JUKU – PHẦN 3 – ĐƯA CON VÀO LÒ LUYỆN THI, NÊN HAY KHÔNG?

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (3 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Sau loạt bài Juku Phần 1Phần 2 được sự quan tâm của bạn đọc. Tại Phần 3 này, KVBro xin giới thiệu một chia sẻ thực tế của chị Nhung – một bà mẹ có con trai vừa xuất sắc đạt được học bổng vào một trường tư thục tầm khá giỏi tại Tokyo sau chỉ 1 năm học juku. Các bạn cùng tham khảo để có thêm thông tin thực tế nhé!

Bài viết này để chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, hy vọng giúp ích với các phụ huynh có con sắp vào cấp 2 tại Nhật. Cũng là một góc nhìn để hiểu hơn về tính cách người Nhật ngoài xã hội.
Với tỷ lệ cứ 100 trẻ tiểu học thì có 8 trẻ sẽ vào trường trung học tư thục, Tokyo có tỷ lệ cao nhất 25 trẻ. Con số học luyện thi (zyuken受験) sẽ còn lớn hơn nhiều. Zyuken trở thành chủ đề cửa miệng của các bậc phụ huynh, là 1 vấn đề lớn tương tự như mua nhà của mỗi gia đình và 1 yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới tích cách của đứa trẻ sau này.
Zyuken từ cấp 2 có nên không?
Câu trả lời là “Không” nếu con bạn tự giác học và phụ huynh cam kết giành thời gian đồng hành cùng con trên con đường home-schooling kéo dài hơn chục năm. Nếu ko thì nên gửi con vào hệ thống zyuken, trường tư thục để đảm bảo con bạn được đặt vào quỹ đạo có mục tiêu rõ ràng.
Nhà mình thì từ đầu không thích mục tiêu và cách tiếp cận của Zyuken, trường tư nên chỉ khuyến khích con theo 3 hướng mà tụi mình nghĩ sẽ là life competency:
(1) Ham tìm hiểu (ngoại ngữ và đọc sách)
(2) Chơi thể thao và tự tụ tập với bạn bè để có thể lực tốt và tương tác giao tiếp tốt
(3) Âm nhạc và programming để có 1 sở thích cho riêng mình
Còn việc học văn hoá ở trường là việc của thầy và trò, bố mẹ hoàn toàn không can thiệp, con có thể bị khiển trách vì vài lỗi ở trường, con cần tự giải quyết và đã có thầy cô uốn nắn. Mình hầu như không đi họp phụ huynh, không bao giờ đọc sổ liên lạc nên từ lớp mẫu giáo, các con đã có thói quen tự nhớ các dặn dò của thầy cô để về nhắc mẹ. Mình chỉ đi dự giờ học hàng tháng theo lịch của nhà trường để tận mắt quan sát con và hàng ngày có nghe chuyện của con ở trường, chỉ có thế thôi.
Và thế là bạn P nhà mình được “thả rông” chơi bời lêu lổng tới tận đầu năm lớp 6 trong khi chúng bạn xung quanh đã vào lò luyện thi từ lớp 3, lớp 4. Tới dịp Tết dương lịch năm ngoái, khi mỗi người trong nhà đều nói lên 1 mục tiêu lớn nhất của mình cho năm mới, bạn ấy không có mục tiêu cụ thể, đi chơi công viên mỗi ngày cũng không được nữa vì đồng bọn bận học thi Zyuken hết rồi. Bạn cũng không muốn tập trung luyện bóng rổ cho lên hẳn 1 level mới vì tự nhận thấy các điểm hạn chế của bản thân, đây là mục tiêu mà mình cứ tiếc mãi cho bạn ấy! Thấy tình hình lông bông sẽ không ổn, nên mình đã đồng ý ngay khi bạn ấy thổ lộ muốn học thi để vào hệ các trường 公立中高一貫校  (“trường K”) như các bạn. Thế là công cuộc zyuken của bạn P bắt đầu trong chớp nhoáng.
Vậy Zyuken nên bắt đầu từ khi nào?
Các nhà Nhật nhiệt huyết với việc học của con thì sẽ cho đi học từ mẫu giáo năm cuối, bắt đầu với Kumon học tính toán nhanh, sau đó là rất nhiều chương trình học phụ đạo chuẩn bị cho con 2 kỹ năng chính: khả năng tính toán nhanh chính xác và vốn từ ngữ quốc ngữ. Giai đoạn trước lớp 3 chủ yếu vẫn là rèn thói quen tập trung học và lấp chỗ hổng kiến thức phổ thông, không theo học thêm cũng hoàn toàn không vấn đề gì. Công cuộc luyện gà chỉ thực sự chính thức từ lớp 3, chậm nhất là tháng 2 trước khi nào năm lớp 4, với rất nhiều nội dung, kiến thức hoàn toàn không có trong sách giáo khoa, thâm chí nhiều kiến thức từ cấp 2, 3 được mang xuống, truyền tải cho học sinh tiểu học. Nếu con bạn không học cái này, sẽ khó có cửa cạnh tranh thi vào các trường tư thục danh tiếng. Đây là điểm mà nhà mình dị ứng nhất với hệ thống zyuken và thi cử của trường tư. Luyện tính toán nhanh và khả năng tập cung cao độ, ok fine vì đó là các skill sẽ còn dùng lâu dài. Nhưng việc mang kiến thức vi phân, hình học cấp 2 nhồi vào đầu đứa trẻ tiểu học thì rất phản khoa học, và khiến trẻ học thụ động với kiến thức, thiếu hứng thú với chương trình trên lớp chính khoá. Vào đầu lớp 6, khi mình đi gõ cửa các lò danh tiếng thì đều bị từ chối vì các bạn khác đã học trước quá nhiều kiến thức.
Rất may, gần đây ở Nhật mới nổi lên một số chương trình cải cách mới, đi đầu là trường công lập K. được bảo trợ bởi bộ giáo dục, tiên phong đưa ra một hệ thống thi cử khác, không thi đấu bằng kiến thức mà chủ yếu là kỹ năng đọc hiểu, tư duy, tính toán và trình bày.. Nhà mình không chút đắn đo, đưa con vào hệ học thi đó, dù biết xác suất vào được trường K rất thấp, xác định sẽ về học cấp 2 trường làng. Nhưng những gì con học được qua kỳ luyện thi vào trường K sẽ là life skill của con sau này, vậy là đủ. Thế là chỉ trong 1 tuần, hàng đêm về đọc diễn đàn lấy thông tin trên mạng, chiều tối sau giờ làm 2 mẹ con lại đi từng lò, nói chuyện với thầy cô và lựa chọn vào học 1 trung tâm gần nhà.
Sau này tìm hiểu thêm thì mình biết nhiều trường tư thục tầm trung đang bí với nguồn tuyển sinh do tỷ lệ sinh giảm, cũng đã bắt chước, đưa vào hệ thi logic như K, để vớt số học sinh giỏi trượt trường K nhưng vẫn thuộc hàng xuất sắc về học. Các trường tư còn nhạy bén hơn khi đưa vào 1 số chương trình học tiếng Anh, du học giao lưu, hệ thống tư vấn đi du học đại học…để phù hợp với một bộ phận khách hàng anti với giáo dục truyền thống kiểu Nhật. Các course có tên “Global leader”, “Innovation”…ở một loạt các trường tư như H, M, S hàng năm đều đặn đưa 1 lượng học sinh qua Mỹ, Canada du học.Tuy mới nhen nhóm bắt đầu nhưng cũng không ít case vào được hệ các trường Ivy danh tiếng.
Ngoài ra, các trường cấp 3, đại học công lập đều có hệ tuyển cử. Nếu con bạn xuất sắc thì sẽ được thầy cô viết thư giới thiệu đặc cách mà không cần luyện thi. Các trường tư thục sẽ có chế độ học bổng để bố mẹ không cần phải đầu tư tốn kém. Những cháu mà mình biết đều có khả năng tự giác học rất tốt, gần như không cần đầu tư hoặc đi học zyuku rất trễ.
Tóm lại là, zyuken vào trường tư thục không phải là con đường duy nhất để con bạn thành công. Cũng không có gì đảm bảo zyuken sẽ đưa con bạn tới những cánh cổng lớn, và sẽ có 1 cuộc đời ý nghĩa sau này. Quan trọng là bạn có thực sự lắng nghe để hiểu về con mình và đưa ra những định hướng đúng đắn, sẵn sàng đồng hành cùng con trên con đường mà con bạn, chứ không phải bạn lựa chọn!
Tác giả: chị Nguyễn Nhung – hiện đang sinh sống và làm việc tại Tokyo.
Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (3 votes, average: 5.00 out of 5)
Loading...
KVBro – Nhịp Sống Nhật Bản

KVBro - Nhịp sống Nhật Bản

Cám ơn các bạn đã ghé thăm trang web của KVBRO-Nhịp sống Nhật Bản. Xin vui lòng không đăng lại nội dung của trang web này nếu bạn chưa liên lạc với chúng tôi.