấn (đa số toàn là các bác top trong ngành y và có 1 luật sư) để đánh giá mức độ của sự việc có hợp lý và khoa học không rồi mới quyết định.
Nói chung là thận trọng và cẩn thận. Chính vì điểm này mà người ngoài nhìn vào sẽ cảm thấy Nhật quá chậm chăng?!
Nhật hiện tại vẫn chưa ở tình trạng overshoot (bác Omi giải thích vào ngày 4/4 rằng khái niệm này dựa theo tỉ lệ tăng của số người lây nhiễm, overshoot là hiện tượng tăng đôt biến gấp đôi trong vòng 2-3 ngày. Hiện tại ở Tokyo mấy ngày đầu tháng 4 là 5-6 ngày mới tăng gấp đôi)
Tuy nhiên, đây cũng là mức rất cần cảnh giác, phải làm sao để giữ cho không vào tình trạng overshoot thì mới có thể giảm sự tổn thất ở mức thấp nhất.
Và kết quả bác Abe tuyên bố khẩn cấp ở 7 thủ đô tỉnh thành vào ngày 7/4, lý do chỉ định 7 thành phố này cũng dựa trên cách đánh giá nguy cơ rủi ro overshoot như trên, hiệu lực của tuyên bốnày từ lúc 0g ngày 8/4 đến ngày 6/5.
Hiện tại, số người nhiễm ở Nhật là hơn 4500 người, số người tử vong khoảng 100, số người có triệu chứng nặng cũng khoảng 100.
Hi vọng là số bị nặng không tăng nhiều để Nhật giữ vững được nguồn lực y tế để không xảy ra tình trạng quá tải.
Tokyo và các tỉnh nơi có nhiều người bị nhiễm giờ thực hiện chuyển người bị nhiễm không triệu chứng và triệu chứng nhẹ sang các nơi khác không phải bệnh viện.
Hi vọng cách này sẽ giúp Nhật chống dịch tốt hơn (mặc dù cũng lo về nguồn lực nhân viên y tế, dù chuyển ra ngoài nhưng cũng cần có các y tá, bác sĩ theo dõi hàng ngày)
Hi vọng tiếp theo là kéo dãn được biểu đồ hình sin ở mức gần thấp dần, không để tình trạng bùng phát overshoot thì Nhật sẽ có đủ thời gian để tăng cường các hệ thống chống dịch, gia tăng sản xuất các cơ sở thiết bị, thúc đẩy nghiên cứu thuốc, vắc-xin…nói chung là tất tần tật những gì gọi là “vũ khí” vũ trang để chiến đấu với con này theo các đợt sóng hình sinh lớn nhỏ nữa thì cuối cùng con người sẽ quen với cái tên Corona thôi
Trong đại dịch này mình thấy người căng não nhất chắc là các chính trị gia chăng?!
Vừa phải nghe giải thích của bên chuyên gia về y khoa, rồi còn phải nghe tư vấn của các Bộ pháp vụ, Bộ Kinh tế…để đưa ra các giải pháp hỗ trợ kinh tế giúp cá nhân, doanh nghiệp chống chọi qua dịch…
Chưa kể còn phải họp trao đổi với các đảng khác, họp hành liên miên để thông qua các dự luật mà các bên tư vấn đưa ra…
Nghĩ thôi mình cũng thấy quá bận.
Tội nghiệp bác Abe, trông già đi hẳn.
Và đương nhiên tất cả các đội ngũ nhân viên y tế mình nghĩ họ cũng vô cùng cực, gặp vô vàn các vấn đề khó khăn trong tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là mặt tinh thần và sức khỏe.Mình cũng không biết cách của Nhật có đúng không, có lẽ phải khi đại dịch qua rồi mới biết nhưng theo dõi tìm hiểu vụ này về các nền tảng mà họ có mình tin rằng Nhật sẽ vượt qua được với tổn thất ít nhất.
Với tinh thần Kaizen (luôn cải thiện để tốt hơn) thì sau đợt này họ sẽ nhận ra những thứ cần phải sửa đổi để hoàn thiện tốt hơn.
Có 1 suy đoán cá nhân mình đó giờ trong dịch này là, chính người Nhật với thói quen sạch sẽ, văn hóa kín kẽ, thích im lặng, không làm phiền người khác, ý thức phòng cúm rất cao hàng năm đã giúp cho Nhật rất …rất nhiều trong dịch này chăng?!
Dù sao, cũng chỉ là suy đoán của cá nhân mình thôi.
Kết lại, vẫn mong và tin rằng ALL JAPAN (lời của bác Omi) mà đồng lòng thì chúng ta sẽ thắng.
TÁC GIẢ: THANH TUYỀN

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (10 votes, average: 4.90 out of 5)

Loading...

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản