Site icon KVBro

HỆ THỐNG GIÁO DỤC CANADA – PHẦN 1

Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

Hệ thống giáo dục ở Canada bao gồm từ trường công lập và tư thục từ mẫu giáo tới đại học. Tại Canada thì ở cấp đại học hầu hết đều là trường công lập, không có tư thục, vì vậy, chất lượng giáo dục đều ngang bằng nhau trên khắp đất nước.
Một năm học kéo dài từ tháng 9 năm trước tới tháng 6 năm sau. Trẻ em vào lớp 1 khi được 6 tuổi. Lớp 1 đến lớp 6 là ở bậc tiểu học
Trung học từ lớp 7 tới lớp 11, 12 hoặc 13 (tùy tỉnh/ bang). Sau đó học sinh sẽ lựa chọn học cao đẳng, cao đẳng phổ thông chuyên nghiệp (Cé gep) hoặc là đại học.
Riêng Cé gep (một trường cao đẳng công lập được tài trợ cung cấp các chương trình kỹ thuật, học thuật, dạy nghề hoặc kết hợp) là dạy 2 năm phổ thông hoặc đào tạo nghề trong vòng 3 năm ở giữa trung học và đại học, và chỉ riêng tại tỉnh bang Quebec mới có hệ thống Cé gep này.
Canada là đất nước đa ngôn ngữ, và tại những tỉnh bang nói tiếng Anh ở Canada thì các trường cao đẳng còn được gọi với nhiều tên gọi khác như: community college (cao đẳng cộng đồng), University College (cao đẳng đại học), technical institutes (học viện kỹ thuật),…

Contents

SƠ ĐỒ NỀN GIÁO DỤC TẠI CANADA VÀ TỈNH BANG (NHƯ ẢNH BÊN DƯỚI)

Sơ đồ tổng thể hệ thống giáo dục Canada
Như đã nói ở trên, Canada có rất nhiều trường trung học từ công lập tới tư thục. Học sinh tại đây có thể lựa chọn học kết hợp văn hóa với tiếng Anh.
Đa phần các trường đại học ở Canada không yêu cầu ngoại ngữ của du học sinh, miễn là người đó có điểm học văn hóa tốt. Khi bắt đầu đăng ký học tại trường, du học sinh đó sẽ phải thi trắc nghiệm sinh ngữ nhằm xác định xem có cần phải cho học thêm sinh ngữ ngoài các môn học văn hóa hay không.
Toàn bộ các tỉnh bang ở Canada đều có trường trung học tư thục, nhiều nhà kinh doanh và lãnh đạo chính trị nổi tiếng tại Canada từng tốt nghiệp tại những trường tư thục này. Một điều nữa mà phụ huynh có thể yên tâm đó là toàn bộ các trường tư thục bắt buộc phải đăng ký với Bộ giáo dục tại tỉnh bang hoặc lãnh thổ của họ và phải đảm bảo các tiêu chuẩn về giáo trình giảng dạy và các tiêu chuẩn khác được bộ liên quan quy định.
Giờ đây, hệ thống giáo dục Canada ở nhiều trường công lập đã bắt đầu thu nhận du học sinh quốc tế, và ngày càng mở rộng trên toàn đất nước. Những trường công lập này đều được quản lý bởi hội đồng giáo dục (school board) được bầu ra ở địa phương. Tùy mỗi tỉnh bang mà chính sách thu nhận học sinh quốc tế khác nhau và mức học phí cũng không giống nhau.
Và một điều nữa đó là một vài trường trung học công lập có chương trình International Baccalaureat – IB (chứng chỉ quốc tế). IB là chứng chỉ được công nhận khắp Bắc Mỹ – tương đương với năm thứ nhất đại học.
Khi học sinh đạt được điểm cao môn học IB thì sẽ được các đại học công nhận khi học sinh đó chuyển lên đại học.
Tại Canada có khoảng 175 cơ sở giáo dục sau trung học đều là thành viên thuộc ACCC – Hiệp hội các trường cao đẳng cộng đồng Canada. Một vài tên gọi khác như: Học viện kỹ thuật, cao đẳng cộng đồng, cao đẳng đại học, Cé gep.
Khi tốt nghiệp tại những cơ sở giáo dục này, học sinh hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu các ngành công nghiệp, dịch vụ công cộng, kinh doanh,…trên thị trường.
Tại Canada, giáo trình giảng dạy ở nhiều trường cao đẳng còn chuyên sâu về nghề nghiệp hơn là ở bậc đại học. Những lớp học ít người thì các khóa học thường là thực tập ở bên ngoài trường, không gian học và phòng lab thoáng đãng, cách dạy tương tác nhiều hơn, nhiều cấp độ học khác nhau từ kỹ thuật cho tới ngành nghệ thuật sáng tạo.
Tại đất nước ngày, nhiều trường cao đẳng là nơi đào tạo xuất sắc cho nhiều lĩnh vực như môi trường, công nghệ thông tin, khách sạn, du lịch,…Ở đây có chương trình học toàn thời gian và bán thời gian linh động cho học sinh bao gồm như y tế, nghệ thuật ứng dụng, kinh doanh, dịch vụ xã hội,…Có thể nói, các trường cao đẳng là địa chỉ giáo dục cấp tiến, thường xuyên thay đổi để đáp ứng được những nhu cầu về kinh tế xã hội của cộng đồng.
Đây là dạng kết hợp giữa trường cao đẳng và đại học ở Canada. Khi theo học tại đây, học sinh có thể lựa chọn 1 trong 2 định hướng đó là:
Theo học 1 chương trình văn hóa trong 2 năm, sau đó chuyển tiếp đi lên đại học
Học 2-3 năm để tốt nghiệp với bằng cấp chuyên môn.
Hầu hết các trường đại học đều có liên kết với một vài trường đại học trong vùng để thuận tiện cho quá trình chuyển tiếp. Sau khi chuyển tiếp lên đại học, sinh viên sẽ học tiếp 2 năm cuối của chương trình đại học kéo dài 4 năm.
Có thể nói, tại Canada, trường cao đẳng cộng đồng là phổ biến nhất, có nhiều chương trình đào tạo chuyên môn từ 1-3 năm (gồm cả thời gian thực tập).
Một số ít còn có chương trình chuyển tiếp lên đại học, học sinh có thể học các khóa học tương đương với các khóa học trong 2 năm đầu của chương trình 4 năm đại học. Sau đó thì sẽ tiếp tục học tiếp chương trình học 2 năm cuối tại trường đại học để hoàn tất chương trình học.
Như đã nói ở trên, học sinh muốn lấy được bằng đại học theo chương trình chuyển tiếp đại học thì cần phải hoàn thành chương trình học 2 năm học đầu tiên ở trường Community College hoặc University College để nhận tín chỉ (credit).
Và các tín chỉ này sẽ chuyển tiếp lên các trường đại học như là chứng nhận đã học năm thứ nhất và thứ hai tại đại học.
**Lưu ý: **
Học sinh cần chọn kỹ các khóa học phù hợp với ngành mà mình dự định theo học ở bậc đại học.
Không phải chỉ cần hoàn thành chương trình chuyển tiếp là được nhận vào học tại đại học mà học sinh cần phải thỏa mãn điều kiện nhập học tại đại học đó.
Tại tỉnh bang Quebec, các học sinh quốc tế có thể lựa chọn học tại một trường cao đẳng Cé gep. Những học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông khi chọn Cé gep thì sẽ có 2 chương trình, đó là
Chương trình chuyển tiếp 2 năm lên đại học
Chương trình chuyển tiếp kỹ thuật 3 năm để đi làm luôn.
Trường cao đẳng nghề – Technical Institute/Career College
Đây là những cơ sở giáo dục tư nhân, tại đây có các giáo trình dạy cho học sinh những kỹ năng thực tế áp dụng khi làm việc ngoài thị trường sau khi theo học trong thời gian ngắn.
Nếu phụ huynh và học sinh tìm kiếm chương trình đào tạo ngắn hạn cho nghề điện ảnh, tin học, internet, du lịch khách sạn, thiết kế đồ họa,…thì đây là một lựa chọn chính xác.
Dù là trường do tư nhân làm chủ nhưng đều được tỉnh bang công nhận và đảm bảo các tiêu chuẩn trong chương trình học và chất lượng giảng dạy.
Tính đến nay, có 95 trường đại học tại Canada nổi tiếng trên thế giới về chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, vì thế bằng được cấp từ Canada luôn được công nhận toàn thế giới.
Nhà nước tài trợ cho các trường đại học Canada quy mô lớn, không phân biệt địa điểm hay ngành học. Mỗi trường có số lượng sinh viên theo học dao động từ 1.000 – 35.000 sinh viên.
Tại đây có rất nhiều loại hình đào tạo và đủ loại văn bằng cho kỹ sư, cử nhân hay tiến sĩ, có cả chứng chỉ và diploma chuyên môn.
Tùy mỗi tỉnh bang, mỗi trường, mỗi chương trình học mà học phí sẽ thay đổi, nên cần tham khảo trước khi quyết định theo học.
Mỗi năm học đại học kéo dài từ tháng 9 năm trước tới tháng 5 năm sau, có một vài trường theo hệ thống 2 hoặc là 3 học kỳ, học cả mùa hè.
Đặc biệt, tại Canada không thi tuyển sinh đại học mà chỉ xét tuyển, mỗi trường đại học lại có tiêu chuẩn nhập học riêng và thủ tục xét hồ sơ theo từng trường hợp.
Dù là quốc gia đa ngôn ngữ nhưng tại Canada có 2 ngôn ngữ chính thức là tiếng anh và tiếng Pháp. Học sinh quốc tế có thể lựa chọn học bằng tiếng anh (ESL) hoặc bằng tiếng Pháp (FSL) như là sinh ngữ hai.
Là du học sinh, các con có thể chọn học tiếng anh phổ thông, thương mại hoặc tùy theo mục đích, hoặc cũng có thể chọn dạng đào tạo để giảng dạy môn tiếng anh.
Hầu hết các trường dạy tiếng Pháp đều tập trung tại tỉnh bang Quebec, và tương tự như chương trình dạy tiếng anh, học sinh có thể theo học chương trình tiếng Pháp bất cứ khi nào.
Nếu học tiếng pháp hoặc tiếng anh dưới 6 tháng thì có thể học tại Canada bằng visa du lịch, sẽ đỡ tốn chi phí hơn.

Học bổng và trợ cấp tài chính – SCHOLARSHIP, AWARD, GRANT

Chính sách tặng học bổng, giải thưởng hoặc cho sinh viên vay tiền để học trong hệ thống giáo dục ở Canada cũng có, nhưng chủ yếu là cho sinh viên gốc Canada hoặc thường trú nhân (permanent resident).
Hầu hết các khoản tiền hỗ trợ này khó có thể đủ để chi trả toàn bộ học phí và sinh viên vẫn cần phải đi làm thêm để bù vào tiền sinh hoạt.
Học sinh quốc tế cũng có học bổng nhưng đa phần là dành cho học sinh xuất sắc. Học bổng cho du học sinh, nghiên cứu sinh quốc tế cũng có nhưng thường là áp dụng cho sinh viên sau đại học và các giáo sư đang học tập hay nghiên cứu các đề tài đặc biệt.
Trong những năm gần đây, một vài trường đại học ở Canada cũng cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam, thường là trong năm đầu tiên theo học. Hầu hết các dạng học bổng Canada này được cấp thông qua một vài hiệp định giữa Canada, tổ chức pháp ngữ, tỉnh Quebec và chính phủ việt Nam. Nếu phụ huynh học sinh đang muốn tìm hiểu về chương trình học bổng này, có thể liên hệ với
Bộ Giáo Dục Đào Tạo, Đại Sứ Quán, Lãnh Sự Quán Canada tại Việt Nam để biết thêm chi tiết.
***Mong rằng với những chia sẻ về hệ thống giáo dục Canada trong bài viết này sẽ giúp quý phụ huynh, học sinh đọc định hướng rõ ràng hơn về chương trình học, quyết định du học hoặc định cư Canada trong thời gian tới. ***
Tổng hợp bài viết: Cô DƯƠNG MỸ LINH – Giám đốc Học thuật (1) Nisai Global School – Viet Nam | Facebook
Cảm ơn cô Dương Mỹ Linh đã cung cấp bài viết cho KVBro.

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

 

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản

Exit mobile version